Tâm lý người Việt làm khổ nhạc sĩ Việt?
Cập nhật lúc 16:50, Thứ ba, 23/08/2016 (GMT+7)
Nghi án Vũ Cát Tường đạo nhạc, cuối cùng đã tìm ra câu trả lời, khi nữ nghệ sỹ người Nhật chính thức công nhận: Đây chắc chắn chỉ là sự trùng hợp khi cả hai cùng viết một ca khúc vào một thời điểm. Vũ Cát Tường đã được giải oan. Rất đông khán giả chúc mừng Vũ Cát Tường.
|
|
Thừa thắng xông lên, khán giả Việt bắt đầu lăn tăn với câu hỏi: “Có khi nào cô người Nhật này đạo nhạc không nhỉ?”. Nhưng câu hỏi lớn nhất được nhiều người nghĩ đến thông qua thắng lợi của nghi án đạo nhạc này: Phải chăng tâm lí tự ti của người Việt đã làm khổ người sáng tác của ta? Cứ có sản phẩm tinh thần nào của “nhà mình” có hơi hướng giống “nhà người”, người trong nhà đã nhớn nhác: Chắc “ta” ăn cắp rồi.
Ở lĩnh vực ca khúc, những chuyện nhạc sỹ ta bị tố “đạo” sáng tác của nhạc sỹ nước ngoài đã trở nên không xa lạ. Song chuyện ngược lại, ca khúc của tác giả nước ngoài bị phát hiện “đạo” ca khúc của tác giả trong nước ở tỉ lệ thấp hơn hẳn. Còn nhớ cách đây vài năm, khi ca khúc “Princess of China” của Rihanna và Coldplay trong album “Mylo Xyloto” phát hành ngày 17/10/2011 bị ê-kip của Hà Trần phát hiện có những trùng lặp với ca khúc “Ra ngõ tụng kinh” của Trần Thu Hà nằm trong đĩa “Trần Tiến” phát hành năm 2008.
Thời điểm đó, nhạc sỹ Thanh Phương đã chỉ ra tâm lí tự ti của những người làm nghệ thuật Việt, khiến mỗi khi có nghi án đạo nhạc, lại nghĩ chỉ người Việt mới “copy” sản phẩm nước ngoài. Phản ứng của nhạc sỹ Trần Tiến, cha đẻ của ca khúc, thoạt nghe tưởng nhẹ nhàng nhưng ngẫm ra lại ngậm ngùi: “Có thể họ nghĩ tôi chỉ là tay nhạc sỹ vô danh tiểu tốt ở Việt Nam, có bị đạo cũng chả làm gì được họ. Nếu họ đạo của tôi mà họ hát hay thì tôi cũng tự hào”. Ông cho qua chuyện này: “Coi như tư tưởng lớn gặp nhau”.
Nhưng nhạc sỹ Đào Trọng Thịnh có ý kiến khác: “Việt Nam sử dụng lại nhạc nước ngoài quá nhiều, nên bây giờ có một ca sỹ nổi tiếng như Rihanna lấy chút ít nhạc Việt Nam đưa vào bài hát của mình thì chúng ta cũng vui vui chứ nhỉ? Chắc vì lí do đó nên cư dân mạng mới bàn tán xôn xao thế”. Cách nghĩ của nhạc sỹ Đào Trọng Thịnh không hẳn không có ý đúng.
Trở lại câu chuyện Vũ Cát Tường, sau vụ được minh oan đạo nhạc nước ngoài, chắc chắn cái tên Vũ Cát Tường sẽ “nóng” hơn thường lệ. Đó cũng là một phần thưởng cho sự nghiêm túc của cô với nghề. Nhiều độc giả buộc những người từng “ném đá” Vũ Cát Tường phải xin lỗi cô. Song ai sẽ xin lỗi “thượng đế” khi họ liên tục bị mất lòng tin bởi các vụ “đạo” trong nghệ thuật diễn ra quá nhiều? Điểm lại, trong lãnh địa ca khúc, có lẽ người sáng tác ở ta chỉ “được” các bạn đồng nghiệp Campuchia “chôm chỉa” nhiều nhất. Có người cũng bực tức vì sản phẩm bị ăn cắp nhưng lại có người thấy vui. Nghe cũng sang!!?
Theo Tiền phong
.