Rối nước - cái đẹp từ sự mộc mạc
|
|
Rối nước. Nguồn: tintuc.vn |
Nhìn các con rối của ông cha ta tạo dựng, một điều dễ có nhận xét giống nhau là nó rất dung dị và gần gũi với cuộc sống nơi thôn dã, từ con trâu, con cá, con ếch đến con người… tất cả những nguyên mẫu thật ấy được nhập vào thành các con rối gần như y trang. Thế nhưng, theo phương pháp giải phẫu thì tỷ lệ các phần của con rối lại không đúng với tỷ lệ thật về giải phẫu cơ thể học của người. Có lẽ chính vì cái điều không giống với tỷ lệ thật ấy mà các con rối nước cổ truyền đã được người xem mọi lứa tuổi chấp nhận, đã được bảo lưu và phát triển mãi đến ngày nay. Trong các trò rối nước, các con rối cùng hoạt động trong một không gian và thời gian, thế nhưng có khi con cá thì rất to mà người câu cá lại quá nhỏ. Nếu nhìn toàn cảnh thì hình khối của con người bé hơn cả “chú cá”, mới nhìn tưởng cách tạo hình đó là khập khiễng, là không nhất quán. Thế nhưng thật lạ, những trò rối nước được tạo hình theo kiểu ngây ngô, ngược đời này lại được khán giả của mọi thời đại, mọi châu lục chấp nhận và cùng thích thú hò reo theo trò “đánh cá” của nghệ thuật múa rối nước. Phải chăng, chính từ những quan niệm mộc mạc ấy mà cái đẹp của con rối nước cổ truyền đã tự toả sáng lấp lánh, cộng thêm những nét sinh hoạt đời thường, hóm hỉnh và dân dã mà nghệ thuật múa rối ngày càng tạo thêm những yếu tố bất ngờ và hài hước vốn rất cần trong các trò diễn tại các lễ hội.
Con rối được sáng tạo để phục vụ biểu diễn khác với những con rối được làm ra để bày bán ở chỗ, nó được thiết kế để phục vụ cho diễn xuất, tức là con rối phải biết hoạt động một cách thành thạo và dễ dàng mà không gặp những khó khăn trong các động tác diễn xuất và có thể đáp ứng được mọi ý đồ xây dựng tiết mục của đạo diễn múa rối. Rối nước ngày nay đã có những cải tiến và cách tân cho phù hợp với thời đại mà vẫn không mất đi những yếu tố truyền thống, cổ truyền. Trước đây con rối nước nguyên thuỷ của các nghệ nhân rất mộc mạc. Sau khi đục đẽo và làm máy móc xong, họ thường chỉ dùng các vật liệu sẵn có trong thiên nhiên như: nhọ nồi, dành dành, hoa hòe…trộn cùng lòng trắng trứng gà tạo thành một lớp keo để sơn phết lên con rối. Hoạ sĩ Đặng Văn Thiết là người đã sáng tạo ra cách sơn son thếp vàng cho con rối. Các con rối được sơn son thếp vàng hoạt động trên mặt nước, ánh nước lung linh hắt lên con rối, hòa cùng ánh vàng, bạc của sơn thiếp tạo lên một con rối lung linh huyền ảo, tôn lên vẻ đẹp của những con vật linh thiêng trong các vở diễn. Ở môn nghệ thuật rối nước, diễn viên thường xuyên phải ngâm mình dưới nước. Nếu mùa nóng không sao, nhưng vào mùa lạnh thì đó là một thử thách đối với người diễn. Gặp ông Phạm Viết Trâm năm nay đã 69 tuổi, là diễn viên của đoàn múa rối làng Đống (Đông Hưng – Thái Bình) đang biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học, ông tâm sự: “Ngày xưa, rét lắm, buồng trò phải quây kín để tránh gió. Người diễn uống vài hụm nước mắm hoặc lấy gừng sống nhai nhỏ, nuốt lấy nước còn bã xoa khắp người để chống rét. Bây giờ, thì hầu hết các phường rối nước đều đã có quần áo cao su và những cách chống lạnh riêng…”
Rối cạn – nghệ thuật của sự sáng tạo
|
|
Rối cạn. Nguồn: infonet.vn |
Ở rối cạn, sự hấp dẫn người xem chính là nghệ thuật biểu diễn của ngươì diễn viên múa rối. Nếu người nghệ sĩ múa rối biết thổi tâm hồn của mình vào các con rối vô tri, vô giác, để chúng hoạt động một cách sinh động và người xem cảm nhận được những điều mà nghệ sĩ đang gửi gắm, thì đó chính là chìa khoá bước tới sự thành công của rối cạn. Chỉ cần hai khúc gỗ nhỏ, một khối vuông, một khối tròn được cắm vào hai ngón tay trỏ của người nghệ sĩ mà đã trình diễn trước mắt người xem về tình yêu của một đôi trai gái yêu nhau. Họ đợi chờ nhau, giận hờn nhau và cuối cùng làm lành để đi tới tình yêu vĩnh cửu. Chỉ có hai cục gỗ thôi mà một thế giới tình yêu đã đươc tái tạo đầy hấp dẫn. Từ trước tới nay, rối cạn truyền thống vẫn tồn tại đặc biệt là vào các dịp hội hè, lễ tết. Nó sinh ra từ những vùng thôn quê, sống trong lòng dân và quay trở lại phục vụ nhân dân. Ở mỗi phường rối cạn đều có một dấu ấn và phong cách nghệ thuật riêng. Cái khác biệt rõ nhất là cách điều khiển rối cạn ở mỗi một địa phương đều khác nhau. Ở Cao Bằng có hình thức biểu diễn các con rối trên đầu sào, được nhân dân quen gọi là “mục thầu hý”. Ở Thái Nguyên có phường “Thẩm Rộc” với các trò “bắt tắc kè” “nông nghiệp”…Ở phường rối Tế Tiêu (Hà Tây) có các trò rối “chém tá” hay “Đổng Kim Lân vượt đèo cứu chúa”…phần lớn được khai thác trong các trích đoạn sân khấu hay nghệ thuật tuồng cổ. Còn ở phường rối Đồng Minh (Hải Phòng), cách điều khiển con rối lại theo phương nằm ngang, gần giống với cách điều khiển của nghệ thuật rối nước, nghĩa là cũng có một bức màn che buồng trò. Từ trong mành nhìn ra ngoài người diễn có thể nhìn thấy con rối của mình thay vì điều khiển theo phương thẳng dọc, phải ngửa cổ lên nhìn con rối.
Chỉ cần nhìn qua như vậy đã có thể thấy nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam không chỉ độc đáo về nội dung mà còn rất đa dạng, sáng tạo trong nghệt thuật điều khiển con rối. Nhưng thật tiếc là trong hơn 45 năm xây dựng và phát triển nghệ thuật múa rối cạn của cha ông vẫn chưa được khai thác. Ngay từ khi ra đời, nghệ thuật rối cạn Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều từ nghệ thuật múa rối Tiệp Khắc. Do ngay từ đầu đã tiếp xúc và học tập nghệ thuật múa rối của nước bạn nên sau này đã có rất nhiều đạo diễn, hoạ sĩ tạo hình múa rối được đào tạo bài bản tại Tiệp Khắc. Trong khi đó, một kho báu nghệ thuật ngay trong nước lại không hề được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy đúng mức.
Thăng trầm nghề rối
Văn bia “Sùng thiên diên linh” ở Chùa Đọi (Hà Nam) đã ghi lại việc diễn ra trò rối nước từ hàng trăm năm qua. Tại nhà Thuỷ Đình (Chùa Thầy) và ở Đình Phù Đổng (Hà Nội) vẫn còn đó những minh chứng của lịch sử về sự tồn tại lâu đời của loại hình sân khấu độc đáo này. Các phường múa rối đã được hình thành và cứ thế tồn tại từ bao đời nay. Nhiều cuộc biểu diễn, thi thố tài năng giữa các phường múa rối thường được diễn ra rất sôi nổi, hào hứng. Các phường rối nước chủ yếu được ra đời trên lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình và đã từng có tới trên 400 trò lớn nhỏ. Lời nguyền xưa không dạy nghề rối cho con gái, con rể và những nguời từ nơi khác đến. Không dạy cho ai ngoài những họ đã có tên ở phường rối. Ai biết trò nào giữ trò ấy, dạy kín tại nhà, khi diễn chỉ có quân phường rối mới được vào buồng trò, còn lại kể cả chức sắc trong làng cũng cấm. Đã có một thời, nghệ thuật múa rối cổ truyền dậm chân tại chỗ, thậm chí còn bị mai một, lãng quên, nó hoạt động nhỏ nhoi trong hình thức phường bạn và kìm hãm trong tâm lý bảo thủ, giấu nghề nên chỉ quẩn quanh trong ao tù chật hẹp và bị bưng bít sau luỹ tre làng dày đặc. Trong thời bao cấp, nghệ thuật múa rối có một thời hoàng kim. Khi ấy, mỗi lần đoàn nghệ thuật múa rối biểu diễn ở đâu thì lập tức ở đó đã trở thành một ngày hội của địa phương mình.
Năm 1984, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam xuất ngoại với quy mô lớn, gồm các nghệ sĩ của 2 phường múa rối Nam Trấn (Nam Định) và Nguyên Xá (Thái Bình). Nghệ thuật múa rối Việt Nam đã gây tiếng vang tại Pháp và Ý. Báo chí phương Tây đã phải sửng sốt và hết lời ca ngợi “Múa rối nước Việt Nam đang mở một cuộc tấn công vào khán giả phương Tây…Nghệ thuật múa rối nước đã chinh phục nước Ý hôm nay và có thể cả mai sau…”. Cũng từ đó đến nay, nghệ thuật múa rối nước đã thực sự hồi sinh. Những phường rối một thời bị mai một nay bỗng bừng tỉnh. Ngày xưa, các phường rối được mời đi biểu diễn là oai lắm rồi, lấy cái tiếng là quan trọng nhất. Không có chuyện đòi hỏi gì. Nơi mời lo the, làm buồng gió, nuôi phường ăn là tốt rồi. Lí chưởng, chánh tổng, quan huyện thưởng cho đồng nào thì hay đồng ấy, miễn là bảo toàn được nghề. Sự khôi phục mạnh mẽ của một số phường rối nước thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm của công chúng đối với rối nước cộng với sự đầu tư, đổi mới trong các trò diễn đã nâng tầm nghệ thuật rối nước như một quy luật tất yếu.
Tuy nhiên có một thực tế là ở nước ngoài nghệ thuật rối nước được đón chào nồng nhiệt thì ở trong nước sự quan tâm của công chúng vẫn còn khiêm tốn. Rối nước vẫn chưa thấy xuất hiện thường xuyên trong các lễ hội, hội hè. Ngay như Nhà hát múa rối Trung ương, nơi tập tất cả các loại hình múa rối và có rất nhiều trò diễn, thế nhưng các buổi diễn tại nhà hát thì cũng phần lớn là phục vụ khách nước ngoài còn khán giả Việt Nam thì rất ít. Múa rối là một môn nghệ thuật mang tính kỳ và tính ngộ, con rối có thể làm được những động tác như con người và làm được những động tác mà con người không làm đựợc, đồng thời nó là sự trong sáng ngây ngô, hóm hỉnh và hài hước đến tức cười rất phù hợp với tâm lý trẻ em.
Việc đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống vào trong nhà trường, trong đó có múa rối sẽ rất có ý nghĩa trong việc giáo dục cho các em một tâm hồn trong sáng và truyền đạt cho thế hệ tương lai sự hiểu biết về một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hương My