Nguồn gốc tập tục cúng sao hạn
Theo bài viết "Bình giải tập tục cúng sao hạn" được đăng trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 04/02/2013 giải thích về nguồn gốc của tập tục Cúng sao giải hạn như sau:
|
|
Ảnh chụp màn hình trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Cúng sao hạn là tập tục đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Tập tục này có nguồn gốc từ Lão giáo. Sao hạn được tính căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc. Theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu.
Tuy bắt nguồn từ Lão giáo ở Trung Hoa, nhưng tập tục này lại ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt và trở thành một tập tục lâu đời của người Việt. Người Việt tin rằng, mỗi năm có một vì sao cai quản, có sao tốt có sao xấu. Nếu gặp sao xấu, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Có tất cả chín vì sao chia nhau cai quản con người và tám niên hạn. Chín vì sao là: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, Kế Đô, Mộc Đức, Vân Hớn. Tám niên hạn là: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Đại Võng, Diêm Vương.
Từ Lão giáo qua dân gian rồi đi vào Phật giáo, nhưng ngày nay, tập này được xem như tập tục của Phật giáo. Đoán sao, đoán hạn và cúng giải sao hạn ngày nay hầu hết là diễn ra ở các chùa.
Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao có thể tránh được cái hạn, cái không may
Trong bài viết "Đi giải hạn không thể tránh được hạn!" đăng trên báo Vietnamnet ngày 10/02/2012 Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết:
|
|
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ- Phó Chủ tịch thường trực hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Ở nhà chùa và nhiều nơi, có lễ đầu năm là lễ cầu bình an, cầu cho quốc thái dân an cầu gia đình hạnh phúc… là điều tốt và đúng trong đạo Phật bởi qua lễ cầu đó mục đích là để người đến lễ để nhớ lại những điều phật dạy, để mong.
Còn lễ giải hạn giải sao là do các tục lệ thời xưa từ Trung Quốc, khi họ tính tuổi ra các sao hạn sao nhẹ để rồi mới có những lễ này. Rồi thời nay nhiều người theo các cách tính sao đó đến chùa nhờ các thầy trong chùa làm sớ để giải hạn. Nhưng nếu đúng như vậy thì hỏi các sao trên trời to bằng một hành tinh khi chiếu hoặc rơi xuống thì đúng là gặp nguy chứ làm sao mà giải được!
Vì vậy nên việc cúng sao giải hạn, giải sao vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may.
Tôi thấy nhiều người đến giải hạn giải sao mà dùng cả hình nhân thế mạng, rồi hóa gây ô nhiễm và lãng phí. Nếu làm như vậy mà tránh được thì ai cứ có tiền để mua những thứ đó mà đốt sẽ tránh được hết mà không cần phải tích đức hay sao?
Mọi người cũng nên quan niệm cái hạn, cái không may cũng là một điều hết sức tự nhiên của vạn vật, mọi thứ đều có một chu kì nhất định. Giống như con người sinh ra ai cũng có lúc khỏe, lúc yếu vì đó là thời vận. Nhưng vạn vật vẫn sẽ có nhân quả, chỉ cần chúng ta sống có ích không gây điều ác thì những lúc thời vận xấu sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
'Không có nghi lễ dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật'
Trong bài viết 'Không có nghi lễ dâng sao giải hạn trong giáo lý nhà Phật' đăng trên báo Vietnamnet ngày 04/02/2017, nhà nghiên cứu Trịnh Sinh lý giải:
Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.
Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn. Trước đây chỉ có đình, đền thực hiện nghi thức này.
|
|
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh. Ảnh: Diệu Bình |
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho biết: “Trong đạo Phật không có dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng) tổ chức các khóa lễ để cầu an, lấy niềm tin là chính.
Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Thường ở tòa Tam Bảo trong các chùa, nhà chùa dâng hoa quả cúng Phật.
Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng".
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cũng nhấn mạnh: "Tại những khóa lễ này, bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Nhưng có một điểm chúng ta cần lưu ý, giữa nghi lễ Phật Giáo và tín ngưỡng dân gian đều có một ý nghĩa chung là cầu cho mọi người đều gặp nhiều an lành, tránh được những rủi ro trong cuộc sống. Mục đích của tín ngưỡng hay Phật giáo đều hướng con người ta đến cái chân, thiện, mỹ - những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay, một số chùa chưa có những giải thích rõ ràng về tục dâng sao giải hạn để các phật tử hiểu thấu đáo, tránh đi vào màu sắc mê tín dị đoan hoặc quá đề cao nghi thức này.
Dẫn đến ngày càng có nhiều người đổ đến các chùa làm lễ giải hạn như một trào lưu. Thậm chí giới kinh doanh thường đổ rất nhiều tiền bạc cho việc dâng sao giải hạn đầu năm tại các đình, đền, chùa…, nhưng trên thực tế lại chưa hiểu đúng bản chất của nghi thức này.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu đúng mục đích thuần túy cầu bình an thì tốt, còn nếu bỏ tiền bạc, vật chất làm lễ làm lễ dâng sao thì quá phí phạm, chi bằng dùng tiền đó làm từ thiện, bản thân họ tạo được phúc, mang lại quả ngọt cho đời”.
Sự thật về sao hạn và dâng sao giải hạn
Trong bài viết “Sự thật về sao hạn và dâng sao giải hạn” đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán ngày 08/02/2017, nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương đưa ra khẳng định: Trong Phật giáo không có khóa lễ "Dâng sao" và "Cắt sao". Việc lập đàn dâng sao, cắt sao có nguồn gốc từ Đạo giáo và thường do các đạo sĩ thực hiện.
|
|
Người dân đến chùa Phúc Khánh làm lễ dâng sao giải hạn |
Trong các bộ môn lý học dùng để dự đoán trước số mệnh của con người như Tử Vi, Tử Bình của Đông phương hoặc đối với phương Tây là Chiêm tinh học, thì việc đưa ra một lá số dựa trên cơ sở giờ - ngày - tháng - năm sinh và khi đã có lá số thì việc luận đoán vận hạn lại phải dựa trên một tập hợp rất nhiều các sao. Việc luận đoán vận hạn của 1 năm mà dựa trên ý nghĩa của 1 sao thì không thể chính xác. Cửu tinh trong cách tính hạn hàng năm là: La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Thủy Diệu, Thái Bạch, Vân Hán, Mộc Đức và Thổ Tú, trong đó cửu tinh, hay cửu diệu mà chúng ta đều biết chính là:
1) Thái Dương = MặtTrời
2) Thái Âm = Mặt Trăng
3) Thủy Tinh/Thủy Diệu = sao Thủy
4) Kim Tinh/Thái Bạch = sao Kim
5) Hỏa Tinh/Vân Hớn = sao Hỏa
6) Mộc Tinh/Mộc Đức = sao Mộc
7) Thổ Tinh/Thổ Tú = sao Thổ
8) La Hầu = ảo tinh là điểm giao cắt phía Bắc
9) Kế Đô= ảo tinh là điểm giao cắt phía Nam
Các bộ môn khoa học cổ như Chiêm tinh hay Tử vi, Tử bình, Phong thủy dựa vào đó để dự báo, tiên tri trước những sự việc tốt, xấu có thể xảy ra, chứ không tuân theo tín ngưỡng nào.
Vì thế, chúng ta không thể cúng để cầu xin may mắn từ sao Mộc hay Mặt Trời, cũng như không thể "cắt sao giải hạn" của Sao Kim hay sao Thổ đang bay trong vũ trụ.
Quy luật tự nhiên không phải là tín ngưỡng và ngược lại, tín ngưỡng phải tuân thủ theo quy luật tự nhiên. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ ràng giữa tín ngưỡng tôn giáo và tiên tri khoa học để tránh đi vào con đường của sự mê tín.
Thế Đức (tổng hợp)