Tin vui cho Thành Điện Hải
Phát biểu tại Lễ đón nhận, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-D nói rằng, Thành Điện Hải có giá trị lịch sử đặc biệt, là biểu tượng của ý chí quật cường, biểu tượng yêu nước của con người Việt Nam. Thành gắn với những chiến công, những tên tuổi lớn và hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giữ vững chủ quyền, làm rạng danh non sông Việt Nam.
|
|
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải cho TP.Đà Nẵng |
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch cần làm rõ những bảo tồn như quy hoạch tổng mặt bằng, tiến hành tôn tạo phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành như: kè, hào và các di sản văn hóa phi vật thể. Xây dựng không gian trưng bày hiện vật gắn liền với không gian tưởng niệm anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh. Xây dựng phương án khai thác du lịch văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để di tích trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Đổi mới công tác giới thiệu về di tích bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng Kiện toàn bộ máy quản lý di tích phù hợp với quy định pháp luật về phân cấp quản lý di tích đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích của địa phương trong điều kiện hiện nay.
Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải được công bố theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cụm di tích này có tuổi đời gần 200 năm lịch sử. Sự tàn phá và bào mòn của tự nhiên, tàn phá của chiến tranh và tác động của con người đã khiến cụm Thành Điện Hải xuống cấp nhiều. Năm 1988, Thành được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, việc này không ngăn được sự xâm hại của con người đến di tích này. Năm 2016, TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích. Trong đó, UBND TP. Đà Nẵng đã cho giải tỏa nhiều trụ sở, di dời nhiều hộ dân và quyết định chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích. Đặc biệt, UBND TP.Đà Nẵng đang chỉ đạo khảo sát quy hoạch xây dựng ở khu vực này một quảng trường, trong đó Thành Điện Hải được xác định là Trung tâm.
Lịch sử thăng trầm
Thành Điện Hải được xây dựng bởi triều đình nhà Nguyễn. Lúc đầu Thành có tên gọi là Đồn Điện Hải. Thành được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay; và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải. Năm 1858 Liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã đánh vào cửa biển Đà Nẵng. Kế hoạch của địch là nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, từ đó làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra hai miền Nam Bắc của đất nước, nhưng trước hết là tiến thẳng ra Huế để bắt triều đình Huế đầu hàng.
|
|
Thành Điện Hải trong lịch sử (Ảnh tư liệu) |
Nhưng ngay từ đầu, chúng đã bị quân và dân ta kháng cự một cách mãnh liệt. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn đã tỏ ra là những căn cứ đồn lũy quan trọng, góp phần đánh lui những cuộc tấn công của địch, nhưng về sau, do lực lượng của địch quá mạnh, Thành An Hải, Điện Hải và các thành lũy khác đều rơi vào tay giặc. Quân ta bấy giờ do Nguyễn Tri Phương chỉ huy lui về lập phòng tuyến trước huyện Hòa Vang để ngăn không cho địch vào sâu nội địa, đồng thời vây hãm địch, triệt hạ các con đường tiếp tế lương thực. Địch lâm vào thế bị động, lại thêm phong thổ khí hậu khắc nghiệt, phần lớn quân địch đã chết vì đói, vì bệnh tật, nên cuối cùng thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng vào ngày 23/3/1860, để lại dưới chân núi Sơn Trà một nghĩa địa chôn cất nhiều sĩ quan và binh lính Pháp - Tây Ban Nha.
Thành Điện Hải đã trải qua nhiều thăng trầm, nhất là sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp. Thực dân Pháp đã lấy thành để xây dựng bệnh viện quân y vào năm 1895, nhằm chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính. Trong quá trình xây dựng Bệnh viện Quân y, người Pháp đã phá hủy hoàn toàn các kiến trúc cổ bên trong của thành. Năm 1900, tướng Pháp là Borgnis Desdordes (Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương) đã cho bệnh viện xây dựng một nhà Nguyện với chiếc tháp nhọn và cao ở góc trái, phía trước của bệnh viện. Nhà Nguyện này nằm trên góc lồi phía đông bắc của thành, nhưng đến năm 1998 đã bị phá bỏ.
|
|
Một đoạn tường Thành Điện Hải |
Năm 1988, Thành Điện Hải được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng di tích vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ, nên nhiều đoạn tường và hào rãnh phía Bắc và phía Tây Nam đã bị đập phá để mở đường vận chuyển thuốc và xây nhà kho… Năm 2004, TP.Đà Nẵng quyết định chuyển Xí nghiệp Dược Trung ương V đi nơi khác, rồi cho trùng tu, tôn tạo bước đầu. Đến năm 2007, UBND thành phố đã cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên Thành Điện Hải, đập bỏ các dãy nhà kho của Xí nghiệp Dược Trung ương V. Từ một di tích quan trọng, Thành Điện Hải có nguy cơ trở thành một phế tích…
Đầu năm 2017, lãnh đạo TP. Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc. Cũng trong năm này, TP.Đà Nẵng phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải từ năm 2017 đến năm 2021.
Thông tin được ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng công bố tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải sáng nay cho hay, Giai đoạn 1 của việc trùng tu, phục hồi Thành điện hải có tổng kinh phí là 102,7 tỷ đồng đã thực hiện được 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ được triển khai trong năm 2019 – 2020.
Xuân Nha