Đà Nẵng:
Thành Điện Hải nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt
Cập nhật lúc 12:12, Thứ năm, 29/03/2018 (GMT+7)
Sau nhiều năm hoang phế, hôm nay, ngày 29/3, di tích Thành Điện Hải đã được Chính phủ chính thức trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt và được khởi công tu bổ, phục hồi, tôn tạo giai đoạn 1.
|
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Thành Điện Hải. |
Lễ đón nhận bằng và khởi công tôn tạo Thành Điện Hải nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 160 năm ngày nhân dân Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858) và 43 năm ngày Đà Nẵng được giải phóng.
Thành Điện Hải là di tích văn hóa đầu tiên trên địa bàn TP. Đà Nẵng được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tấm bằng này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự đánh giá cao của của Đảng, Nhà nước về truyền thống yêu nước, đi đầu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đà Nẵng mà còn ghi nhận sự nỗ lực gần đây của chính quyền và người dân thành phố trong việc quyết tâm bảo tồn Thành Điện Hải.
|
|
Việc tôn tạo, phục dựng di tích nhận được sự ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân. |
Cùng ngày, giai đoạn 1 trong dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải cũng đã khởi công và dự kiến hoàn thành tháng 10/2018 với kinh phí trên 100 tỷ đồng cho các hạng mục đền bù giải tỏa, phục hồi hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước và tạo cảnh quan. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong năm 2019-2020 gồm các hạng mục bên trong Thành khi đã di rời xong Bảo tàng thành phố.
|
|
Di tích Thành Điện Hải bị xâm lấn cả diện tích lẫn không gian. |
Thành trước được gọi là đồn Điện Hải, được xây dựng, thiết kế sát sông Hàn năm 1813 bởi vua Gia Long. Năm 1823, vua Minh Mạng rời Thành vào vị trí hiện nay và xây dựng kiên cố. Đây được xem là cứ điểm quân sự quan trọng nhất trong hệ thống thành, đồn phòng thủ ven vịnh Đà Nẵng thời kỳ nhà Nguyễn.
Sau hơn 200 năm tồn tại, di tích này đã bị xâm hại nghiêm trọng về quy mô cũng như kiến trúc. Năm 1988, Thành được xếp hạng là di tích quốc gia, song chẳng những Thành không được bảo vệ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn bởi hàng trăm hộ dân sống xung quanh phá hủy, lấn chiếm diện tích. Thậm chí, Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng hiện đại ngay tại vị trí trung tâm Thành đã phá vỡ kết cấu di tích.
Nhận thức được thiếu sót trong việc đối xử không công bằng với di tích, UBND TP. Đà Nẵng đã giải tỏa một số công trình bất hợp lý, di rời 80 hộ dân sinh sống trong khuân viên Thành, chuyển bảo tàng đi nơi khác. Đồng thời tiến hành khảo cổ, phục dựng nguyên bản và tôn tạo di tích, quyết tâm bảo tồn chứng nhân lịch sử những cuộc chiến hào hùng của quân và dân Đà Nẵng.
|
Anh Thư