Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về văn hóa của nước ta tại Hội nghị góp ý về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn (2013 - 2015) định hướng đến 2020 do Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TP. Hà Nội.
 


Các chuyên gia đầu ngành như: Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, TS Đặng Hoành Loan ... đều cho rằng: Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bao quát một cách toàn diện, bám sát 5 nhiệm vụ biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xác định trong công ước UNESCO và lấy cộng đồng làm gốc. Tuy nhiên, Đề án nên chỉnh sửa, bổ sung việc bảo tồn di sản hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, bởi vì hát Xoan chứa đựng nhiều giá trị cổ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Các làng Xoan gốc đều là những  làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Từ nay đến năm 2015, các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy cần tập trung ưu tiên thực hiện tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Thét, Kim Đới, An Thái để xây dựng nơi đây thành trung tâm di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Việc truyền dạy ở các phường Xoan gốc cần phải đề cao trách nhiệm, vai trò của các trùm phường Xoan, nghệ nhân trong việc phục hồi, truyền dạy các bài Xoan cổ đảm bảo tính nguyên gốc. Để truyền dạy tại cộng đồng, cho các câu lạc bộ cần phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm nâng cao sự hiểu biết, nhận thức cho công chúng, nhất là giới trẻ để hiểu đúng giá trị di sản hát Xoan từ đó có trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản hát Xoan. Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Không nên cải biên, phát triển, biến hát Xoan thành loại hình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp vì hát Xoan vốn là sản phẩm văn nghệ dân gian, cần phải được hỗ trợ, khuyến khích để trường tồn trong đời sống cộng đồng và trở thành một bộ phận trong đời sống của mình.

Hát Xoan vốn gắn liền với các di tích có liên quan đến thờ cúng Hùng Vương, đây cũng là không gian diễn xướng của di sản này. Do đó, đa số các đại biểu nhất trí với việc phải trùng tu, tôn tạo, khôi phục, phát huy các di tích lịch sử gắn với hát Xoan, thờ cúng vua Hùng để tạo không gian văn hóa, môi trường diễn xướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản hát Xoan. Tuy nhiên, việc đầu tư, tôn tạo, khôi phục các di tích từ nay đến năm 2015 cần tập trung đầu tư đúng mức để khôi phục các di tích tại các phường Xoan gốc. Điều tra năm 2012 cho thấy, 16/30 di tích có hát Xoan đã bị biến mất.

Một nội dung cũng được các đại biểu cho ý kiến  là chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân - những báu vật nhân văn sống, nhân tố hàng đầu trong việc bảo tồn, truyền dạy hát Xoan. Họ đang lưu giữ nghệ thuật trình diễn hát Xoan nhưng đa phần các nghệ nhân tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ đã bị mai một, nhiều người đã mất. Đến nay, Phú Thọ đã quan tâm kịp thời phong tặng, khen thưởng cho 34 nghệ nhân, việc xây dựng, ban hành quy chế, tiến hành phong tặng, thực hiện chế độ đối với nghệ nhân khá bài bản. Do đó, Đề án đề xuất, trong thời gian tới cũng cần xem xét, đưa ra các chính sách đãi ngộ xứng đáng, phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt là đối với các cụ Chùm để các nghệ nhân yên tâm truyền dạy, duy trì hoạt động của các phường Xoan...

Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ giai đoạn (2013-2015) định hướng đến năm 2020 ngoài phần mở đầu và kết luận có 3 phần nội dung được viết công phu, có tính thuyết phục, hướng vào mục tiêu then chốt là đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015 và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nâng cao nhận thức, lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của hát Xoan. Đồng thời, từng bước đưa hát Xoan trở thành thương hiệu về sản phẩm văn hóa để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Phú Thọ. Tổng kinh phí thực hiện của Đề án ước tính khoảng 196 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 156,033  (79,34%), xã hội hóa là 41 tỷ đồng (20,66%) thực hiện trong 8 năm. Vấn đề này, ý kiến của các đại biểu cho rằng tương đối phù hợp với nhiệm vụ đề ra, tuy nhiên, cần tập trung trong giai đoạn 2013 - 2015 để phấn đấu đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
 

Thanh Huyền