(BVPL)-Trước việc Công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến quyền lợi của đoàn viên công đoàn, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên đã có phản ứng rất “kỳ lạ”. Theo đó, Sở này cho rằng đó là việc làm sai quy định, cần phải xử lý (!?)

 

Đập Tân Hợp- công trình gây tai tiếng do Chi Cục Thủy lợi Thái Nguyên làm chủ đâu tư
Đập Tân Hợp- công trình gây tai tiếng do Chi Cục Thủy lợi Thái Nguyên làm chủ đâu tư
 
2 lần gửi công văn, sau 20 ngày mới được giải quyết
 
Ngày 7/8/2017, công đoàn cơ sở chi cục Thủy lợi Thái Nguyên có công văn số 02/CĐCS-BCH gửi Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên đề nghị xem xét lại việc miễn nhiễm các chức danh hạt trưởng, Hạt phó quản lý đê điều của một số thành viên công đoàn cũng như các chế độ chính sách mà những người này bị cắt. Căn cứ khoản 1, Điều 5 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ, đã quá 10 ngày Công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên vẫn chưa nhận được các thông tin và cách giải quyết của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên. Chính vì thế, ngày 30/8/2017, Công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên tiếp tục có công văn 04/CĐCS-BCH gửi Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên và nhiều cơ quan khác ở Thái Nguyên
 
Như vậy, có thể khẳng định tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của công đoàn cơ sở ở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên đã không được giải quyết kịp thời và đúng thời hạn do pháp luật quy định, khiến người lao động bất bình, bức xúc.  Đến tận ngày 1/9/2017, sau khi Công đoàn cơ sở Chi Cục Thủy lợi Thái Nguyên tiếp tục  có công văn số 04/CĐCS-BCH, đến tận ngày 1/9/2017, Sở  Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên mới tổ chức cuộc họp xem xét những đề nghị nêu trên.
 
Chi cục trưởng vượt quyền Giám đốc Sở?
 
Theo công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên, Tháng 4/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên có các quyết định miễn nhiệm một số cán bộ thuộc các hạt quản lý đê trên địa bàn tỉnh. Tất cả những quyết định trên đều căn cứ theo đề nghị của ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên.

 

Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên
Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên
 
Đây là việc làm gây bức xúc trong tập thể cán bộ công nhân viên. Vì thế, ngày 7/8/2017, Ban chấp hành công đoàng cơ sở – Chi cục Thủy Lợi Thái nguyên đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại các quyết định nêu trên đồng thời khôi phục chức vụ cho 6 cán bộ nguyên là lãnh đạo 3 hạt quản lý đê. Theo ông Nguyễn Trường Thành – Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên, quyết định miễn nhiệm 6 cán bộ tại 3 hạt quản lý đê điều là trái các quy định pháp luật.
 
Những vấn đề liên quan đến quyền lợi của các viên chức giữ các chức vụ lãnh đạo các hạt quản lý đê, các phòng của Chi cục Thủy lợi sau khi đổi tên đơn vị từ Chi cục Thủy lợi và PCLB sang tên Chi cục Thủy lợi được quy định tại các văn bản pháp luật: Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ NN&PTNT và Thông tư liên tịch số 14/TT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Nội vụ.
 
Chi cục Thủy lợi được thành lập (đổi tên) từ 01/5/2016 nhưng đến tận đầu tháng 5/2017 Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên mới ban hành các Quyết định miễn nhiệm các chức vụ lãnh đạo các hạt quản lý đê và các phòng của Chi cục Thủy lợi.
 
Vậy nhưng, trong thời gian 1 năm trước khi bị miễn nhiệm,  12 cán bộ vẫn đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ lãnh đạo của các hạt, các phòng được Chi cục, Sở phân giao, không vi phạm kỷ luật nhưng không được hưởng các chế độ về phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Điều này không những trái pháp luật mà còn gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn, phối hợp với các chính quyền địa phương thuộc địa bàn công tác được giao.
 
“Chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng xem xét có ý kiến về việc miễn nhiệm các chức vụ lãnh đạo là Hạt trưởng, Phó hạt trưởng – Hạt quản lý đê là viên chức và việc cắt các chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo của các phòng và hạt của Chi cục Thủy lợi sau 01 năm mới có quyết định miễn nhiệm là đúng hay sai?” – ông Nguyễn Trường Thành đề nghị.
 
Theo Công văn số 1084/SNN-TCCB  ngày 28/09/ 2016  về việc giao điều hành công việc chuyên môn  của Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên gửi Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi không  nhắc đến việc điều động các vị trí lãnh đạo của các hạt quản lý đê mà chỉ được căn cứ số lượng và năng lực lãnh đạo của viên chức đã giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng (tại Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão) để quyết định giao điều hành công việc của phòng chuyên môn tại Chi cục Thủy lợi. Theo quyết định số 500/QĐ-SNN ngày 11/7/2016  của Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên về việc quy định phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy và quyết định về công tác cán bộ đối với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT,  tại Chương 4 mục 2 điều 5 thì Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở chỉ được quyết định điều động, bố trí lại vị trí công tác  đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Cũng tại chương 4 mục 9 điều 5 việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm: phó chi cục trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp( hạt quản lý đê là đơn vị sự nghiệp) phải trình Sở Nông nghiệp và PTNT trước. 
 
Vậy căn cứ theo công văn công văn 1084/SNN-TCCB  ngày 28/09/ 2016  và quyết định số 500/QĐ-SNN ngày 11/7/2016  của Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi đã điều động các Hạt trưởng và Hạt phó khi chưa trình sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên là vượt quyền giám đốc Sở, trái quy định. 
 
Hoạt động công đoàn đang bị ngăn cản?
 
Ngày 9/2017, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên có báo cáo số 2202/BC-SN.  Báo cáo này nêu rõ: “ Đối với công văn số 04/BCH-CĐCS của Công đoàn cơ sở Chi cục Thủy lợi là không đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, ông Nguyễn Trường Thành khong phải là người được phát ngôn và được Ủy quyền phát ngon với báo chí tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, cũng như Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên.”
 
Có thể thấy, đây là một nội dung rất “kỳ lạ”, thể hiện thái độ coi thường công đoàn, có biểu hiện hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Bởi, công đoàn là một tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động, hoạt động độc lập với cơ quan công quyền nên không thể áp đặt các quy định của cơ quan công quyền với công đoàn.  Tại sao lại đòi hỏi công đoàn khi phát ngôn phải theo quy chế người phát ngôn và cho rằng  việc công đoàn gửi công văn cho các cơ quan chức năng là trái quy định?
 
 Có lẽ, cần phải xem xét lại hoạt động công đoàn ở Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên cũng như những quy định, việc làm cản trở hoạt động của công đoàn. Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần vào cuộc xem xét  vấn đề này.
 
 Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xă hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xă hội.
 
 Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.
 
Vị trí của Công đoàn Việt Nam được Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hoà xă hội chủ nghĩa Việt Nam và toàn thể công nhân, viên chức, lao động thừa nhận.
PV
.