Vậy mà đúng ba tháng sau cơn bão số 12, làng quê này hầu như không còn dấu tích của trận bão. Trên từng ngõ xóm, mảnh vườn, cúc đang bắt đầu bung nụ, từng hàng nối nhau miên man, vàng rực. Người, xe nườm nượp, phấn chấn.

Chị Trần Thị Mai, thôn Phong Phú 1, cho biết, nhà chị trồng 500 chậu cúc pha lê, sau cơn bão số 12, khoảng một phần ba số chậu bị hư hại, gia đình chị tập trung nhân lực dựng lại từng chậu, chống từng cây, thúc phân, thúc nước, sau hai tháng cây mới hồi lại.

Còn anh Đỗ Văn Hà, thôn Phong Phú 2 trồng 800 chậu cúc đại đóa. Vườn cúc nổi hẳn bởi dáng cao và hoa nở sớm hơn các vườn khác. Xung quanh ngôi nhà ngói, từ ngõ ra đến vườn, trước sân, sau nhà, sắc hoa vàng rực rỡ. Anh Hà tâm sự, sau trận bão số 12, gần 200 chậu hoa bị gãy, hỏng. Các trận bão sau, khi nghe đài cảnh báo bão là dân làng chủ động ngả hoa trước, phòng gió quật đổ, thành thử cây đỡ bị bầm dập. Vụ này, ngoài ảnh hưởng mấy cơn bão, thời tiết cũng nắng, mưa thất thường nên việc “căn” cho hoa nở trúng vụ, chính xác đến từng ngày, càng khó. Thế nên vẫn có một số vườn, hoa nở sớm hơn ít ngày. Bù lại, cây rất “sung”, hoa đều và lớn.

“Người ta đặt hết từ sớm rồi. Mai mốt là chở đi Sài Gòn. Dù chưa “ngon” như mong muốn, nhưng trong điều kiện gió bão bất thường, như thế có thể xem là trúng vụ rồi. Yên tâm là có tiền sắm Tết, có tiền tái đầu tư”- anh Hà, phấn khởi.

Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, thông báo, vụ này, người dân địa phương trồng khoảng 150.000 chậu cúc các loại, với tổng diện tích trên 20 ha, không ít hơn các năm trước, dù bị ảnh hưởng nặng do bão. “Hai tháng trước, cây còn xác xơ, lẹt đẹt, chẳng nghĩ có hoa Tết để bán. Người dân phải đầu tư nặng công, thêm phân bón, hoa dược cây mới “hồi” được. Đến giờ, coi như vụ hoa đã thành công, dù chưa mỹ mãn”- ông Hiếu nói.

Không giống làng hoa Ninh Giang, làng hoa Bình Ngọc, nằm cửa ngõ phía Nam thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, lại gần như chỉ trồng lay ơn. Cách Tết nửa tháng, những cánh đồng lay ơn các thôn Ngọc Phước 2, Ngọc Lãng bên triền sông Đà Rằng xanh ngắt, bắt đầu lác đác trổ bông.

leftcenterrightdel
Quất ở làng hoa Bình Kiến, Tuy Hòa, Phú Yên chuẩn bị xuất bán. 

Ông Phạm Đức Tiến, thôn Ngọc Lãng, cho biết, gia đình ông có 1 sào đất chuyên trồng hoa lay ơn. Vụ hoa Tết năm nay, hầu như hoa nhà nào cũng ra trúng vụ. “Năm nay không có lũ muộn, hoa cũng đạt hơn mọi năm. Số nở sớm không nhiều, nói chung là trúng vụ. Chỉ cần nắng ấm thêm bảy, tám ngày nữa, bông rớt hai, ba “thóc” là xuất bán”- Ông Tiến nói.

Cách làng Bình Ngọc chừng năm, bảy cây số, ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Tuy Hòa là làng hoa Bình Kiến. Bình Kiến trồng đủ loài hoa, cây cảnh phục vụ Tết, trong đó nhiều nhất là quất, mai. Trong cơn bão số 12 năm 2017, tuy không phải vùng tâm bão, nhưng với đặc thù trồng chủ yếu cây cảnh và hoa thân gỗ, làng hoa Bình Kiến bị ảnh hưởng khá nặng, do cây bị lay gốc, dẫn tới thối rễ, rụng lá.

Chị Nguyễn Thị Bích Thảo- cán bộ nông nghiệp xã Bình Kiến, cũng là một hộ trồng quất, thông tin: vụ Tết năm 2018, Bình Kiến có 84.000 chậu mai, 230.000 chậu quất, 4.000 chậu cúc,.. Cơn bão số 12, mai, quất có bị hư lá, hư rễ và nấm bệnh, từ chỗ bị lay gốc, do đó cây không được “chuẩn”, riêng quất còn bị rụng trái.

“Vấn đề ở chỗ quất, mai đều ra trúng vụ, giá cả cũng đạt, cao hơn so với năm ngoái từ 50.000 - 150.000 đồng/chậu. Chưa hẳn trọn vẹn, nhưng thời tiết thất thường, được như vậy cũng là đáng mừng lắm rồi!”- chị Thảo nói.

Nguyễn Huân