Pho tượng gần như còn nguyên vẹn, được làm bằng đá thanh xanh, tạc đứng trên bệ hình chữ nhật liền khối, cao khoảng 150 cm.

Ban quản lý Khu di tích Lịch sử Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, chiều 22/7, trong quá trình dọn mặt bằng tại khu vực phế tích Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười thuộc tổ dân phố Hầu Đền, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho việc phục dựng, tôn tạo di tích thì người dân phát hiện một pho tượng cổ bằng đá.

 

1
Pho tượng gần như còn nguyên vẹn, được làm bằng đá thanh xanh


Qua quan sát, pho tượng gần như còn nguyên vẹn, được làm bằng đá thanh xanh. Lúc người dân phát hiện, pho tượng bị lấp vùi trong đất khoảng 140cm. Tượng được tạc đứng trên bệ hình chữ nhật liền khối, cao khoảng 150cm, hai tay nắm cây chùy vắt chéo lên vai, đường nét trên thân tượng còn rất rõ.

Theo cán bộ của Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du cho biết, đây có thể là pho tượng quan võ trong bộ tượng quan võ - quan văn có vị trí đứng trước cổng Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười được lưu giữ trước đây. Sau khi phát hiện pho tượng cổ, lạ này, người dân đã chuyển lên trước vị trí cổng đền để bảo vệ.

 

Người dân đến xem pho tượng
Người dân đến xem pho tượng


Được biết, Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ có niên đại khá sớm, quy mô kiến trúc đồ sộ. Vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười, một vị quan trong tín ngưỡng thờ tứ phủ được phong "Tam kỳ linh ứng Vĩnh Công Đại Vương phúc thần anh minh Hoàng Mười" và một vị thần sông nước tên là Lê Thị Ngọc Dung - con gái nuôi của vua Lê Lợi, có công lớn được phong là “Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa Chính Phương Nương đại vương”.

Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Khu di tích Lịch sử Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cho biết: “Việc phát hiện pho tượng cổ nói trên là nguồn tư liệu quý để phục vụ cho quá trình khảo sát, phục dựng chi tiết Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười - một trung tâm tín ngưỡng, văn hóa lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân 3 miền trên cả nước”./.
 

Theo VOV

.