(BVPL) Nhiều ý kiến chuyên gia về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch cho rằng, công trình 8B Lê Trực thay vì cắt ngọn toà nhà, sẽ tốt hơn nếu giữ nguyên phần diện tích này để “sung công”, sử dụng vào những việc có ích cho xã hội; đúng với quy định tại  Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Ông Đỗ Thế Hùng chia sẻ với báo giới về đề xuất xin hiến tặng phần vi phạm cho Nhà nước
Ông Đỗ Thế Hùng chia sẻ với báo giới về đề xuất xin hiến tặng phần vi phạm cho Nhà nước
 
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP khắc phục tồn tại về công trình sai phép
 
Ngày 10/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
 
Điều 13 Nghị định này của Chính phủ quy định:“Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
 
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”. 
 
Ngành xây dựng giải thích quy định này không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, cũng không phải phạt cho “tồn tại”. Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được, đồng thời rất thực tế và hiệu quả trong ngăn ngừa vi phạm mới.
 
Nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn đa phần sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt ban đầu. Sai phạm chủ yếu là nâng thêm tầng, tăng diện tích đất xây dựng kinh doanh, thu hẹp diện tích xây dựng công trình hạ tầng xã hội như trường học, công viên, cây xanh… Những sai phạm này không thể phá dỡ và trên thực tế chưa dự án nào bị phá dỡ. Như vậy, duy nhất chủ đầu tư được hưởng lợi trong khi người dân tại đó và công trình lân cận phải chịu những thiệt hại về điều kiện sống.
 
Chủ đầu tư tự phá dỡ tầng tum sáng 21/11/2015
Chủ đầu tư tự phá dỡ tầng tum sáng 21/11/2015
 
So với quy định này thì rõ ràng việc chủ đầu tư xin “hiến tặng” toàn bộ phần vi phạm so với giấy phép là một phương án cần được nghiên cứu và xem xét.
 
Vị đại diện sở Xây dựng cho rằng vấn đề quan trọng là nhận thức của chủ đầu tư. Trong trường hợp toà nhà 8B Lê Trực, chủ đầu tư đã có nhận thức về sai phạm, đã xin lỗi và nhận lỗi trước Thủ tướng và thành phố “sai thì xử lý song những trăn trở và đề xuất của chủ đầu tư cũng nên được chia sẻ”, vị đại diện này nhận xét.
 
Các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình
 
Theo PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) trả lời trên báo Tiền phong ngày 9/10/2015, việc phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay. Theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình.  
 
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng: “Phá dỡ thế nào để không ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà là điều rất cần lưu ý. Khó phá dỡ nhất là phần giật cấp theo đúng giấy phép xây dựng được cấp mà chủ đầu tư đã làm sai. Cắt ngọn hay cắt dọc tòa nhà thì dễ chứ cắt ngang chỗ giật cấp mà vẫn đảm bảo chất lượng kết cấu, không ảnh hưởng đến phần còn lại của tòa nhà mới là khó do khi phá rất dễ bị rung, nứt...”.
 
 
Hà Nội khẳng định theo quy hoạch, toà nhà 8B Lê Trực không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.
Hà Nội khẳng định theo quy hoạch, toà nhà 8B Lê Trực không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.
 
Đại diện chủ đầu tư toà nhà 8B Lê Trực chia sẻ với báo giới: Thay vì cắt ngọn toà nhà, sẽ tốt hơn nếu giữ nguyên phần diện tích này để “sung công”, sử dụng vào những việc có ích cho xã hội. 
 
Ông Đỗ Thế Hùng, giám đốc Ban QLDA toà nhà 8B Lê Trực cho biết đề xuất này của chủ đầu tư xuất phát từ thực tế là toà nhà không nằm trong vị trí “nhạy cảm”, không lấn không gian lăng Bác. Vị trí toà nhà với chiều cao hiện tại không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và khu vực trung tâm chính trị Ba Đình. Vì vậy không nhất thiết phải “cắt ngọn” mà có thể giữ lại vừa không gây lãng phí cho xã hội, chủ đầu tư mất thêm hàng chục tỷ cho công tác phá dỡ mà “hậu” phá dỡ là rác thải ra cho xã hội. 
 
“Hiện nay ai cũng có thể thấy không phải chỉ mình toà nhà của chúng tôi vi phạm về chiều cao mà phải cắt ngọn, còn nhiều công trình khác cũng trong tình trạng sai phạm tương tự. Nếu toà 8B Lê Trực phải cắt ngọn triệt để thì những toà nhà tương tự cũng sẽ phải cắt ngọn vì pháp luật phải đảm bảo sự công bằng. Không thể toà nhà A bị cắt ngọn còn toà nhà B thì không. Nếu tính nhẩm cũng có thể thấy phần diện tích này là rất lớn và sẽ có ích cho xã hội hơn nhiều khi tất cả các diện tích vi phạm này được hiến tặng cho quỹ nhà của thành phố để làm trụ sở của các đơn vị hoặc nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng…”ông Đỗ Thế Hùng nói.
 
“Chúng tôi đã sai và đang tự nguyện khắc phục triệt để sai phạm, không có ý chây ỳ hay né tránh trách nhiệm, kể cả việc phải bỏ hàng chục tỷ để phá dỡ phần sai phép. Tuy nhiên, dưới góc độ lợi ích chung cho cộng đồng, cho xã hội chúng tôi vẫn mong đề xuất này được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét”, ông Hùng chia sẻ thêm.
 
Theo vị đại diện Sở Xây dựng Hà Nội có mặt tại buổi phá dỡ tầng tum của toà nhà 8B Lê Trực sáng nay thì đề xuất của ông Đỗ Thế Hùng không phải chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
 
Tình trạng xây nhà cao tầng sai phép, vi phạm chiều cao ở Hà Nội đã diễn ra từ năm 2007 với toà nhà nổi tiếng số 9 Đào Duy Anh. Công trình sai phép nghiêm trọng này vượt phép 3 tầng nhưng chỉ bị "cắt ngọn" 2 tầng. Thành phố Hà Nội cho giữ lại tầng 15 vì liên quan đến toàn bộ kỹ thuật tòa nhà. Công trình số 34 Đại Cồ Việt thuộc diện phải cắt ngọn nhưng đến nay vẫn tồn tại phần sai phạm. Nhiều công trình sai phép khác vi phạm từ lâu cũng đang trong tình trạng “treo”, không bị cắt ngọn mà chờ để được “phạt cho tồn tại”. 
 
Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, việc phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực sẽ làm xấu đi tòa nhà, xấu đi cảnh quan khu vực... Sở Xây dựng Hà Nội đã đặc biệt lưu ý, việc lập phương án, giải pháp phá dỡ phần còn lại thuộc giai đoạn 2 (phá dỡ đồng thời theo chiều đứng và chiều ngang công trình) sẽ liên quan đến hệ kết cấu chịu lực của công trình trong và sau khi phá dỡ, do vậy phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, ổn định của kết cấu chịu lực, an toàn sử dụng, mỹ quan đô thị. 

 

Sông Hương
.