Dù Công ty Procter & Gamble (P&G) VN đã có thông báo thu hồi sản phẩm (SP) nước súc miệng nhãn hiệu Oral-B sản xuất tại Columbia có tên thương mại là Oral-B Tooth and Gum Care Alcohol Free Mouth Rinse và Oral-B Tooth and Gum Care Mouth Rinse loại chai 350 ml và 500 ml, nhưng ngày 19.7, khảo sát tại Hà Nội, SP nằm trong diện bị thu hồi vẫn được bày bán trên thị trường.

 

 Nước súc miệng Oral-B vẫn còn bày bán trên thị trường - Ảnh: Thu Hằng

 

Tại siêu thị Unimart (trên đường Phạm Ngọc Thạch), đến chiều 19.7 SP nước súc miệng nhãn hiệu Oral-B vẫn còn hàng chục chai trên kệ hàng. Khi chúng tôi hỏi, vì sao Công ty P&G VN đã có thông báo thu hồi, siêu thị vẫn bán, nhân viên bán hàng cho hay lẽ ra sản phẩm này bị thu hồi từ sáng, nhưng do sơ suất nên quên chưa thu hồi hết. Ngay sau đó, nhân viên bán hàng đưa SP này cất vào kho. Còn tại siêu thị Thái Hà, dù vẫn bày bán SP này, nhưng khi thấy khách hàng có ý định chọn Oral-B, nhân viên bán hàng lại tư vấn khách hàng nên dùng SP khác.


Trong khi đó, tại các siêu thị  Fivimart Đặng Tiến Đông, Intimex bờ Hồ, trên kệ hàng có dán nhãn Oral-B đã bị bỏ trống. Khi hỏi lý do vì sao, nhân viên cả hai siêu thị này đều giải thích mập mờ do hết hàng, tuyệt nhiên không đả động gì đến lý do bị thu hồi.

Theo các siêu thị, trên thị trường có rất nhiều loại SP nước súc miệng của nước ngoài và của VN sản xuất. Sản phẩm Oral-B không phải là SP bán chạy tại các siêu thị.

Cẩn trọng với nước súc miệng

Theo bác sĩ (BS) Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y), nước súc miệng có tác dụng khử khuẩn, làm sạch, chống mảng bám răng, chống cao răng. Thường các loại nước súc miệng có thành phần cơ bản: thuốc sát trùng, kháng sinh (iốt, flour hoặc chlorohexidin) tùy nhà sản xuất và thành phần khác là chất chống bám dính. "Tuy nhiên, nó không phải là SP chăm sóc tối ưu, không thay thế cho chải răng và chỉ là hình thức chăm sóc răng miệng bổ sung", BS Phúc lưu ý.


Các BS cũng lưu ý, với các thành phần hữu ích kể trên, khi sử dụng cần biết về nguy cơ của nước súc miệng vì về cơ bản, các chất có vai trò khử khuẩn, làm sạch chống bám dính đều là hóa chất. Đồng thời, với tác dụng khử khuẩn thành phần này có thể gây dị ứng, kích ứng niêm mạc miệng. Khả năng sát khuẩn càng mạnh thì nguy cơ gây kích ứng cũng tăng lên. Ngoài ra, với các thành phần trong nước súc miệng, cũng cần lưu ý về nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa trong trường hợp nuốt phải dung dịch này với một ngụm lớn, đặc biệt là trẻ em. "SP cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Trong trường hợp này vi khuẩn nhiễm trong SP bị bất hoạt do sống trong môi trường dung dịch đã có chứa kháng sinh, chất sát khuẩn. Tuy nhiên dung dịch bị nhiễm khuẩn cũng có thể ảnh hưởng không tốt với người đang có bệnh nặng, suy kiệt", BS Phúc khuyến cáo.

BS Võ Trương Như Ngọc (Viện Răng hàm mặt - Đại học Y Hà Nội) cho biết thêm: "Trong nước súc miệng có chứa thành phần là kháng sinh. Nếu lạm dụng, sử dụng không đúng có thể gây rối loạn hệ thống vi khuẩn  miệng". Theo BS Ngọc, trong kem đánh răng cũng có một số thành phần tương tự như trong nước súc miệng (chất làm trắng, sát khuẩn...), nếu sử dụng cùng lúc sẽ làm "tăng liều" của các thành phần này, gây tác dụng quá mức cần thiết, người sử dụng có thể bị mòn răng hóa học. "Ở trẻ em nếu sử dụng nước súc miệng không phù hợp có thể bị say vì trong dung dịch chứa cồn. Cồn ngấm qua niêm mạc miệng sẽ tác động đến trẻ với hiện tượng như say rượu. Nên tham khảo hướng dẫn của nha sĩ khi sử dụng nước súc miệng để có hiệu quả tốt nhất", BS Ngọc nói.

 

Theo TNO