Là phái yếu và là biểu tượng của dịu dàng, thùy mị, nết na, nhưng thời gian gần đây nhiều nữ sinh Hà thành khiến nhiều người thảng thốt vì nạn... văng tục. Đáng ngại hơn, nhiều nữ sinh nghiện... văng tục và xem đó là “mốt”!

 

Câu chuyện của nhóm bạn trẻ này tại quán nước trên phố Nhà Chung (Hà Nội) sặc mùi tục tĩu - Ảnh: Lâm Hoài
Câu chuyện của nhóm bạn trẻ này tại quán nước trên phố Nhà Chung (Hà Nội) sặc mùi tục tĩu - Ảnh: Lâm Hoài

 

“Ê, Đ.M con Linh đến rồi kìa”; “Con mặt l. này làm đ. gì mà lâu thế, định cho bọn tao leo cây à?”; “Tổ sư chúng mày, hãm vừa nó thôi, hôm nay nhà có khách, bà mày phải rửa bát hộ bà già xong mới ra được, trách cái đ. gì”.

Đó là mẩu đối thoại kinh hoàng mà rất nhiều người xung quanh chịu đựng phát ra từ nhóm nữ sinh tuổi mới lớn khi ngồi uống nước tại quán trà chanh cạnh khu Nhà Thờ Lớn (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Mọi lúc, mọi nơi

 

 

"Ngày xưa mình nghe người khác nói tục còn đỏ mặt, thế nhưng hơn một năm nay đi cùng nhóm bạn giờ bị nhiễm lúc nào không biết"

Một lần tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng (Hà Nội), khi đèn giao thông chuyển từ vàng sang đỏ, hai cô gái rất trẻ dáng dấp đài các trên chiếc xe tay ga phóng như bay phanh gấp suýt đâm sầm vào chiếc xe của một anh bạn cùng trang lứa dừng trước mặt. Thay vì lời xin lỗi thì: “Đ.c.m. mày, đèn chưa đỏ cũng dừng, thật là hãm l.” - cô gái cầm lái ném ánh mắt dè bỉu, rồi rú ga phóng thẳng, bỏ lại phía sau khuôn mặt ngượng chín của khổ chủ và vô số ánh mắt ngơ ngác kèm ngao ngán của người đi đường.

Vài năm lại đây văng tục trở thành vấn nạn nhức nhối trong đời sống của giới trẻ Hà thành, văng tục xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, từ khi những loại hình dịch vụ dành cho tuổi mới lớn đua nhau mọc lên như quán cà phê teen, quán trà sữa, trà chanh, rạp chiếu phim, quán trà đá trước cổng trường... nạn văng tục càng có nhiều đất sống. Nhiều bạn tự cho những nơi đó là không gian riêng của mình và cứ thế “diễn” thả cửa, bất cần xung quanh ai để ý gì.

Hằng đêm, trong mớ âm thanh ồn ào của hàng trăm, có khi lên đến cả nghìn người (trong đó trên 90% là tuổi mới lớn) tại các “thiên đường trà chanh” như Ngã Tư Sở, Cát Linh, các phố nhỏ trước Nhà Thờ Lớn, khu sân vận động Mỹ Đình..., có chỗ văng tục là thứ ký hiệu âm thanh “chủ đạo”. Chỉ cần ngồi lê la vài phút ở những nơi này thì phải hứng trọn một “cơ số” câu tục tĩu từ chính những bờ môi xinh xinh của những nữ sinh với dáng vẻ yêu kiều, xinh xắn.

Trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ có những nữ sinh hư hỏng, những cô gái đanh đá... mới văng tục, thì giờ đây với học sinh giỏi, học sinh ngoan, nhiều người đầy vẻ trí thức với cặp kính cận dày cộp văng tục trở thành... “chuyện thường ngày ở huyện”. Những câu nói tục tĩu tưởng chừng chỉ xuất hiện ở đầu đường xó chợ, giờ đây hiện hữu ở cả giảng đường, rạp chiếu phim, hiệu sách...

Văng tục để... giao tiếp

Câu chuyện của không ít nhóm nữ sinh Hà Nội dù về bất cứ đề tài gì thì đi kèm thường là những cụm từ tục tĩu ghê gớm mà khi giải nghĩa ra khiến người lớn cũng phải ngượng chín mặt. Nào là “vãi l.”, “hãm l.”, “d.c.m.”, “Cái cục c.”, “đ.”... Một thứ rác ngôn ngữ nhưng nhiều nữ sinh xem việc sử dụng nó là mốt, như lời của một nữ sinh ở Q.Thanh Xuân: “Không phát ngôn như thế bị coi là lỗi thời, lạc hậu...”.

Lẽ thường, văng tục là hành xử của ai đó, một khi họ không còn kiềm chế, kiểm soát được bản thân, như khi cáu gắt, chửi mắng, xô xát, ẩu đả... Thế nhưng, giờ đây với rất nhiều nữ sinh Hà Nội, chuyện văng tục trở thành thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Từ đơn giản như lời chào, hỏi han khi gặp nhau, thể hiện thân tình với bạn bè, đến trách móc, mắng yêu bạn. Rộng hơn thì nhận xét, đánh giá, bình phẩm về một ai, rồi đến than phiền, chỉ trích một người nào, hoặc chỉ là lời bàn luận về lĩnh vực nào đó như phim ảnh, thời trang hay bóng đá..., tất cả đều đi kèm những từ văng tục... đậm đà về ngữ nghĩa và dày đặc về tần suất xuất hiện.

Văng tục trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện của không ít nữ sinh và được họ xem đó là chuyện bình thường. Chúng tôi nhiều lần chứng kiến nữ sinh chửi bạn như tát nước vào mặt đi kèm những câu văng tục ngay giữa nơi công cộng. Thế nhưng thay vì cáu gắt hay buồn rầu thì “nạn nhân” lại nhăn nhở cười, không hề có biểu hiện gì gọi là bị tổn thương (!).

Bao biện

Hà - nữ sinh năm nhất Trường trung cấp Bách Nghệ - nói như phân trần: “Ngày xưa mình nghe người khác nói tục còn đỏ mặt, thế nhưng hơn một năm nay đi cùng nhóm bạn giờ bị nhiễm lúc nào không biết”. Hà cho hay ban đầu là nghe, khi quen tai rồi thì cũng đệm thử vài câu, riết rồi đâm ra thấy bình thường và bây giờ thì không kiểm soát được. Ngồi với đám bạn thân, bất cứ câu nói nào của Hà cũng phải đi kèm một vài từ tục tĩu. Theo lý giải của Hà, mọi người chỉ nói cho vui tai chứ không có mục đích gì, hơn nữa vì là bạn thân nên không có gì ngại ngần, ai cũng có thể xuề xòa cho nhau.

Trong lúc đó, Giang - 18 tuổi, đang theo học lớp sư phạm tại một trường mầm non ở quận Thanh Xuân - cho hay lý do hay văng tục của mình đơn giản là để hòa nhập cùng đám bạn. “Khi đi chúng nó bàn luận rôm rả mà mình cứ ngồi im như thóc không biết “đá” vài câu thì quê lắm”, cô dạy trẻ tương lai vô tư bộc bạch.

Còn T. - nữ sinh lớp 11 Trường THPT Nhân Chính - chia sẻ mục đích văng tục của T. và nhóm bạn đơn giản chỉ là cho câu chuyện sinh động hơn hay xả stress mỗi khi việc học hành, thi cử quá căng thẳng. “Sau mỗi buổi kiểm tra, thi học kỳ, cả nhóm lại hẹn nhau tụ tập ở quán trà chanh ngồi tám đủ chuyện trên đời, việc văng tục vài câu là khó tránh khỏi”, T. nói. Tuy nhiên, theo T., chính vì vô tư văng tục, không nghĩ ngợi gì nhiều nên cả T. lẫn bạn của mình đã tự biến văng tục trở thành một thói quen xấu xí của bản thân.

 

Văng tục online

Không chỉ là vấn nạn nơi công cộng, nạn văng tục của tuổi mới lớn còn trở thành cơn sốt trên mạng. Trên các diễn đàn online, nhiều nhóm bạn trẻ hào hứng lập ra những “hội văng tục”, như: “Hội những người thích nói tục”, “Hội những người chửi bậy tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện”, “Hội những người chửi bậy nhưng không hề mất dạy”, “Hội những người thích chửi bậy bằng tiếng Anh”, rồi có cả “Cẩm nang chửi bậy”... Thêm nữa, rất nhiều câu blast hay status “sặc mùi” tục tĩu được bạn trẻ đăng tải mỗi khi tâm trạng không tốt do bực bội ai đó, việc gì đó, thậm chí như vì kẹt xe, đường ngập hay nắng nóng...

Mới đây một nữ sinh ở phường Kim Mã (Q.Ba Đình, Hà Nội) đã khiến cư dân mạng phẫn nộ vì một... tràng chửi dài đăng trên trang cá nhân Facebook của mình. Cô bé này đã tổng sỉ vả cả bà ngoại, bố mẹ mình chỉ vì bị mắng mỏ là lười học, không chịu làm việc nhà.

(còn tiếp)

LÂM HOÀI  (TT)