Chiều 10/1, Bộ VHTTDL đã tổ chức tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và bàn về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Trong đó, vấn đề “nóng” vẫn tập trung quanh chuyện thương mại hoá làm biến tướng lễ hội và lễ hội phản cảm.
Vẫn tồn tại lễ hội nhiều yếu tố phản cảm
Theo đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 trong cả nước có sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Tuy nhiên, công tác lễ hội vẫn còn nhiều tồn tại đáng phải bàn. Đáng kể đến là một số địa phương vẫn tổ chức hội (lễ hội) chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội), huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang), huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái), xã Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái), huyện Lục Yên (Yên Bái), huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái), xã Y Can (Trấn Yên, Yên Bái), xã Sơn A (huyện Văn Chấn, Yên Bái), xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai), Mai Sơn (Sơn La)...
Bên cạnh yếu tố mang tính bạo lực thì ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra các hiệu tượng mang tính phản cảm trong lễ hội, điển hình là hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định; hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình như: hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại lễ hội Đền Trần (Thành phố Nam Định); tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), tình trạng khấn thuê Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)… làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.
Điển hình, trong năm 2016, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán; Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hiện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc; Thanh tra Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội kỷ niệm 148 năm ngày sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực như trò chơi điện tử, bán dạo trò chơi...
Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong lễ hội chưa được thường xuyên, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan tại địa phương (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường. Phòng Văn hóa, Thông tin - Phòng Tài nguyên và Môi trường) trong công tác bảo vệ môi trường tại lễ hội còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.
“Công tác tổ chức lễ hội sắp xếp khoa học hơn những năm trước. Tuy nhiên, một số tồn tại vẫn còn diễn ra như: tình trạng chen lấn xô đẩy, ách tắc giao thông, cướp của, cướp tiền, rác thải, đánh bạc trá hình… Một số lễ hội phục dựng lại nhưng có hình ảnh phản cảm, có lễ hội ở lễ khai hội rất thiêng liêng, nghiêm trang, bố trí vài nghìn cán bộ bảo vệ nhưng cứ khai mạc xong đi vào trong là các ban thờ, lộc bị cướp lấy… Trong khi có chỉ thị trung ương nhưng tinh thần làm gương, gương mẫu của lãnh đạo cũng chưa thể hiện… Hoặc trâu đang chọi mà ngoài đường bày đầy thịt trâu, nói rằng trâu chọi với giá “trên trời”… Qua công tác kiểm tra, tôi thấy sự phối hợp giữa một số ban ngành chưa được nhịp nhàng, chặt chẽ dẫn đến lúng túng trong tổ chức, quản lý lễ hội”, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh.
Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan
Ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ chia sẻ, hàng năm Phú Thọ có rất nhiều lễ hội, lớn nhất là lễ hội Đền Hùng, với lượt khách hàng triệu lượt khách nên công tác an ninh, bảo đảm an toàn… cũng rất áp lực. “Vừa qua, chúng tôi thống nhất không bán vé trong tất cả các dịp cả năm để tạo điều kiện cho khách khắp nơi về đất Tổ. Tổ chức hội thảo mang tính đối thoại với nhân dân để tìm ra giải pháp tốt nhất. Lễ hội Cầu trâu, nhân dân nghe các nhà khoa học, không còn đập nữa mà làm tượng trưng, để vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống mà vẫn bảo đảm văn minh”, ông Thủy báo cáo.
|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị tổng kết công tác lễ hội 2016. Ảnh: BVH. |
Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cũng cho biết, việc triển khai đề án “Cách thức tổ chức Khai ấn đền Trần” dàn trải số ngày khai ấn nên người dân không đổ dồn về đền Trần trong một ngày như trước. Việc khai ấn trước kia đúng là “nóng” nhưng càng ngày càng bớt hoặc Hội chợ Viềng triển khai 3 khu vực nên cũng bớt được tình trạng quá tải.
Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An báo cáo, năm 2016, Nghệ An có bước tiến rất rõ rệt trong tổ chức, quản lý lễ hội, bảo đảm nét truyền thống của cả phần lễ và hội. Đặc biệt, tục chọi trâu những năm vừa qua đã ngừng, không tổ chức lễ hội chọi trâu nữa.
“Năm 2016, chúng tôi ban hành quyết định quản lý thu và chi tiền công đức. Những di tích nào có nguồn thu trên 1 tỉ sẽ đóng góp vào quỹ bảo tồn tôn tạo di tích, di sản của tỉnh. Nghệ An cho phép nguồn công đức các địa phương được phép trích lại 10 % cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn công đức ngày càng minh bạch hơn, năng động hơn, làm được nhiều việc hơn.
Tuy nhiên, Nghệ An còn hạn chế trong tổ chức: nguồn ngân sách chi cho di tích ngày càng hạn hẹp, công tác xã hội hóa chưa mạnh mẽ, cộng đồng chưa thực sự chủ động trong tổ chức và quản lý lễ hội, nhiều lễ hội vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Năm nào vào dịp này cũng bàn tới chuyện tổ chức lễ hội và luôn luôn “nóng”. Kỳ nào họp Quốc hội nào đại biểu cũng chất vấn Bộ, nào là lễ hội tràn lan, phô trương hình thức, tốn kém, phản cảm, gây bạo lực… Và thực tế chúng ta cũng thấy hiện tượng đó".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thương mại hóa lễ hội có khía cạnh làm biến tướng lễ hội nhưng thực tế là lễ hội cũng cần đến giá trị kinh tế. Lợi dụng lễ hội để trục lợi là không đúng, nhưng địa phương tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch là rất cần thiết, chính đáng. Cho nên, cố gắng gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với ý nghĩa đích thực của lễ hội nhưng cũng trên cơ sở tổ chức phát triển kinh tế. Không thể cứ “tháng giêng là tháng ăn chơi nữa” mà đối với ngành du lịch phải làm thế nào để thu hút khách du lịch nhiều nhất.
“Thương mại hóa làm biến tướng, mất đi giá trị văn hóa. Đó là cái tuyệt đối ngăn chặn, quản lý thật tốt. Chúng ta là quản lý nhà nước, phải khắc phục điểm này, không cấp phép để lễ hội tràn lan. Đây là một trong những hạn chế khá phổ biến chứ không phải cá biệt. Cái gì nói xấu phải làm cho bớt xấu đi, phản cảm thì bớt phản cảm đi. Từ phản cảm đến không còn phản cảm thì rất khó. Chúng ta phải làm từng bước. Năm này, phải khắc phục hạn chế của năm ngoái, cứ tốt lên. Phải tổ chức đối thoại với cộng đồng, bạo lực phản cảm phải dần dần loại bỏ. Không bỏ thì nên thay đổi nó để phù hợp với đời sống hiện tại.
|
"Cố gắng gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với ý nghĩa đích thực của lễ hội nhưng cũng trên cơ sở tổ chức phát triển kinh tế", Bộ trưởng Thiện mong muốn. Ảnh minh hoạ. |
Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
Khẩn trương thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá và bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội”, Bộ trưởng Thiện nói.
Theo Hà Tùng Long/Dân trí