Những thí sinh truyền hình
Cập nhật lúc 14:21, Thứ ba, 28/06/2016 (GMT+7)
Chuyện cô hiệu trưởng tiểu học đi thi “Ai là triệu phú” ồn ào đã hai tuần chưa dứt. Chưa dứt là bởi các nhà báo tiếp tục phỏng vấn các giới về đề tài này, khiến khán giả- bạn đọc lại hăng hái bàn luận.
|
Cô hiệu trưởng thi Cô hiệu trưởng thi "Ai là triệu phú" ồn ào suốt hai tuần qua. |
Đọc bình luận mà chết cười: “Trình độ có vậy biết sao giờ. Vợ tôi là giáo viên cấp 2 dạy con như sau: Số dư lớn hơn số chia, chiều rộng dài hơn chiều dài. Bó tay”. “Bảo đã đến Vũng Tàu mà không biết Hàng Dương thì chắc tưởng nghĩa trang đó nằm trên đất liền!”...
Phe bênh vực cô giáo cũng đông đảo phết. Một vị tiến sĩ tên là Vũ Thu Hương lý giải: “Cái nhìn của xã hội dành cho giáo viên cực kỳ khắt khe” và có ý cảnh báo rằng khắt khe với những người làm giáo dục đầy áp lực “sẽ khiến họ ức chế và như thế, trẻ em sẽ chịu hậu quả”. Những kẻ ném đá hãy liệu đấy?!
Thấy cô Liên thẫn thờ trước câu hỏi nghĩa trang Hàng Dương thuộc tỉnh nào trong bốn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị, Quảng Nam, Đồng Nai, mà ái ngại. Cô cho biết sở thích của mình ngoài xem phim Việt Nam và thi cử còn có du lịch, và đã đến bốn tỉnh này nhưng chưa nghe Hàng Dương bao giờ.
Cô cũng ngơ ngác trước câu hỏi ai trong bốn cái tên Roger Federer, Bill Gates, Alex Ferguson, Coco Chanel là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới. Và dù “biết nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn” nhưng một lần nữa cô phải nhờ trợ giúp mới biết “Còn tuổi nào cho em” là sáng tác của ai.
Một bạn đọc phản ứng bạn đọc khác chê bai cô Liên: “Đừng vội ném đá người ta. Anh giải thích cho tôi vì sao gluco được dùng để tráng ruột phích được không?” Hehe.
Ông trưởng phòng Giáo dục huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cũng cho rằng việc có 8 câu hỏi dễ ợt thì cầu cứu 4 trợ giúp là do ngồi ghế nóng dễ căng thẳng. Ông PGS.TS Trịnh Hòa Bình thì kêu gọi không nên vì người ta không vững kiến thức lịch sử mà đi chỉ trích.
Cô Liên kể, bạn bè hỏi: “Sao dại dột tham gia chương trình? Sao không để cuộc sống bình thường?”Còn quan điểm của cô: “Đây là cuộc chơi và nên thoải mái, hết mình, không cần giấu điều gì. Ai ngờ, sự việc bị thổi lên”.
Đó, đó là vấn đề.
Người Việt chúng ta dường như rất thích lên ti vi. Được lên ti vi gặp anh Lại Văn Sâm, anh Long Vũ thì có chết cũng cam lòng. Đến với một cuộc thi cần kiến thức toàn diện, chúng ta không tập trung cho nó mà lại cứ thích trữ tình ngoại đề về sở trường sở đoản của mình.
Kể về chồng (vợ) mình, đồng nghiệp của mình, lý lắc tán đủ chuyện trước con mắt hàng triệu khán giả! Người dẫn chương trình thì ưa nhận xét từ ngoại hình xinh xấu của người khác, bộ cánh họ mặc trên người, cho đến những chuyện không liên quan khác. Bây giờ không biết chứ ngày trước đi thi Chiếc nón kỳ diệu được gặp anh Long Vũ trước hết để thoả nguyện hát ca.
Cô Liên bị phản ứng một phần vì trước đó trót khoe “có duyên với thi cử, đa số là nhất chỉ vài lần nhì, hay đỗ thủ khoa” nhưng lại bần thần chẳng hạn trước câu thơ Nguyễn Bính “Năm tao bay tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”.
Có lúc cô cho biết dù chuyên đoạt giải trong các kỳ thi, cả giải chuyên môn và quản lý giỏi, nhưng “kiến thức thực tế hơi kém”. Hơi kém thì ngồi đó làm gì cho thiên hạ nhai sống?
Nhiều người chúng ta thấy đám đông là bạt vía nên rất phục giới nghệ sĩ, nhưng số ngược lại đông không kém. Quan sát các cuộc thi, gameshow truyền hình thì biết. Trong khi hồn nhiên đâu phải bao giờ cũng là một đức tính.
Theo Tiền phong
.