Độc đáo chợ phiên giữa lòng thành phố Cảng

Chợ Hàng - một phiên chợ cổ ở TP Hải Phòng, tồn tại từ những năm Pháp thuộc. Trước đây, chợ Hàng họp vào các ngày 5, 10, 15 Âm lịch hàng tháng tại đường chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Nhưng hiện nay, chợ Hàng chỉ họp duy nhất vào buổi sáng Chủ nhật hàng tuần. Với người dân địa phương, đi chợ Hàng trước hết là để chơi, để ngắm cảnh, xả stress sau cả tuần làm việc căng thẳng sau đó mới nghĩ đến việc mua sắm…

Chợ Hàng được cho là “thiên đường” đối với những người yêu cây cảnh, hoa lá. Chợ Hàng càng đặc biệt hơn, vào những dịp xuân về, người đi chợ như lạc vào một rừng cây nhiều loại. Khắp các con đường xung quanh chợ rực rỡ hoa thơm, cỏ lạ, tràn ngập cây giống, cây cảnh… Từ những cây giống thông thường, quen thuộc ở vùng đồng bằng Bắc bộ đến những loài chuyển từ phương Nam ra, hay được nhập từ nước ngoài về; từ những cây thế có giá hàng tỉ đồng đến những chậu hoa nhỏ xinh có giá chỉ vài chục nghìn đồng,… loại cây nào cũng khiến người mua phải nán lại, chiêm ngưỡng.

leftcenterrightdel
Khu vực bày bán hoa cảnh ở chợ Hàng. 

Nếu những con đường đầy hoa quanh chợ khiến người ta ngắm không chán mắt thì khu vực bán con giống bên trong chợ Hàng cũng làm khách đi chợ vui, thích không kém. Tại đây, người mua có thể tìm cho mình những con vật nuôi gần gũi trong gia đình như: lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo, chim trời, cá nước,… với nhiều giống loài, xuất xứ, kích cỡ, màu sắc; hoặc các vật dụng hết sức gần gũi, cần thiết trong cuộc sống thường ngày, nhất là cuộc sống của người lao động nông thôn, như: cái rổ, cái rá, nong, nia, giần, sàng… làm bằng tre được người quê chân chất từ các huyện ngoại thành Hải Phòng đến các vùng quê của các tỉnh là Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh… mang đến bán.

Ông Nguyễn Văn Minh, nhà ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cho biết: “Tôi có thú chơi chim cảnh nên những lúc rảnh tôi thường đi chợ Hàng để tìm mua chim. Ở đây cũng có rất nhiều loại chim cảnh với nhiều mức giá khác nhau. Còn vợ tôi thì thích nuôi mèo, nên cuối tuần bà ấy thường rủ thêm bạn để đi xem. Ở đây các vật nuôi có đủ giống loài, xuất xứ và đủ kích cỡ, tha hồ lựa chọn”. 

Mấy năm gần đây, chợ Hàng xuất hiện thêm một khu "chợ đồ cũ”. Đủ các loại, từ đồ điện tử như: điện thoại, nồi cơm điện, loa đài, quạt điện… đến máy khoan, các loại ốc vít, điều khiển ti vi, bấm móng tay, yên xe đạp, ống nước cũ, vỏ chai rượu ngoại… Nhiều người khá hồ hởi khi tìm được đồ vật có thể thay thế đồ hỏng trong gia đình của mình, với giá cực kỳ rẻ, trong khi hầu như chẳng thể tìm được ở nơi nào bán những thứ tương tự. 

Sự khác biệt hết sức độc đáo của chợ Hàng không chỉ là điểm đến của người dân Hải Phòng mỗi dịp cuối tuần mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch và người dân đến từ khắp các tỉnh, thành bạn như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hà Nội, TP HCM… 

leftcenterrightdel
Khu bán vật nuôi. 

Chị Đào Hồng Nhung, khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến đây cho biết: “Mình ra TP Hải Phòng chơi đã được hai ngày rồi, hôm nay được một người bạn dẫn đi chơi chợ Hàng. Thật sự ấn tượng với phiên chợ giữa lòng thành phố như thế này. Chợ trên phố mà lại bán những đồ rất quê như: cuốc, xẻng, kiềng sắt, rổ rá bằng tre…Đến chợ Hàng như lạc vào thế giới của bình yên với đủ các loại chim, cá, hoa, lá… Mình thực sự không muốn về!”. 

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, chợ Hàng là chợ của làng Dư Hàng xưa. Khu vực làng Dư Hàng trước đây là vùng đất nông nghiệp nên chợ Hàng trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán cây, con giống và đồ dùng nhà nông. Những tập quán trao đổi hàng hóa nông nghiệp vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Nét đặc sắc ở chợ nổi vùng sông nước 

Chợ nổi Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) từ lâu đã được nhiều người biết đến với nét văn hóa đặc sắc của miền Tây Nam bộ. Theo những người dân địa phương nơi đây thì từ năm 1986, người dân trong vùng và các vùng lân cận đã tập hợp về đây để trao đổi, mua bán những sản phẩm của địa phương. Lâu dần, vàm Cái Bè trở thành một khu chợ trên sông mà cư dân quanh vùng quen gọi là chợ nổi Cái Bè. Ngày nay, chợ nổi Cái Bè là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Với những người dân miền sông nước, chợ nổi Cái Bè mang một vẻ đẹp đậm chất thôn quê, thấm đẫm chất miệt vườn. Bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của đời sống buôn bán, chợ nổi Cái Bè vẫn giữ được vẻ nên thơ với những kênh rạch và vườn cây xanh mướt ngút tầm mắt…Hàng hoá ở chợ nổi cái Bè vô cùng đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống, nhưng nổi bật nhất vẫn là trái cây, bởi Cái Bè là nơi có nhiều vườn trái nhất tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh những hàng hóa mua bán, trao đổi, thì chợ nổi Cái Bè cũng cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm và các dịch vụ cho cư dân chợ nổi.

Chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm, mỗi phiên chợ thường họp trong khoảng thời gian từ 2 hoặc 3h sáng cho đến tận chiều muộn. Nét độc đáo chung của chợ nổi là “sào nào, rau củ - trái ấy”, tức là trên ghe, thuyền bán loại trái cây, nông phẩm nào thì treo lên sào cho người mua dễ nhận biết, và không phải rao mời. Ngoài những mặt hàng thông thường, du khách có thể tìm thấy các loại trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè…Với giá cả phải chăng cùng sự gần gũi, thân thiện của những người bán hàng luôn mang đến cho người mua, đặc biệt là những du khách cảm giác dễ chịu và thích thú.

leftcenterrightdel
 Cảnh buôn bán nhộn nhịp ở chợ nổi Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. 

Nhiều người thích thú khi du ngoạn chợ nổi Cái Bè lúc bình minh và hoàng hôn, đây là hai thời điểm tập trung đông người và đẹp nhất với rất nhiều hoạt động nhộn nhịp. Ngồi trên thuyền, du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ngay những tô hủ tiếu nóng hổi hay ly cà phê thơm phức vào mỗi buổi sáng.

Chợ nổi lúc về đêm nổi bật với những chiếc đèn lồng nho nhỏ treo ở phía trước mũi thuyền nhấp nháy. Những chiếc “nhà ghe” nằm im lìm trong buổi chiều tà. Văng vẳng tiếng hát vọng cổ nghe thật bâng khuâng, xao xuyến. Điểm đặc biệt, khi đến với chợ nổi Cái Bè, du khách có thể dễ dàng hòa nhập cùng không khí nhộn nhịp nơi đây và tham gia các hoạt động mua bán bởi chợ được phân chia ra thành từng khu buôn bán riêng vô cùng thuận tiện.

Mỗi nơi một vẻ, trên bến dưới thuyền, du khách sẽ thấy toàn cảnh khu chợ như một bức tranh tả thực sống động, nhiều màu sắc. Màu sắc từ các loại rau củ, hoa quả; màu của những chiếc áo bà bà phất phơ trong gió; những chiếc ghe lớn, nhỏ, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược nhộn nhịp; âm thanh náo động cả một vùng sông nước.

H. Hưng