(BVPL) - Vào khoảng 10.000 -12.000 năm trước, tại hai dãy núi Zagros của Iran ngày nay và Anatolia dọc theo sông Euphrates, dê đã được con người chăn dắt từng đàn. Từ buổi bình minh, con người đã ngưỡng mộ vẻ đẹp của cặp sừng dê với nhiều dáng hình kỳ lạ đến mê ly với khả năng giao phối mạnh với rất nhiều con cái trong bầy của dê đực. Ngoài ra, dê còn sở hữu đôi mắt quyến rũ và bộ lông mi rất đẹp.
Dê là động vật thuộc họ Bovidae, là loài nhai lại giống như trâu hay bò. Dê có bộ lông tơ mịn bao phủ khắp cơ thể. Bộ lông có thể một màu hoặc nhiều màu, thường là đen, xám, trắng và nâu…Lông dê quý không khác gì lông cừu. Các sản phẩm làm từ lông của các giống dê Angora có tên gọi Mohair rất nổi tiếng trên thế giới.
Sữa dê phong phú và đặc biệt không gây dị ứng. Sữa dê tốt hơn sữa bò do chứa các thành phần dinh dưỡng quý như: hexanoic, octanoic và decanoic acid - những hợp chất giúp cơ thể hấp thụ gấp ba lần so với sữa bò...
Trên khắp thế giới, người ta ước tính rằng thịt dê và sữa dê là thực phẩm được tiêu thụ nhiều hơn bất kỳ động vật khác (ở đây ngụ ý đề cập tới bò và gà). Phần lớn lượng tiêu thụ này nằm ở các nước đang phát triển với 72% lượng sữa dê của thế giới.
Dê có thể sống từ 8 tới 12 năm. Hiện có hơn 200 giống dê được công nhận. Kích thước của dê rất đa dạng, dê cái có trọng lượng từ 22 tới 300 pounds (1 pound = 0.453592 kilograms). Còn dê đực từ 27 tới 380 pounds.
Dê đực có thể giao phối sớm nhất là 4 tháng tuổi, còn dê cái vào lúc 7 tháng tuổi. Tuy vậy, để đảm bảo chất lượng người chăn nuôi được khuyến cáo bắt dê chờ đợi cho đến khi đạt 60% -75% trọng lượng, tức là khoảng một tuổi mới cho sinh sản. Mỗi lần sinh nở, dê có thể cho ra đời 2 con và kỷ lục là 6 con.
Có khoảng 500 triệu con dê trên toàn thế giới. Mỹ có khoảng 3 triệu con. Trung Quốc có 170 triệu con dê.
Cùng với bạch tuộc, dê là loài vật sở hữu con ngươi hình chữ nhật nên toàn bộ ánh sáng tập trung vào võng mạc, vì vậy có khả năng nhìn trong bóng đêm tuyệt vời và có thể tìm được lá non ngay lúc giữa đêm.
Dê không thích cuộc sống đơn độc nên thường tập trung thành bầy đàn. Ngoài ra, dê là loài động vật duy nhất có khả năng hòa đồng với các loài động vật khác từ Hà Mã tới sói - sát thủ đồng cỏ.
Dê là một biểu tượng không thể thiếu được trong nghệ thuật, văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội dân gian từ thời tiền sử của loài người cho tới cuộc sống hiện đại ngày nay. Trong các hang động, nơi cư trú của người cổ, hình tượng dê đực với cặp sừng vĩ đại tượng trưng cho mãnh lực chinh phục thiên nhiên và nhu cầu tình dục phong phú trong đời thường. Trong khi đó, từ hình ảnh dê cái cổ nhân ca ngợi người phụ nữ, người mẹ là cội nguồn của sự sống với cặp vú mọng sữa - biểu tượng sức sinh sản phồn thịnh.
Hình tượng con dê rất phổ biến trong Kinh thánh. Đức chúa Giêsu chào đời trong máng cỏ tại một hang nơi hơi ấm được tỏa ra từ các con vật thân thiện như: dê, cừu, bò, lừa... Ngoài ra, dê cũng được xem là linh vật gánh chịu tội lỗi do con người gây ra.
Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia cử hành vào ngày 15 tháng Giêng, các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia thành từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mã cũng tìm đủ cách để chạm được tay vào miếng da dê tế thần vì họ tin rằng làm như vậy sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Vì vậy, sau hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da dê.
Trong thần thoại Hy Lạp có một vị thần hoang dã với một nửa thân dưới trong hình dạng của loài dê và có cặp sừng dê trên đầu người, đó là thần Pan. Ông là con trai của thần Hermes, vị thần sứ giả loan tin của các thần trên đỉnh Olympe và tiên nữ Driope.
Theo văn hóa phương Tây, dê là một trong 12 biểu tượng của cung Hoàng đạo. Những người sinh trong khoảng thời gian từ 22/12 đến 20/1 thuộc cung Ma Kết hay Sơn Dương và đặc trưng bởi chòm sao Capicorus. Đó là hình ảnh con dê thần Amlthea.
Châu Á có lịch âm được lập theo các chu kỳ thay đổi đều đặn của Mặt Trăng. Theo lịch này, có năm, tháng, ngày, giờ đều được “hộ trì” bởi một trong số mười hai con vật. Theo cung Hoàng đạo của người Việt, con đầu tiên là con chuột (Tý), sau đó là con trâu (Sửu) và tiếp đến theo thứ tự là con hổ (Dần), mèo (Mão), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất) và cuối cùng là con lợn (Hợi).
Đối với người Việt Nam, dê cũng tạo ra giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam. Dê là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất trong bộ Lục súc gồm dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu. Tam sinh là ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh thần gồm dê, lợn, bò. Từ thời Hồng Bàng người Việt trong hôn nhân, đã biết dùng trâu, dê làm sính lễ. Đến thời vua Minh Mạng, mùa Ðông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, ông sai mua 220 dê đực và 100 dê cái và tuyển chọn được 20 con dê đực để làm lễ tế tại đàn Nam Giao…
Cha ông ta đã dạy trong Tam hợp, địa hơn thiên và nhân hơn địa. Đủ thấy con người là trung tâm của vũ trụ và mọi thành tựu làm ra đều do “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Nguyễn Thành Minh
(Theo “Wikipedia”)