leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội thảo "Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em" 

Hiện nay, tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và cả xã hội. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 02 năm 2017 - 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục; trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.

Theo bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEFF trong cuộc hội thảo lần thứ nhất về “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em,” cho biết: “ Bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ em và toàn xã hội”. “Bạo lực xâm hại trẻ em đã gây thiệt hại lớn cho xã hội và phát triển đất nước. Gánh nặng của bạo lực xâm hại trẻ em đặc biệt về sức khỏe và các hành vi nguy hại cho sức khỏe đã gây thiệt hại 209 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP trong khu vực châu Á Thái Bình Dương” (dẫn từ báo Tuổi trẻ ngày 18-4-2019)... 

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo 

Theo Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội thì số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.

Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Trong năm 2017, 2018, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội: Em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long. Trẻ em tại trường mầm non Mầm Xanh (thành phố Hồ Chí Minh) và cơ sở Mẹ Mười (thành phố Đà Nẵng) bị bạo lực. Cả cha đẻ và mẹ kế bạo hành, không cho trẻ đi học trong thời gian dài (Hà Nội). Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau). Nhiều vụ dâm ô trẻ em tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh, bạo lực trong các cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Trẻ em tại trường mầm non Mầm Xanh (thành phố Hồ Chí Minh) và cơ sở Mẹ Mười (thành phố Đà Nẵng) bị bạo lực;  trẻ em tại trường Mầm non Hoa Bách Hợp (tỉnh Long An) bị bảo mẫu nhồi nhét thức ăn, liên tục đánh vào đầu; học sinh trường Tiểu học tỉnh Quảng Bình bị cô giáo viên chủ nhiệm bạo lực dẫn đến “chấn động sọ não” phải nhập viện điều trị...

Nguyên nhân của tình trạng có thể nói đến là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các trẻ em chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em...

Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu. Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp...

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thời giai tới cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em...Hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em...

PV