Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

 


Những ngày ấy, vào cuối tháng 4-1954, ông là tổ trưởng đơn vị làm đường ở một bản gần Điện Biên (sau khi tổ sáng tác chiến trường được lệnh rút về trung tuyến). Ngày ngày, vác xẻng ra mặt đường, vác đá hộc, rải từ ki-lô-mét này đến ki-lô-mét khác. Một hôm, một cán bộ của Tổng cục chính trị tìm gặp Đỗ Nhuận, gợi ý với ông chuẩn bị sáng tác bài hát về chiến thắng Điện Biên. Nhạc sĩ băn khoăn, nghĩ cách viết bài hát. Theo ông, trước hết phải có một khung cảnh tươi sáng, rộn ràng của đất rừng Tây Bắc, nơi mà bộ đội, văn công và đồng bào các dân tộc đã làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại.

Chất liệu nhạc của Hành quân xa, Trên đồi Him Lam là nguyên chất nhạc đồng bằng. Nay, ca khúc chiến thắng này phải bao gồm các chất liệu nhạc dân tộc Việt và Thái. Nhạc sĩ tự hỏi liệu có thể pha trộn được không, có vận dụng điệu thức theo lối “chiết cành” được không. Ông tự bắt buộc mình phải cố gắng tạo ra ngôn ngữ mới cho bài hát được phong phú, trong đó, giai điệu đóng một vai trò quan trọng. Có thể làm được. Điều quan trọng là phải có nhạc cảm và sự rung động chân thực trong tâm hồn. Ông chờ đợi thời điểm...

Cuối cùng, thời điểm mong đợi đã đến. Chiều ngày 7-5-1954, trong lúc ông hì hục vác đá vá đường, thì một chiến sĩ đi xe đạp qua, reo to “Hồng Cúm hàng rồi, Chiến thắng rồi!”. Tin thắng lợi làm nức lòng mọi người. Thế là, tất cả chiến sĩ bỏ cuốc xẻng, cầm tay nhảy múa, chẳng cần nhạc đệm. Đỗ Nhuận tự hứa, quyết làm xong ca khúc ngay trong đêm. Và, trong đêm ấy, ở bản Mường Phăng, bên bếp lửa nhà sàn, bài hát ra đời với hai lời ca ngắn. Ông nghĩ mải mê về việc trau chuốt ca khúc. Trước hết, lời ca phải gọn. Câu “giải phóng Điện Biên” phải đặt lên đầu, rồi từ câu nhạc chủ đề này mở đầu cho sự phát triển của giai điệu. Ông sáng tác, lúc thì ghi nhạc trước, lúc thì viết lời ca trước. Cứ thế, những nét giai điệu và lời ca nối tiếp xuất hiện. Ở bài hát, ông theo luật cân phương tương đối (cắt câu tương đối tự do), song vẫn chia ra đoạn mở đầu nối vào trổ A và trổ B, bắt đầu từ câu “xiết bao sướng vui, từ ngày lên Tây Bắc...” đến hết bài.

Đoàn văn công Tổng cục chính trị đã hát ca khúc chiến thắng này ở chiến dịch. Trong bài hát phổ cập thì kết ở giọng sol, còn trình bày hợp xướng thì thêm câu kết “Chiến sĩ Điện Biên...” và trở về giọng Đô trưởng... Từ ấy đến nay, suốt 60 năm qua, ca khúc Giải phóng Điện Biên, một trong những ca khúc ghi nhớ về chiến thắng oai hùng của dân tộc luôn vang lên, hòa hợp trong dòng ca khúc cách mạng của đất nước ta.
 

Theo CA Đà Nẵng

.