Trong đó, xác định bổn phận, trách nhiệm của người làm báo là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế... Đặc biệt, quy định đạo đức người làm báo nhấn mạnh, người làm báo phải có thái độ “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội (MXH) và các phương tiện truyền thông khác”.

Ở đây, phải hiểu, đạo đức nghề nghiệp không chỉ ràng buộc người làm báo trong khuôn khổ các hoạt động nghề nghiệp, mà còn điều chỉnh hành vi của nhà báo khi ứng xử với thông tin trên MXH và loại hình truyền thông khác, như một bổn phận.

MXH hiện là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin toàn cầu, thu hút lượng người tham gia đông đảo, rộng khắp, nhờ những tiện ích thông minh và khả năng tương tác, kết nối, chia sẻ trực tuyến, tức thời, hầu như không giới hạn không gian. Trên thế giới, theo thống kê có đến gần 2 tỷ người đang sử dụng MXH và con số này đang trong trạng thái tăng trưởng nhanh chóng, trong đó nhiều trang cá nhân, tập tin chia sẻ có hàng triệu người quan tâm.

Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 35 triệu người dùng MXH, chiếm 37% dân số. Theo báo cáo của Google, Việt Nam là một trong nhóm 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất trên thế giới. Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam vào MXH khoảng 2 giờ 18 phút.

Với việc liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu, ứng dụng về trí tuệ nhân tạo cho việc phát triển nền tảng công nghệ gắn với phương tiện cá nhân gọn nhẹ, rất thông dụng và gần gũi là điện thoại, MXH đang ngày càng thông minh, tiện ích, trở thành phương tiện chia sẻ thông tin lợi hại và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, mang lại những lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, quan điểm, hành vi của con người; tác động tới môi trường xã hội, lợi ích cá nhân, tổ chức, cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia,... Độ trung thực, tính chính xác, tích cực, lợi ích hay tác hại của thông tin trên MXH, thực tế phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức, ý thức, trách nhiệm và mục đích của cá nhân người tham gia mạng xã hội.

leftcenterrightdel
 Người làm báo phải ứng xử chuẩn mực và có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Thực tế hiện nay, trên MXH tràn lan thông tin xấu, độc, xuyên tạc, bịa đặt, phát ngôn gây thù ghét; tình trạng trang thông tin, trang cá nhân giả mạo, truyền tải thông tin sai lệch, thậm chí vu khống, bôi nhọ... một cách có chủ ý hay vô tình, khiến thông tin trên MXH nhiễu loạn như hỏa mù, lẫn lộn giữa thật và giả, tốt và xấu... Ngoài ra, còn là tình trạng chia sẻ, phát tán những quan điểm sai lầm, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn về nhiều vấn đề xã hội, khiến MXH trở thành con dao hai lưỡi. Tình trạng này một phần từ nhận thức của người sử dụng cho rằng, MXH là môi trường ảo, không biên giới, thuộc quyền tự do cá nhân và không chịu sự quản lý của Nhà nước, nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm…

Ứng xử của nhà báo khi tham gia mạng xã hội, gồm cả chia sẻ, khai thác và thể hiện thái độ với từng thông tin trên mạng, chính vì vậy đòi hỏi những phản ứng phù hợp, có trách nhiệm. Bằng chuyên môn, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp của một người làm công tác truyền thông, cũng như vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, sự tham gia, một cách chủ động và tích cực của nhà báo, với vai trò là người sử dụng MXH, là cần thiết; với những thảo luận, đánh giá hay phản biện, để “định dạng”, xác định chân tướng thông tin thật hay giả, đúng hay sai, vô tư trong sáng hay có chủ đích, âm mưu, từ đó góp phần định hướng dư luận. Sự im lặng, ngó lơ của nhà báo trước thông tin xấu trên MXH, ở góc độ nào đó, cho thấy sự bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm, chưa hoàn thành nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp của một người làm báo.

Để có được ứng xử chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH, đòi hỏi người làm báo phải trang bị nhãn quan chính trị, kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội, kinh nghiệm nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp. Ngoài ra còn đòi hỏi sự tỉnh táo, tinh thần xây dựng, lương tâm, tấm lòng hướng đến xây dựng nền truyền thông pháp trị, có trật tự, một xã hội văn minh, tốt đẹp.

PV