Mạng xã hội (MXH), đặc biệt là facebook ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đối với người dân, so với mục đích giải trí ban đầu của các nhà sáng lập thì MXH vươn xa hơn rất nhiều và ở một góc độ nào đó - nó thực sự nguy hiểm!
 
Trò “câu like”, quảng cáo, lừa đảo
 
Trong thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ chóng mặt hình ảnh người phụ nữ bán trà đá dùng chân cho vào xô nước rửa ly cho khách với nội dung phản ánh một quán trà đá kinh doanh mất vệ sinh, coi thường sức khỏe người dân. Tuy nhiên, khi xem thật kỹ clip trên, một số cư dân mạng đã vạch mặt âm mưu bôi xấu người khác, tạo scandal để nổi tiếng, nghi vấn clip do một nhóm của tiệm tóc gần đó dàn dựng.
 
Khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, chiều 24/7, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Quốc Đức (29 tuổi, ngụ tại quận Cầu Giấy) 7,5 triệu đồng về hành vi đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Được biết, Nguyễn Quốc Đức là chủ một tiệm tóc trên đường Cầu Giấy, chủ mưu đăng tải clip nói trên nhằm mục đích quảng cáo cho tiệm tóc của mình.
 
Oái oăm hơn, vụ hai nữ sinh đang theo học tại một trường Cao đẳng tại TP. HCM bị tung ảnh lên facebook, tung tin đồn thổi sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, đạo đức của hai nữ sinh với trò câu like rẻ tiền, hoặc đạt được mục đích hạ nhục người khác. 
 
Hai nạn nhân (N đến từ Đồng Nai và H đến từ Bình Thuận), cùng gia đình hai bên đang rơi vào tình cảnh vô cùng khổ sở, uất ức trước tin đồn thất thiệt dưới hình thức như một bản tin, nói rằng:  “Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đang làm rõ một vụ các nữ sinh lừa bạn trai nhậu say sau đó đưa vào nhà nghỉ hiếp dâm nạn nhân đến …chết.”
 
Công an huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cho biết, chưa nắm cụ thể về tin đồn ác ý, tuy nhiên khẳng định riêng về vụ việc hai nữ sinh hiếp dâm nạn nhân đến chết trên địa bàn là hoàn toàn bịa đặt.
 
"Chúng tôi khẳng định là không có việc hai nữ sinh hiếp dâm nạn nhân đến chết, các thông tin khác chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ", Đại tá Nguyễn Văn Loan, Trưởng Công an huyện Tánh Linh nói.
 
Hiện tại, mạng xã hội, đặc biệt là facebook có sức ảnh hưởng ghê gớm tới đời sống xã hội, nhiều người ăn cũng facebook, ngủ cũng  facebook, có dấu hiệu “nghiện” mạng xã hội! Tác động từ mạng xã hội và đặc biệt là facebook với chúng ta là hiện hữu, xác thực chứ không hề ảo!
 
Hàng loạt vụ lừa đảo, đủ các chiêu trò trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản và những mục đích bất chính khác, trong khi các nạn nhân rất khó có đủ thông tin để kiểm chứng, hoặc quá cả tin vào người khác. Nguy hiểm hơn, một số thế lực thù địch tận dụng mạng xã hội, đặc biệt là facebook để chống phá, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, gây rối tình hình an ninh, chính trị - xã hội của quốc gia...
 
Cần có chế tài xử lý nghiêm minh
 
Bên cạnh mặt trái của mạng xã hội, thì đây cũng là nơi kết nối, chia sẻ thông tin tốt, nhiều vụ việc sai phạm của cá nhân, tổ chức được xử lý triệt để khi thông tin được chia sẻ trên mạng và cộng đồng mạng lên tiếng. Sẽ khó cho cơ quan chức năng trong việc sàng lọc xử lý sai phạm, bởi đây cũng là kênh thông tin để người dân tự do ngôn luận, thậm chí tố cáo những tiêu cực trong xã hội.
 
Trả lời trên báo chí, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho rằng: “Cần có chế tài đủ mạnh và phù hợp với những hành vi lợi dụng MXH để làm những việc sai trái”.
 
Nếu cơ quan quản lý có những chế tài đủ mạnh và phù hợp, được thực thi nghiêm túc, công bằng thì chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt những thông tin không tích cực trên mạng, góp phần tạo ra cho chúng ta một không gian mạng lành mạnh hơn.
 
Rõ ràng là việc chia sẻ thông tin, bình luận... trên mạng xã hội cần phải có văn hóa. Tôi rất ủng hộ việc cộng đồng người sử dụng mạng xã hội chung tay xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để đời sống bớt đi phần nào những phiền muộn.
 
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến một thực tế là với sự làm việc còn kém hiệu quả của một số cơ quan chức năng, thì mạng xã hội đương nhiên trở thành kênh thông tin tới các cấp quản lý về những bất cập của đời sống kinh tế - xã hội, những việc làm sai trái của một số cá nhân. Trong trường hợp đó cần cân nhắc để không phạt nhầm những người dám nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình.
 
Theo luật sư Trần Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện nay hành vi nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đã có quy định xử phạt tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 với mức xử phạt là 100.000 - 300.000 đồng. Những hành vi xúc phạm, cung cấp thông tin không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống.
Mạng xã hội là một phương tiện giao tiếp, phương tiện truyền thông. Những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nói xấu người khác thông qua mạng xã hội sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Mạng xã hội chỉ có ý nghĩa là công cụ, phương tiện để người vi phạm thực hiện hành vi. Do vậy, không thể truy cứu trách nhiệm người khác một cách riêng rẽ với tính chất là sử dụng phương tiện, công cụ để vi phạm.
 
Đình Quân