Là những người dám đấu tranh chống lại tiêu cực, bảo vệ lẽ phải bằng ngòi bút sắc bén và một cái tâm sáng, họ cũng cần được bảo vệ trước những hiểm nguy luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi.
 
Sự việc nhóm PV của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bị tấn công trong lúc đang tác nghiệp tại xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 13/6 như một nốt lặng khi ngày tôn vinh những người làm báo đang đến rất gần.
 
Trong lúc đến địa phương để xác minh thông tin theo đơn tố cáo, nhóm PV thời sự của VTV không những không nhận được sự hợp tác từ phía chính quyền địa phương khi họ bị tấn công, mà cũng không nhận được sự bảo vệ, can thiệp từ lãnh đạo xã chỉ vì “lý do nhạy cảm”.
 
Hậu quả là công cụ tác nghiệp - chiếc máy quay bị hỏng, dù không có thiệt hại về người nhưng sự ngông nghênh của đối tượng cần xác minh khi “chống đối người thi hành công vụ” và sự thờ ơ, làm ngơ của lãnh đạo xã đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.
 
Chiếc máy quay của nhóm PV thời sự VTV đã bị ô tô chèn có chủ đích trong khi tác nghiệp tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: VTV)
Chiếc máy quay của nhóm PV thời sự VTV đã bị ô tô chèn có chủ đích trong khi tác nghiệp tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: VTV)
Nhưng khi trao đổi với PV báo Vietnamnet, ông Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ cho rằng, do ông phải chuẩn bị điều hành cuộc họp và PV không có giấy tờ cùng lịch hẹn trước nên không dẫn PV đến địa điểm được yêu cầu. Thôi thì cứ tạm chấp nhận lý do này nhưng khi nhóm PV bị tấn công, đề nghị được bảo vệ thì lãnh đạo xã cũng không can thiệp.
 
Đây không phải lần đầu các nhà báo bị làm khó, hành hung khi đi tác nghiệp. Những vụ ẩu đả, “gạt tay vào má” hay đập phá máy quay của PV diễn ra không ít thời gian qua cũng đã gây bức xúc với dư luận xã hội nói chung và đội ngũ những người làm báo nói riêng. Thế nên vụ việc này lại như giọt nước tràn ly khi ngày vui đang đến.
 
 
Là những người dám đấu tranh chống lại tiêu cực, bảo vệ lẽ phải bằng ngòi bút sắc bén và một cái tâm sáng, họ cũng cần được bảo vệ trước những hiểm nguy luôn rình rập mọi lúc, mọi nơi.
 
Điều đáng buồn, ở một khía cạnh nào đó, khi họ càng xả thân, xông pha tới “chiến trường” chống tiêu cực thì lại có một bộ phận có sức ảnh hưởng không nhỏ là chướng ngại vật trên con đường đi tìm công lý.
 
Báo chí là một lĩnh vực đầy hấp dẫn cũng không kém hiểm nguy. Nhưng dù trên con đường chiến đấu có vô vàn khó khăn, trắc trở thì cuối cùng, công lý, lẽ phải vẫn chiến thắng. Tôi tin tưởng vào những nhà báo chân chính, những người không chùn bước trước khó khăn, luôn đặt tâm huyết và trách nhiệm với nghề đôi khi hơn cả tính mạng của bản thân. Bởi họ biết, một thông tin mình đưa ra có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như thế nào.
Nghề báo là một nghề khắc nghiệt và những ai quyết theo đuổi nghề này luôn được coi là những chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận thông tin. Không hiếm khi phải đối diện với tiêu cực, cám dỗ, khó khăn, thử thách và cả những “sự im lặng” đáng sợ, họ vẫn quyết theo đuổi sự thật đến cùng. Bởi nếu họ nản lòng, e dè, không lên tiếng thì sự thật sẽ mãi nằm trong “vùng im lặng”.
 
Tất nhiên cũng cần phải nói đến mặt trái của nghề một cách khách quan nhất có thể. Có những người khi đã mang danh nhà báo lại tự cho mình cái quyền được “ra oai” khi vi phạm giao thông. Hay chỉ cần “múa bút” là đã có được khoản “bồi dưỡng” gấp nhiều lần tiền nhuận bút. Có khi một bài viết xoáy sâu vào đời tư người nổi tiếng, thổi phồng, bóp méo sự việc nhằm mục đích “câu view”, kiếm tiền cũng khiến không chỉ nhân vật lao đao, điêu đứng.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Sự thật vẫn là sự thật. Những kẻ mượn danh nhà báo để chuộc lợi cho bản thân sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui, đào thải, trả lại sự trong sạch, danh dự và uy tín cho những người làm báo chân chính.
 
Nếu bác sĩ cần lương tâm nghề nghiệp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con người thì nhà báo lại cần lương tâm để bảo vệ lẽ phải, vạch trần tiêu cực, làm sáng tỏ sự thực. Độc giả, dư luận vẫn luôn tin tưởng vào ngòi bút tâm huyết của những nhà báo chân chính.
 
Khi hành nghề, họ luôn phải đặt lương tâm, trách nhiệm lên hàng đầu. Nghề nào cũng vậy và nghề báo thì càng cần như vậy. Bởi chỉ cần một thông tin, một bài viết cũng có thể ảnh hưởng đến biết bao nhiêu số phận con người.
 
Nghề báo là một trong những nghề cao quý. Bởi không chỉ phải đánh đổi mồ hôi, công sức mà thậm chí còn phải đổ máu trên mặt trận chống tiêu cực của xã hội. Và để làm được điều đó, như nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã chúc những người làm báo cần phải có: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để có thể thực hiện được điều cụ Nguyễn Đình Chiểu từng mong mỏi: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
 
Một chút suy nghĩ lan man nhân ngày tôn vinh những người cầm bút, hy vọng họ sẽ luôn giữ tâm vững, bút thẳng để trước mỗi vụ việc, quyết định đưa tin như thế nào cũng sẽ khiến độc giả nhận ra nhân cách của người đưa tin.
 
Theo Thảo Nguyên/ Đời sống và Pháp luật
.