Tại TP HCM người dân có thể quan sát rõ hình ảnh mặt trời bị mặt trăng che khuất hơn một nửa, sáng nay.

Sáng sớm 9/3, hàng trăm người yêu thiên văn ở Sài Gòn tập trung tại nhiều địa điểm như bến Bạch Đằng (quận 1), cầu Thủ Thiêm (quận 2), cầu Ánh Sao (quận 7), làng đại học Thủ Đức… xem nhật thực một phần.

 

1
Nhiều người tập trung ở bến Bạch Đằng xem nhật thực. Ảnh: Thanh Huy


Trời quang, ít mây, không mưa giúp việc quan sát nhật thực thêm thuận lợi. CLB Thiên văn Nghiệp dư TP HCM mang 4 kính ngắm đặt ở khu vực bến Bạch Đằng theo dõi hiện tượng đặc biệt này.

6h45, mặt trăng bắt đầu xuất hiện, che khuất một phần mặt trời. Đến 7h, mặt trời bị che đến 56% diện tích khi mọc chưa cao.

Anh Bùi Thanh Huy – CLB Thiên văn Nghiệp dư TP HCM - cho biết, lần này mọi người có thể ngắm nhật thực khá rõ. Xem tốt nhất là ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại Sài Gòn. Càng tiến về phía Bắc độ che phủ cực đại giảm dần.

 

2
Mặt trời bị mặt trăng che khuất đến quá nửa, sáng nay. Ảnh: Chí Dũng


Nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Khi nhìn từ trái đất, mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu.

Do đó mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời và hai vùng nửa tối tạo ra bởi mặt trăng sẽ mở rộng hơn so với khi nhật thực toàn phần, đồng thời xen phủ nhau tạo thành một vùng gọi là vùng bóng tối giả.

Cư dân những vùng trên trái đất bị vùng bóng tối giả này quét qua sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, còn trong vùng nửa tối sẽ quan sát được nhật thực một phần.

 

3
Hiện tượng nhật thực qua ống kính của người yêu thiên văn. Ảnh: Thanh Huy


Nhật thực một phần tại TP HCM sáng nay quan sát được nhiều nhất sau 21 năm, kể từ ngày 24/10/1995 ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Tại thời điểm đó, dải đất từ Phan Thiết đến Bình Phước quan sát được 100% nhật thực, TP HCM quan sát được 98%.

Các nhà thiên văn cho biết, chỉ một dải nhỏ có thể quan sát được nhật thực toàn phần, gồm một vài khu vực đất liền Indonesia và các vùng biển thuộc Thái Bình Dương. Còn Việt Nam và phần lớn các nước châu Á - Thái Bình Dương chỉ quan sát được nhật thực một phần.
 

Theo vnexpress

.