Người làm hoa khô trên xứ sở ngàn hoa
Cập nhật lúc 18:44, Thứ ba, 17/12/2013 (GMT+7)
Với người dân Đà Lạt và cả tỉnh Lâm Đồng cái tên Nguyễn Trọng Hiếu, nghệ nhân làm hoa khô từ lâu đã trở nên rất đỗi quen thuộc. (xứ sở ngàn hoa, Festival hoa, hoa khô)
Với người dân Đà Lạt và cả tỉnh Lâm Đồng cái tên Nguyễn Trọng Hiếu, nghệ nhân làm hoa khô từ lâu đã trở nên rất đỗi quen thuộc.
Gia đình và cũng là xưởng sản xuất hoa khô của anh Hiếu ở Trạm Hành, ngoại ô Đà Lạt. Từ Đà Lạt đi xuôi xuống phía đông bắc chừng 28km, hoặc từ Đơn Dương lên 10km. Cơ sở sản xuất hoa khô của anh Hiếu tọa lạc trên một triền đồi cao 1.000m so với mặt nước biển. Khu nhà xưởng rộng chừng 50m2, thoáng mát.
Anh Nguyễn Trọng Hiếu đưa chúng tôi thăm cơ sở làm hoa khô của gia đình. Đầy ắp trong nhà xưởng là sơn, mực, cọ vẽ, lá khô để ngổn ngang. Hơn chục người thợ đang mải miết làm việc say sưa. Người vẽ, người cắt tỉa lá, người làm khuôn hình… luôn tay không một phút giây ngơi nghỉ. Hỏi về nghề làm hoa khô của gia đình, anh Hiếu chia sẻ:
- Tôi làm nghề hoa khô đã ngót 20 năm, bắt đầu làm từ năm 1996. Khi ấy tôi mới 28 tuổi. - Động cơ nào đưa anh vào nghề làm hoa khô? Anh Hiếu nhấp một hớp trà rồi chậm rãi nói chuyện:
- Trong một bữa ngồi xem truyền hình, kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam có giới thiệu nghệ thuật làm hoa khô của một nghệ nhân nước Pháp. Tôi chăm chú theo dõi thấy thích thú vô cùng. Tôi mải mê xem quên cả ăn trưa. Xem xong tôi nghĩ: Xứ sở mình là vùng ôn đới, thiên nhiên ban tặng nhiều cỏ cây hoa lá đa dạng, một nguồn nguyên liệu phong phú để làm hoa khô, bản thân mình lại có chút năng khiếu hội họa lẽ nào mình không làm hoa khô. Từ ý nghĩ đó tôi đi sâu vào tìm hiểu qua sách, báo, có những cuốn sách chuyên dạy về kỹ thuật làm hoa khô tôi phải nhờ bạn bè từ bên Pháp mua gửi về. Qua thời gian dài nghiên cứu, làm thử nghiệm tôi đã thành công. Khi lẵng hoa khô đầu tiên ra đời tôi mừng lắm! Kêu hết thảy người thân, bạn bè đến xem. Bạn bè đã động viên, khích lệ tôi đi vào sản xuất hoa khô. Từ đó tôi dấn thân vào nghề làm hoa khô.
Làm hoa khô, việc chọn lá, nhuộm lá, cắt tỉa một bông hoa sao cho giống hoa thiệt không khó. Cái khó là khâu tạo dáng. Một lẵng hoa, một bình hoa mình phải làm sao cho nó sống động, cuốn hút được người thưởng ngoạn. Đó mới là tài nghệ của người làm hoa khô. Rồi phải biết cách trang trí từng loại bình hoa khác nhau sao cho hợp lý. Bình hoa thờ phượng khác với bình hoa để ở bàn làm việc; bình hoa đặt bàn trà khác với bình hoa đặt trong phòng khách… Nó đòi hỏi người làm hoa khô phải có con mắt thẩm mỹ, có óc sáng tạo, phải có đôi bàn tay khéo léo, hiểu biết về nghệ thuật tạo hình. Tóm lại, người làm hoa khô phải biết “thổi hồn vào mỗi cánh hoa”.
Nguyễn Trọng Hiếu là một trong số những người làm hoa khô đầu tiên ở Việt Nam. Ngót 20 năm làm nghề đã tạo ra hàng trăm mẫu hoa khác nhau. Mặt hàng của anh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong nước. Nhiều nhất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2000 trở lại đây, hoa khô của anh còn xuất ra nước ngoài như Nga, Nhật, Trung Quốc… Mặt hàng của anh được người tiêu thụ rất yêu thích, giá cả hợp lý. Từ đó, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Hàng năm, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoa khô của anh làm không đủ bán. Anh phải huy động thêm thợ và cả người nhà dồn sức vào làm. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Mai là giáo viên, hàng ngày hết giờ lên lớp, về nhà cũng miệt mài làm hoa khô với chồng. Hơn chục năm nay, gia đình anh sống được bằng nghề làm hoa khô. Tính trung bình mỗi tháng thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ ở địa phương. Thu nhập của mỗi công nhân làm trong xưởng hoa khô của anh một tháng từ 2 triệu đồng trở lên.
Ở Đà Lạt, anh Nguyễn Trọng Hiếu còn là người tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội như đóng góp vào quỹ khuyến học, giúp đỡ những gia đình nghèo, những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống… Anh đã tích cực gửi sản phẩm đi tham dự hội chợ; tham gia nhiều cuộc triển lãm hoa ở thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt… Anh đã nhận được nhiều bằng khen của tỉnh và của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Năm 2005, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làm hoa khô”.
Theo Báo Lâm Đồng
.