Có lẽ khó có ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh khốn khó của gia đình này. Trong gian chòi tạm bợ ấy, người cao tuổi nhất làm ông, nhỏ nhất là những ấu nhi còn đỏ hỏn.

 
 
Về Vũng Tàu cha con gặp nhau chỉ biết khóc. Không nhà cửa, không bà con thân thích, chẳng ai tin cậy để nương nhờ, hai cha con lục đục về lại ngôi nhà trước kia đã bán và hết lời khẩn thiết chủ nhà. Nhưng dù nhà cửa người ta mua để đó chẳng ai ở, họ cũng lắc đầu với lý do: “Người mới sinh nếu vào nhà ai, nhà đó gặp vận sui, chẳng bao giờ làm ăn khấm khá được”. Thấy ông cầu khẩn quá, nể tình chủ cũ, người ta mới động lòng đồng ý cho cha con ông gá thân ngoài cổng, ngay sát một bên vệ đường.
 
Đất người ta “cho” còn lại nơi tá túc ông tự liệu. Ông lại tự tìm cây dựng “nhà”, đi xin bạt cũ về che mái, làm nơi trú tạm bợ cho đứa con bất hạnh và đứa cháu tội nhiệp. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho ông lo rối như tơ vò, bẵng đi hai tháng, đứa con gái thứ hai của ông lại từ Bình Dương tìm về, mang theo một cái bụng. Ông tối sầm mặt mũi khi biết, chỉ còn vài ngày nữa là con ông phải sinh.
 
Lần này “thằng rể” vô trách nhiệm của ông cũng “quất ngựa truy phong”, để lại người vợ bụng mang dạ chửa, chỉ vì một lý do: “Không biết đẻ con trai”. Một lần nữa ba con người bất hạnh ôm lấy nhau nuốt nghẹn, khóc đến cạn dòng nước mắt.
 
Từ ngày thêm sản phụ thứ hai, chiếc giường của người chị phải ngăn thêm ra, gian chòi nhỏ bên vệ đường thêm tù bức và hẹp lại. Phụ nữ mới sinh kị nhất sương gió, nhưng đến nơi che nắng, tránh mưa còn khó lấy đâu ra phòng kín? Ông đành gõ cửa nhà người ta xin về những mảnh ri đô cũ, ga giường thừa, bạt người ta bỏ đi về căng lại để làm vách.
 
Vậy nên, tất cả những thứ “tài sản” trong “nhà”, ông có được là nhờ lòng trắc ẩn của người đời. Người ta có thêm cháu thì vui vẻ, hạnh phúc, còn riêng ông nghìn buồn, vạn lo. Một mình quay quắt nuôi hai sản phụ, hai đứa trẻ sơ sinh. Với một người ở cảnh “thân cô thế cô” như ông quả thực là gánh nặng tưởng như không thể cáng đáng nỗi.
 
Tận cùng của túng bấn, ông bảo, giờ đây không còm dám nghĩ khát vọng cao xa về cái nhà, nơi ở mà chỉ lo sao đủ miếng ăn trước mắt. Người ta khi sinh được bồi bổ dinh dưỡng này nọ, còn con ông vẫn phải nhịn đói khi đến bữa. Đêm đêm nghe các cháu khóc thét vì đói sữa, lòng ông lại đau như cắt, ông chỉ biết bất lực ngẫm phận mình sao trớ trêu. Một khổ cảnh làm rơi nước mắt bất cứ ai lỡ chứng kiến.
 
Điều ước của 3 người khốn khổ
 
Để nuôi hai đứa con bất hạnh, ông phải dốc hết “vốn” vào “kinh doanh” vặt bên đường, một hàng mít quả và một hàng “tạp hóa” vặt. Nhưng người đến mua vì lý do lòng thương hại thì đúng hơn. Thấy chúng tôi ghé, ông mời mua, dưới nền nhầy nhụa bùn đất có mấy trái mít thối nửa, ông bối rối gãi đầu bảo “mít lấy mối mãi trong vườn sâu của đồng bào dân tộc từ mấy hôm trước, nhưng giờ vẫn chưa bán hết”.
 
Ông còn có một cái tủ kính đựng mấy bao thuốc lá, dăm chai nước ngọt nhưng trưng như có lệ, chẳng ai thèm để mắt, có ngày chẳng bán được thức hàng gì. Một hàng mít, một hàng “tạp hóa”, cả gia đình 5 cái miệng trông chờ tất cả vào 2 thứ này.
 
Ông bảo thu nhập mỗi ngày chỉ mấy chục bạc, số tiền đó ông dành tất cả mua gạo để chăm hai người con ông vừa sinh nở. Những bữa cơm ăn không dám no, ông sợ rằng lạm vào khẩu phần của 2 đứa cháu ngoại, người ta thấy cay cay trong tình cảm “cá chuối đắm đuối vì con” của ông Hiếu.
 
Giờ đây ước mong lớn nhất của ba con người khốn khổ là có được căn nhà che mưa gió khi mùa mưa đang tới. Những bữa cơm no cho hai sản phụ, để hai trẻ sơ sinh không còn những đêm khóc dấm dứt vì những đói sữa.
 
Theo Infonet
.