Thông tin từ Ban quản lý di tích Đền Nghiêm cho biết, các sắc phong ở đây được vua ban dưới triều: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Duy Tân, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định. Có 5 đạo phong cho Thiên Uy Tôn Thần, 1 đạo phong cho Hà Thanh Tôn Thần và 2 đạo phong cho Thôi Quan Tôn Thần. Ngoài ra, tại đền Nghiêm còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như long ngai, thẻ bài, đồ thờ, các bệ đá cắm cờ. Đây đều là các di vật từ thời Lê.

leftcenterrightdel
  Lễ tế di tích lịch sử văn hóa và cách mạng tại Đền Nghiêm xã Quảng Giao.

Trải qua thời gian, mưa nắng ngôi Đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 2009 được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự đóng góp của cán bộ, nhân dân và người con xa quê của làng Nghiêm, ngôi Đền đã được xây dựng và tôn tạo lại theo kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm trung đường và chính tẩm. 

Theo lịch sử, vào khoảng năm Quang Hưng Triều Lê, khi quân giặc nhà Ngụy Mạc đến phá phách, cướp bóc dân làng, trước hoàn cảnh của nước nhà loạn lạc, 3 vị quan họ Bùi là anh em ruột gồm Thiên Uy, Thôi Quan và Xuân Quang khi đó đang làm quan tại các huyện Đông Triều, Vọng Doanh và Hà Nê, đã cùng tham mưu họp bàn với sứ thần nhà Lê, cùng hợp quân đánh đuổi quân giặc, đem bình an cho muôn dân. 

Với nhiều công trạng, sau khi các ông qua đời đã được phong tặng nhiều đạo sắc rồng. Tưởng nhớ công lao của các ông, nhân dân trong làng đã lập đền thờ gọi là Đền Nghiêm  để thờ 3 vị tôn thần là người địa phương có công xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Linh Hà