Chỉ chưa đầy 1 tháng trở lại đây, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp khiến hơn 500 người phải nhập viện. Nguyên nhân, được xác định là do nguồn thực phẩm trong bữa ăn trưa tại các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


5 ngày hơn 500 công nhân phải nhập viện
 
Ngày 27/6, có 297 nhân viên của Công ty Quảng Thái (quận Tân Bình, TP.HCM) dùng bữa cơm trưa do quán cơm Anh Thư (địa chỉ số 1009 Tân kỳ Tân quý. P. Bình Hưng Hòa, Bình Tân) cung cấp lúc 11h30.

Sau bữa ăn được khoảng 1 tiếng đồng hồ, các nhân viên bắt đầu có người xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, mẩn ngứa và buồn nôn. Kết quả 167 người bị ngộ độc phải chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Bình Tân và Bệnh viện Quốc Ánh.

Theo nạn nhân của vụ ngộ độc kể lại, thực đơn bữa trưa nay của họ gồm có các món gà chiên, tàu hủ và chả cá sốt cà, su su xào, canh bắp cải.

 

Chỉ trong vòng 5 ngày hơn 500 công nhân phải nhập viên .
Chỉ trong vòng 5 ngày hơn 500 công nhân phải nhập viên .

 

Chỉ 3 ngày sau vụ ngộ độc thực phẩm của công ty Quảng Thái, tức ngày 30/6, TP.HCM lại xảy ra một vụ ngộ độc nghiêm trọng trên địa bàn quận 12.

Cuối giờ chiều, 267 công nhân của Công ty Wooyang Vina (phường Hiệp Thành) phải nhập viện do xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nôn ói. Vụ ngộ độc xảy ra ngay sau bữa cơm trưa của công nhân tại công ty.

Vụ ngộ độc làm cho 267 công nhân của Công ty Wooyang Vina (phường Hiệp Thành, Q.12) phải nhập viện do xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nôn ói. Bữa ăn của các công nhân này là do công ty Thanh Thúy ở quận 2 cung cấp với các món ăn canh rau dền, thịt heo xào cải chua và rau muống xào.

Trước khi hai vụ ngộ độc thực phẩm trên xảy ra ở TP.HCM, thì sáng ngày 25/5, hàng trăm công nhân của công ty TNHH KiDo Hà Nội, chuyên sản xuất hàng may (KCN Phố Nối, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng đã đồng loạt bị ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối.

Nguyên nhân được được định cũng do bữa ăn trưa tại công ty vào ngày 24 khiến anh em công nhân sau đó có triệu chứng đau bụng và ’tào tháo lùa’…

Các công nhân của công ty TNHH KiDo Hà Nội điều trị tại bệnh viện đều tỏ ra hết sức bức xúc về việc bị ngộ độc thực phẩm, nhưng việc bị ngộ độc cũng không khiến ai bất ngờ vì chất lượng các bữa ăn ở công ty từ trước đến khi xảy ra ngộ độc đều không đảm bảo về chất lượng vệ sinh.

Cũng theo các công nhân cho hay: “Trước đây công ty TNHH KiDo Hà Nội có ký hợp đồng nấu ăn với 1 công ty. Nhưng họ nấu không ngon, lại mất vệ sinh nên anh em công nhân đã kiến nghị lên công ty yêu cầu đổi công ty nấu ăn khác và được chấp nhận. Nhưng công ty đang nấu ăn dẫn đến vụ ngộ độc thì chất lượng thậm chí còn thấp hơn trước rất nhiều.

Cũng theo những công nhân trên cho biết, toàn thể các công nhân của công ty KiDo đã tổ chức đình công 2 lần để yêu cầu công ty phải thay đổi chế độ ăn cũng như cung cấp các bữa ăn hợp vệ sinh nhưng không được chấp nhận.

Công đoàn nên tự tổ chức nấu ăn

Trước sự việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở các doanh nghiệp, ông Đăng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cảnh báo: Việc doanh nghiệp không quan tâm đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của người lao động trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động, làm suy giảm khả năng lao động của người lao động và sau đó còn gây bất lợi cho doanh nghiệp.

“Nếu bữa ăn của người lao động không được chăm lo, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩn thì người lao động sẵn sàng bỏ doanh nghiệp để đến nơi có điều kiện và môi trường làm việc tốt hơn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Điều nói.

Ông Điều cũng cho hay, công đoàn cũng đã đề xuất với doanh nghiệp nên tự tổ chức nấu ăn cho người lao động và thực tế những doanh nghiệp công đoàn đứng ra tự tổ chức nấu ăn thì chất lượng bữa ăn của người lao động đều đảm bảo.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp không đồng tình với đề xuất này và vẫn làm theo quyết định của giám đốc và cho đấu thầu nhà ăn.

“Nhiều doanh nghiệp cho đấu thầu, thuê người bên ngoài nấu ăn nên họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận và tìm mua nguồn thực phẩn giá rẻ nhất nên sẽ khó mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được”, ông Điều cho biết.

Cũng theo ông Điều, trong thời gian qua việc giá cả tăng, nhất là việc giá cả lương thực thực phẩm tăng cao, thì chất lượng bữa ăn của người lao động lại càng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trong tình cảnh này tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phải thương lượng với doanh nghiệp để chăm lo bữa ăn cho người lao động, và những thương lượng phải được ghi trong điều ước điều chỉnh theo sự tăng giá thị trường.

Theo VNN