479 nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ trong lần thứ VIII với sự trang trọng và trách nhiệm. Bên cạnh niềm vui được vinh danh của không ít nghệ sĩ với những cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, thì một khía cạnh khác, những nghệ sĩ có tuổi đời trẻ như Tự Long, Trung Hiếu được xét nhận NSND đợt này lại vấp phải luồng ý kiến trái chiều của dư luận. Thế nhưng, với tiêu chí “đặt vinh dự của nghệ sĩ lên trên hết” của Nghị định 89/NĐ-CP thì họ không trông đợi điều may mắn “từ trên trời xuống” mà đó là những nỗ lực, cống hiến được ghi nhận…

Từ khi Nghị định 89/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29-9-2014, với một số điều chỉnh, ghi nhận, đánh giá những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ trên một “mặt trận văn hóa” mới đã nối gần khoảng cách nghệ sĩ và danh hiệu. Đây không chỉ là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đóng góp của văn nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới mà nó còn tạo động lực cho các thế hệ nghệ sĩ nỗ lực, phấn đấu.

Bên lề buổi trao tặng danh hiệu, NSND Tự Long – PGĐ Nhà hát Chèo quân đội – Bộ Quốc phòng chia sẻ: Cống hiến của người nghệ sĩ chính là tác phẩm văn hóa trên sân khấu, cái mà họ gửi đến công chúng. Mỗi người đứng ở một lĩnh vực khác nhau, có người đứng đằng sau màn ảnh, sân khấu, hay mỗi cuốn sách, kịch bản. Và cái được vinh danh là sự cống hiến, chứ họ không chờ đợi may mắn dọn sẵn.
 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chụp cùng NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc trong buổi vinh danh danh hiệu nghệ sĩ. Ảnh chụp bên lề lễ trao giải
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chụp cùng NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc trong buổi vinh danh danh hiệu nghệ sĩ. Ảnh chụp bên lề lễ trao giải


Đầu quân Nhà hát Chèo quân đội, Tự Long tự hào khi mình là người đóng được nhiều thể loại từ vai phụ đến chính, quần chúng đến phản diện, chính diện. Với chèo, anh đóng từ vai kép, đào, mụ, hề, vai nào cũng có…huy chương! Thế nhưng, có một số ý kiến cho rằng, so với sức ảnh hưởng của nhiều nghệ sĩ gạo cội, Tự Long lại chỉ được công chúng biết đến qua vai Táo Quân, các vai hài, MC “Chém chuối cuối tuần”, đặc biệt là những tiểu phẩm hài cho thiếu nhi và không có nghĩa là danh hiệu NSND trao cho diễn viên hài SN 1973 sẽ hoàn toàn thuyết phục. Và việc có nhiều thành tích trong lĩnh vực chèo, nhưng hiếm có khán giả nào nhớ những vở chèo Tự Long diễn, những nhân vật anh đã nhập vai.

Trong đó, theo quy định về việc xét tặng danh hiệu NSND ban hành từ năm 2003, thì các nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên) đã được tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên và có ít nhất 2 giải thưởng Vàng tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế… và các hội văn học nghệ thuật Trung ương kể từ khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Tự Long năm nay mới 42 tuổi, so về tuổi nghề chưa đủ 20 năm hoạt động nghệ thuật liên tục. Đặc biệt, chuyện nghệ sĩ Tự Long, người vừa được phong tặng  danh hiệu NSƯT vào năm 2012 lại có mặt trong đợt xét tặng NSND lần thứ VIII cũng không khỏi nhiều người thắc mắc.

Nói về điều này, nghệ sĩ Tự Long phân trần: “Bản thân tôi có  tất thảy 11 huy chương vàng, bạc trong các hội diễn sân khấu toàn quốc, toàn quân. Trong lĩnh vực sân khấu chèo và kịch, những lĩnh vực khác chưa kể. Theo tiêu chí xét danh hiệu, thì tôi đang xét về tiêu chí, lĩnh vực theo đuổi là chèo, không lấy giải thưởng của Gala cười, của vai diễn hài là danh hiệu cho người nghệ sĩ. Nếu xét về tiêu chí đó thuộc vào lĩnh vực nghệ thuật, tôi “thừa” tiêu chuẩn”.

Theo quy định mới, lần trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 là lần đầu tiên xét tặng danh hiệu vinh dự theo Nghị định của Chính phủ (các đợt xét trước đây là văn bản quy định tạm thời của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ VH-TT&DL). Cụ thể thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của lĩnh vực múa đã giảm 5 năm so với các đợt xét trước (hiện là 10 năm đối với NSƯT và 15 năm đối với NSND). Quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT đã có tính tới huy chương Bạc (đợt xét lần thứ 7 không xét huy chương Bạc). Cũng trong quy định mới nêu rõ, không quy định sau khi được tặng NSƯT phải có thời gian tối thiểu sau 5 năm mới được xét danh hiệu NSND theo đúng tinh thần “luật không quy định thì Nghị định không bắt buộc”. Các nghệ sỹ chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất từ Hội đồng cấp cơ sở.

Anh cũng cho biết, có nhiều người thắc mắc sự kiện trao tặng lần này, chính là việc hai cha con nghệ sĩ Tự Lẫm – Tự Long cùng lúc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT và xuất hiện nhiều bình luận cho thành quả “ngược đời”: Cha NSƯT, con NSND. Có câu “Hậu sinh khả úy”, và điều này đã được minh chứng. Thế nên, việc một nghệ sĩ trẻ “vượt mặt” các nghệ sĩ lớn tuổi nghề nhận danh hiệu cao nhất NSND đã khiến Tự Long từng cảm thấy khó xử. Và câu hỏi về việc một người nghệ sĩ trẻ được vinh danh danh hiệu NSND, Tự Long quan niệm: Không chỉ riêng cá nhân anh, năm nay có nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi (trường trung cấp Múa TP HCM) đạt danh hiệu NSƯT khi 30 tuổi. Trong đó, năm 2012, Tự Long đạt danh hiệu NSƯT 41 tuổi. Bố anh – nghệ sĩ Tự Lẫm đã lên “lão” nhưng đợt xét tặng năm nay cũng nhận NSƯT. Vậy như thế nào gọi là trẻ? Trẻ tuổi tác, trẻ tuổi nghề, trong khi tiêu chí xét tặng đang là các nghệ sĩ có thành tích, hẳn nhiên là chưa có nhiều đóng góp, nhưng nếu chiếu theo quy định, thì không có điều gì tranh cãi ở đây.

Không chỉ riêng Tự Long, nghệ sĩ Trung Hiếu cũng từng vấp phải luồng ý kiến trái chiều khi có trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Chia sẻ về điều này, Trung Hiếu nói rằng: Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu điện ảnh năm 1994, về công tác Nhà hát kịch Hà Nội anh đã gặt hái những thành công nhất định trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Năm 2007 vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT và năm nay cũng là nghệ sĩ trẻ nhất vinh dự nhận NSND. Bản thân tôi không làm hồ sơ, nhưng được đồng nghiệp, bạn bè thân ủng hộ vì tôi đủ mọi tiêu chuẩn. Tôi đã hoạt động 22 năm trong nghề trong khi yêu cầu là 20 năm. Từ khi đạt danh hiệu NSƯT đến khi xét duyệt tôi đã giành huy chương vàng trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, thừa cả tiêu chuẩn về huy chương. Tôi rất vui khi được Nhà nước công nhận và trao tặng danh hiệu nhưng tôi tâm niệm, danh hiệu là một chuyện nhưng làm sao để giữ danh hiệu đó trong lòng công chúng mới thực sự quan trọng.


Khi được hỏi, là quá trẻ có sợ mình bị đánh giá khi được phong tặng danh hiệu NSND. Trung Hiếu cho biết, nghệ thuật là nghề làm dâu trăm họ, được lòng người này nhưng mất lòng người kia, là chuyện bình thường, khó có thể khiến tất cả mọi người đều vừa ý với mình được. Anh quan niệm, đã là nghệ sĩ thì nên tiếp nhận mọi thông tin từ phía công chúng, ngay cả những phản hồi trái chiều.

Có những ý kiến của một số nghệ sĩ cho rằng, nên bỏ xét tặng danh hiệu thì theo Trung Hiếu, nước mình còn nghèo và nghệ sĩ cũng còn nghèo. Do vậy, danh hiệu sẽ là nguồn động lực để người làm nghệ thuật vượt qua khó khăn.

Đối với Tự Long, danh hiệu là kỳ vọng của rất nhiều nghệ sĩ làm nghề mong muốn, là động lực để họ cống hiến và được Nhà nước ghi nhận. “Chúng ta không nên học theo văn hóa phương Tây, hay một quan điểm giáo lý nào, danh hiệu cần có và là động lực cho các nghệ sĩ phấn đấu và ghi nhận”, Tự Long chia sẻ.

NSND Quốc Anh – PGĐ Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, Tự Long xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND đợt này vì cậu ấy có đầy đủ các tiêu chí về huân huy chương, thậm chí thừa cả huy chương vàng. Bên cạnh đó, Tự Long cũng nổi tiếng trong làng hài hai miền Nam – Bắc với những vai ấn tượng, cả hài lẫn chèo lẫn cả phim ảnh. Ngoài Tự Long, tôi cũng đồng ý với quan điểm của cụ nghệ sỹ Trần Hạnh là Trung Hiếu cũng rất xứng đáng.

NSND Quốc Anh cho biết thêm : “Tất nhiên, có nhiều trường hợp đưa ra hội đồng xét duyệt gây tranh cãi, có thể có những nghệ sỹ quá thừa tài năng nhưng tiêu chí huân huy chương lại không đủ mà huân huy chương lại là “thước đo” của Hội đồng bình xét các cấp. Nghiệp nghệ sỹ là “bánh đúc bày sàng”, không thể khác được. Anh diễn hay thì khán giả khen hay, anh diễn dở thì khán giả chê dở. Không ai có thể khẳng định một điều rằng tôi diễn cái nào cũng hay. Cho nên đừng có ngộ nhận mình phải là thế này, mình phải là thế khác”. Và những “tấm vé” danh hiệu chính là sự ghi nhận về đóng góp của văn nghệ sĩ cho nền nghệ thuật Việt Nam, có chăng, những tranh cãi là căn cứ để những lần xét tặng sau được công bằng hơn mà thôi.

 

Theo PL&XH

.