Nỗ lực tìm chỗ đứng cho linh vật Việt trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc, một số nhà điêu khắc đã nghiên cứu để phục dựng lại các mẫu linh vật.
Thời gian qua, trong bối cảnh những vật phẩm, linh vật như sử tử đá ngoại lai xuất hiện tràn lan trở thành một trong những vấn đề đáng quan ngại và bức xúc của dư luận, Công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 8/8/2014 về việc khuyến cáo loại bỏ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận từ nhiều tổ chức, cá nhân.
Nỗ lực tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc, một số họa sĩ, nhà điêu khắc đã nghiên cứu để phục dựng lại các mẫu linh vật, góp phần đưa công chúng đến gần hơn với hình tượng linh vật thuần Việt.
Phục dựng mẫu nghê thế kỷ 17
Chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đã đến thăm xưởng điêu khắc của Công ty CP Mỹ thuật Liên Vũ (Hà Nội), nơi đang tiến hành phục dựng một mẫu nghê thế kỷ 17. Tại đây, nghệ nhân đã hoàn thành 80% tạo hình nghê từ thời Lê bằng đất sét. Được biết, để tạo tác nên tượng Nghê này, nghệ nhân lấy nguyên mẫu từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thế kỷ 17, vốn được tạo tác bằng gỗ, phủ sơn, cao 118cm, mang dáng hình con chó, còn gọi là “khuyển nghê”.
|
Nghệ nhân phục dựng mẫu nghê thế kỷ 17 bằng đất sét |
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công ty CP Mỹ thuật Liên Vũ cho biết, ý tưởng phục dựng mẫu nghê này đến với anh khi anh được tận mắt chiêm ngưỡng các hiện vật trong triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 11/2014.
“Bản thân tôi cảm thấy ngạc nhiên trước sự phong phú của các mẫu linh vật Việt. Tất cả đều rất đẹp trong tạo hình điêu khắc cũng như mang nhiều ý nghĩa hình tượng. Từ đó, tôi đã bắt tay vào tìm mẫu, hiểu mẫu, nghiên cứu các đường nét, hoa văn để phục dựng lại tượng nghê thuần Việt từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông”, anh Vũ chia sẻ.
Ban đầu, các nghệ nhân gặp khó khăn trong chế tác vì mẫu không hoàn thiện, thiếu đuôi, nhiều đường mẫu hoa văn tạo hình bị khuyết do tác động của thời gian, của chiến tranh. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật, đặc biệt là nhờ kỹ thuật phục dựng 3D đã giúp anh cùng các nghệ nhân thực hiện tượng nghê bằng đất sét theo tỷ lệ 1:1 với nguyên mẫu.
|
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc công ty CP Mỹ thuật Liên Vũ. Ảnh: Trà Xanh |
Đánh giá về tượng nghê này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Trong thời điểm hiện nay, sự xuất hiện của mẫu nghê này rất kịp thời, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo dư luận, những người mong ngóng có một hình tượng linh vật Việt vừa thân thiện, ấm áp, gần gũi và cũng đầy đủ nội lực, sức mạnh. Đây là một mẫu mà về mặt niên đại, về mặt lai lịch, không ai có thể nghi ngờ tính chất kinh điển của nó. Được đặt ở đền thờ vua Lê Thánh Tông, nghê này có thể nói là của hoàng gia, một linh vật cung đình. Với nghiên cứu tâm huyết của anh Vũ, những hình tượng nghê như thế này hoàn toàn có triển vọng phục hồi”.
Động viên nghệ nhân phát huy linh vật Việt
Công văn 2662 đã có sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng là khẳng định của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khi chứng kiến nghệ nhân đang miệt mài chăm chút cho từng đường nét, hoa văn của bức tượng nghê tại xưởng điêu khắc của Công ty CP Mỹ thuật Liên Vũ. Đồng thời, Thứ trưởng Liên động viên, khuyến khích nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đã rất kịp thời, tâm huyết với nghề khi thực hiện mẫu nghê này.
“Chúng ta có kho tàng di sản lớn các linh vật thuần Việt rất đẹp qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê. Với sự phát triển của mỹ thuật đương đại, anh Vũ đã bảo tồn và phục dựng được mẫu nghê của nhà Lê thế kỷ 17 rất đẹp. Tôi tin tưởng các mẫu vật này sẽ được người dân hưởng ứng khi cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa hình tượng của chúng”, Thứ trưởng Liên cho biết.
|
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên. Ảnh: Trà Xanh |
Không chỉ đơn thuần phục dựng lại các mẫu nghê, xưởng điêu khắc của anh Vũ còn mong muốn trở thành chiếc cầu nối để đông đảo người dân được tiếp xúc với linh vật thuần Việt.
“Khi tôi mô phỏng con nghê này, khách hàng xem và không nghĩ là nghê Việt lại đẹp đến thế. Tôi tuyên truyền cho khách sử dụng nghê Việt trước hết bằng khuyến mãi. Một đôi nghê có thể có giá khoảng 20 triệu đồng, nhưng chỉ lấy một nửa giá. Hiện tại, xưởng đã có đơn đặt hàng của 3 công ty ở Hà Nội và Nghệ An”, anh Vũ cho biết.
Theo anh Vũ kể từ sau công văn 2662, lượng khách đặt hàng các linh vật ngoại lai đã chững lại. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi, vậy linh vật Việt Nam là gì? Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy người dân đã bắt đầu quan tâm đến bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng lại gây khó khăn cho không ít làng nghề trước đây vốn chủ yếu sản xuất linh vật ngoại lại khi lâm vào cảnh ế ẩm. Tuy nhiên, anh Vũ tin rằng sau khi mọi người hiểu rõ ý nghĩa của các linh vật thuần Việt, nhận thức thay đổi và công việc của các làng nghề sẽ hoạt động sôi nổi trở lại.
“Mỗi linh vật cổ là một mẫu ‘gen’ quý cần được bảo tồn. Từ đó nhân rộng ra, phát huy, phát triển rộng rãi di sản này, tạo cho chúng những diện mạo mới để phù hợp với cuộc sống đương đại”, đó là suy nghĩ của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Anh Vũ cũng khẳng định, mục tiêu của mình là phục dựng lại toàn bộ những linh vật hiện giờ đang có. Đồng thời khi thấm nhuần được phong cách thuần Việt, anh sẽ phát triển các mẫu linh vật với hình thái, chất liệu phù hợp với hiện tại./.
Theo VOV