Các đơn vị của Bộ Công an đang hướng tới xây dựng một môi trường cơ quan, doanh trại không thuốc lá, bắt đầu từ những chi tiết nhỏ mà thiết thực như loại bỏ gạt tàn, bật lửa và những vật dụng liên quan tới thuốc lá trong phòng họp và phòng làm việc.
|
Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Vì một cơ quan không khói thuốc lá
Theo thống kê, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, số lượng nam giới trưởng thành sử dụng thuốc lá lên tới 47,4% (số liệu năm 2010). Được biết, mỗi năm có khoảng 40 ngàn sinh mạng bị cướp đi vì nguyên nhân thuốc lá.
Chính vì vậy, Bộ Công an đã tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thiết thực trong phòng chống và hạn chế tác hại của thuốc lá trước thực trạng đáng báo động này, bắt đầu ngay từ trong cơ quan, doanh trại.
Bộ Công an đã tích cực triển khai công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trong toàn lực lượng, nhằm mục đích thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá tới năm 2020. Điều này đã được cụ thể hóa bằng sự ra đời của Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai Luật PCTHTL và tích cực tham gia hưởng ứng tuần lễ Quốc gia không khói thuốc.
Mang nhiệm vụ định hướng, xây dựng kế hoạch chung và chỉ đạo toàn cơ quan thực hiện một môi trường làm việc không có khói thuốc, Ban chỉ đạo bước đầu lập kế hoạch, xây dựng nội quy. Xác định đây là hoạt động lâu dài cần thời gian, song song với việc triển khai tuyên truyền chương trình, Ban chỉ đạo đồng thời thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động trên thực tiễn và ra quyết định xử lý với những trường hợp vi phạm. Được biết, phong trào sẽ huy động sự chung tay của các cấp lãnh đạo cơ quan, phòng ban, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…Ngoài ra, để chương trình thu được hiệu quả tại các cấp cơ sở, từng đơn vị bước đầu thực hiện việc khảo sát, xác định mức độ sử dụng thuốc lá trong các cơ quan để từ đó xây dựng nội quy, triển khai hành động cụ thể.
Bao gồm cam kết không sử dụng thuốc lá trong khuôn viên cơ quan, nơi làm việc; gắn biển báo “Cấm hút thuốc” tại những điểm dễ quan sát; xử phạt người vi phạm (đưa vào tiêu chuẩn bình xét thi đua cuối năm, sử dụng các quyền hạn mà cơ quan, công sở có để ban hành biện pháp buộc phải thi hành); phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát nội quy…Thêm vào đó, các đơn vị sẽ tổ chức các đợt tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và lồng ghép các chương trình thi đua, khen thưởng để khuyến khích các cá nhân, tổ chức bỏ thuốc.
Mỗi cán bộ, chiến sỹ bộ đội, công an đều tránh xa với khói thuốc
|
Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Đáng chú ý ở đây là một số thông tin đáng lo ngại được đưa ra về những “thú chơi” tương tự thuốc lá truyền thống của Việt Nam từ nước ngoài du nhập về và ngày càng được giới trẻ ưa chuộng như hút Shisha, thuốc lá điện tử... Tuy nhiên, những loại hình này đang gây hiểu nhầm hoặc đánh lừa người dùng khi vẽ nên “diện mạo” an toàn mặc dù vẫn chứa nicotine và các chất gây ung thư, mang đến những bệnh lý không hề thua kém, thậm chí hơn cả thuốc lá dù rằng những loại hình đó đã được quảng cáo là không gây nghiện, không có hại. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ khiến người sử dụng những sản phẩm này phải ngạc nhiên và lo lắng. Những loại hình này nhiều năm qua đã thu hút người dùng ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp. Thậm chí đã lan rộng trên nhiều vỉa hè, con phố làm tăng nguy cơ “hút thuốc bị động”, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe cộng đồng.
Đối với việc triển khai thực hiện công tác phòng chống khỏi thuốc này, tại địa bàn Công an các địa phương, bên cạnh việc triển khai thực hiện việc gắn biển báo, đưa ra quy định xử phạt trong nội bộ cơ quan, các đơn vị đều tổ chức lớp tập huấn phổ biến tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Từ các lớp tập huấn này sẽ hướng dẫn xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, hướng dẫn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng, phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản trong thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại đơn vị.
Tác động từ suy nghĩ dẫn đến thay đổi nhận thức, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Công an đã hướng tới việc tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm bắt đầu từ chính trong nội bộ ngành, giữa mối quan hệ đồng chí, đồng đội để từ đó tác động lan truyền tới người thân và xã hội, làm rõ nhận thức về những tác hại của thuốc lá gây ra và xây dựng môi trường làm việc và gia đình an toàn không khói thuốc lá.
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điều 92 nêu rõ, lực lượng Công an nhân dân có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Thùy Hương (t/h)