Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút của mình bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt năm 1968. Ngay từ khi mới ra đời, tập thơ đã chiếm được rất nhiều cảm tình của bạn đọc trong và ngoài giới, cái tên "Lưu Quang Vũ" lập tức thu hút sự chú ý của các nhà phê bình danh tiếng. 

 
Hoài Thanh bằng một dự cảm tinh tường đã gọi anh là "một cây bút nhiều triển vọng" và thơ anh "là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu". Lê Đình Kỵ với sự nhạy cảm sắc sảo của một cây bút phê bình thơ tài hoa đã nhận ra rằng "Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng". Nội lực và sức sáng tạo dồi dào của anh tiếp tục được bộc lộ qua Mây trắng của đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) - hai tập thơ xuất bản sau khi anh đã qua đời. Với hành trình sáng tác hơn 20 năm, khoảng thời gian chưa dài nhưng Lưu Quang Vũ thực sự đã là một thi sĩ tài năng, một cá tính thơ độc đáo trong dòng thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.
 
Sau Hương cây, trong khoảng 10 năm, cuộc đời Lưu Quang Vũ rơi vào tình cảnh long đong, lận đận, có những lúc anh đã "chạm vào bế tắc". Hôn nhân đầu tan vỡ, rời quân ngũ, quá nhọc nhằn trong kế mưu sinh, cuộc sống vật chất hàng ngày lâm vào thiếu thốn... Thêm vào đó, chiến tranh càng ngày càng thêm nhiều hy sinh xương máu. Cùng một lúc, tâm hồn đa cảm và có phần yếu đuối của anh phải gánh chịu cả nỗi đau và sự mất mát từ hai phía riêng chung. Dễ hiểu vì sao thời kỳ này thơ anh có nhiều khoảng u ám, nặng nề. Thay vì lối cảm xúc tươi trong, hồn hậu là mối hoài nghi, hoang mang trước gia cảnh và thời thế:
 
"Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu"
 
Nhưng ở một góc độ khác, đây chính là một đoạn đời đầy ý nghĩa đối với quá trình sáng tạo của anh. Kinh nghiệm cho thấy nhiều khi những nỗi bất hạnh, những mất mát của đời sống ập đến bất ngờ ngoài mong đợi của con người lại là nơi bắt đầu của những khám phá nghệ thuật mới. Lưu Quang Vũ là một số phận thi ca rất tiêu biểu cho nghịch lý này. Nếu trước kia, thơ anh bàng bạc một sắc nắng tươi trong, một màu xanh biếc, "những chân trời màu hồng, những chân trời màu tím"... thì đến lúc này anh viết nhiều về mưa. Không gian thơ anh có nhiều khoảng bị bao bọc trong màn mưa, "mưa mịt mù", "mưa xám", "mưa đen": "Thành phố nghèo mù mịt mưa rơi/ Cánh hoa nhoè trong mưa tơi tả; Chiều nay bốn bề mưa xám; Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ...”. Tâm trạng bi quan này đã từng được anh thổ lộ qua hình ảnh lạ lùng: "Một ngày người ta uống/ Bao nhiêu đen tối vào người" (Cà fê). Thành phố quê hương, nơi lưu giữ những kỷ niệm tình yêu và tuổi trẻ, giờ chỉ là nỗi xót xa:
 
"Thành phố thời anh 17 tuổi
Viển vông, cay đắng, u buồn".
 
Song, chính những nếm trải ấm lạnh của thế thái nhân tình, những bài học đầu đời, cái giá phải trả cho những say mê, nông nổi của tuổi trẻ đã giúp Lưu Quang Vũ nhận thức sâu sắc hơn về đời sống, con người. Những chuyển đổi mạnh mẽ trong đời sống tâm hồn và tư duy nghệ thuật xuất hiện. Biểu hiện trước tiên là từ tình cảm quê hương đất nước, anh đã bắt sâu hơn vào cảm hứng dân tộc, nhân dân. 
 
"Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin người đừng trách giận Việt Nam ơi"
 
Những Việt Nam ơi, Đất nước đàn bầu, Giấc mộng đêm, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi và một số bài thơ khác trong Mây trắng của đời tôi và Bầy ong trong đêm sâu được viết với một cường độ cảm xúc mạnh mẽ, mạch thơ phóng túng, lời thơ có cái hào hùng của âm hưởng sử thi. 
Chiến tranh, chết chóc và huỷ diệt, lại thêm nỗi đói nghèo khốn khổ chồng chất, những mặt trái của đời sống phô bày... Trên dặm dài đất nước, ánh sáng dường như đang lụi dần. Chất liệu thơ là sự chắt lọc từ những hình ảnh, chi tiết của đời sống hàng ngày. Anh viết dung dị và chân thực hơn trước nhiều: "Những áo quần rách rưới/ Những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu/ Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ/ Lèo tèo mì luộc canh rau".... Nhiều lúc cứ ngỡ như là một sự ghi chép tình cờ, nhưng đến câu kết mới bật lên sức lay động tận tâm can:
 
"Những chiếc xe tăng đi qua
Những khẩu súng đi qua
Những người lính đi qua
Chẳng có gì cùng ta ở lại"
 
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng"
 
Nhưng có lúc chỉ từ những nét trần trụi đời thường, những câu chuyện lan man không đầu không cuối về chiến tranh, bom đạn, anh vẫn tạo nên những liên tưởng bất ngờ:
 
"Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau"
 
Đối với bất cứ một dân tộc nào, chiến tranh là hiểm hoạ, là tổn thất nặng nề mà mọi cố gắng bù đắp của con người chỉ có thể xoa dịu chứ không thể làm lành vết thương khủng khiếp đó. Là một tâm hồn nhạy cảm với đau buồn, mất mát, ngay từ giữa cuộc chiến, Lưu Quang Vũ đã cảm nhận khá đủ đầy không chỉ ở cái nhộn nhạo, rối ren, lộn xộn như "cuốn sách xếp lầm trang" mà sâu xa hơn, là những nghịch lý, phi lý rất dễ nẩy sinh từ đời sống chiến tranh. Anh hiểu ngay rằng chính nhân dân là người phải gánh chịu tất cả. Qua mười năm chìm nổi, lặn sâu xuống tận cùng nỗi đau với nhân dân, tâm trí anh luôn quay cuồng vì một câu hỏi lớn: "Đến bao giờ, đến bao giờ nữa Việt Nam ơi?". "Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về"... Điều kỳ diệu là qua cuộc hành trình máu lửa, hướng cảm hứng sáng tạo về phía nhân dân, gắn bó cuộc đời mình với số phận dân tộc, hồn thơ Lưu Quang Vũ đã lớn lên rất nhiều. Chưa bao giờ có trong thơ anh một tình yêu tổ quốc máu thịt - hiện thân của sự sống - như lúc này:
 
"Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào ngọn cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người…
Xin người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin người đừng ghẻ lạnh Việt Nam ơi
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người".
 
Qua ba tập thơ, Lưu Quang Vũ đã tạo lập được một thế giới nghệ thuật của riêng mình. Ở đó có một cái tôi trữ tình luôn luôn vận động với nhiều giai điệu cảm xúc, vừa rất đằm thắm, riêng tư, vừa nóng bỏng nhiệt hứng công dân, vừa yêu lại đau đời... Ở đó lung linh ẩn hiện những miền không - thời gian thấm đẫm chất thơ, ký ức và hoài niệm... và ở đó ẩn chứa lớp lớp ngôn từ giàu sắc màu hội hoạ, ấn tượng, gợi cảm nhưng cũng giàu chất suy tưởng... 
 
 
Trung Hoa 
Lưu Quang Vũ
 
Gió bấc thổi từ xứ xa 
Bên kia núi cao sừng sững 
Trung Hoa. 
 
Trung Hoa của tuổi thơ 
Tiếng ngựa hí đêm khuya 
Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết 
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc 
Não bạt thanh la xủng xoẻng 
Dữ tợn mà sầu thương. 
 
Bờ sông trắng hoa dương 
Chia ly buồn đứt ruột 
Dậm chân hát mà từ biệt 
Đường thì vằng vặc. 
 
Ào ạt Hoàng Hà 
Quán núi đêm hàn rượu nóng 
Vạt áo xanh giang hồ 
Những mắt xếch Võ Tòng 
Những đầm sâu Thuỷ Hử 
Người đi như nước đông như cỏ 
Sáng suốt và tối tăm 
Uyên thâm mà nhẹ dạ 
Tin ngay mọi điều, dám làm tất cả 
Cái người Tàu kỳ lạ 
Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya... 
 
Lòng kiên nhẫn của người 
Trải ra trên mặt đất 
Ở bất cứ nơi nào có khói 
Trung Hoa 
Nét bút vờn như cánh hạc vút qua 
Lóng lánh tay ngà rượu đỏ 
Bể thịt rừng xương Kiệt Trụ 
Những hôn quân bạo chúa 
Những hoàng hậu hồ tinh 
Những anh gàn và những triết nhân 
Hái rau vi, mơ giấc bướm 
Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Lý Bạch. 
 
Trung Hoa đói rách 
Xác người chết trận trắng xương phơi. 
Trung Hoa tuổi thơ tôi 
Đâu phải chỉ bầy ngựa dữ 
Đêm lửa đuốc Chi Lăng 
Gò Đống Đa vùi xác vạn quân Thanh 
Nhưng Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống... 
Không ngăn nổi lòng tôi yêu bác Võ Tòng 
 
Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng 
Như sóng biển không ngừng một phút 
Dưới liễu xanh, lũ quỉ đổi thay màu 
Trong chiêng trống, tiếng loa gào thét 
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng 
Trung Hoa muốn gì 
Nhân dân đi về đâu? 
 
Đêm nay 
Trang sách tuổi thơ đưa tôi gặp lại 
Gian nhà nhỏ ven thành 
Vách lủng lẳng cỏ khô, lá thuốc 
Một người đầu trọc 
Áo bông đen khuy vải cũ sờn 
Một người không râu lừng lững ngồi im 
Giữa hũ lọ, mực tàu, chăn rách 
Chồng sách dầy, đĩa đèn dầu leo lắt 
Tuyết rơi trắng xoá ngoài thềm 
Tư Mã Thiên 
Một mình ngồi thức 
Tư Mã Thiên mắt nhìn sáng quắc 
Hiểu đời, hiểu nước, hiểu dân mình 
Một ông Tư Mã Thiên 
Ngàn ông Tư Mã Thiên 
Muôn ngòi bút uy nghiêm 
Đang ghi sâu mọi việc 
"Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát 
Mọi ngai vàng, theo lửa hóa tro than..." 
 
Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương 
Mai tan hết mây mù mưa xám 
Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch 
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu...
 

Lý Hoài Thu

 

.