Chuyện thật trăm phần trăm, nhưng kể ra, thanh niên thời nay chắc nhiều người không tin.... Cũng có những điều tế nhị...

 

 

Thân mẫu chàng trai là em ruột bố tôi, nên tôi được gọi bằng “anh”, mặc dù khi tôi oe oe chào đời thì “cậu em” Lê Hữu Quán đã là cán bộ Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hương Sơn (Nghệ Tĩnh)…

 

Chuyện tình đẹp như mơ, ông kể lại cho tôi khi đã ngoài tám mươi tuổi. “Chuyện thật trăm phần trăm, nhưng kể ra, thanh niên thời nay chắc nhiều người không tin... Cũng có những điều tế nhị...”

 

Thế là ông kể vắn tắt cho tôi nghe câu chuyện tình trên đất Thái Lan từ nửa thế kỷ trước. Điều “tế nhị” khiến ông chưa muốn công khai mối tình đầu thời trẻ là vì người con gái hồi ấy, nay đã thành một “đại phu nhân”. Đến nay, vị “lãnh đạo cao cấp” đã ở “cõi khác”, còn “đại phu nhân” nghe đâu gần trăm tuổi, nếu con cháu có đọc cho cụ nghe “mối tình đầu” thuở đôi mươi, hẳn là bà cụ cũng vui với chút “hương xưa” không dễ tìm được ở thời nay.

 

Với ông Quán, đây cũng là mối tình đầu, mặc dù lúc ấy, ông đã 34 tuổi. Sau khi ông vào Đảng thì giặc Pháp đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cách mạng thoái trào, rồi tù đày, rồi những trọng trách phải gánh vác, nên những năm tuổi trẻ, hầu như ông không hề nghĩ đến chuyện yêu đương. Tháng 6/1942, sau khi bị xử 20 năm khổ sai, ông bị giải đi nhà tù Sơn La...

 

Năm 1944, sau vụ vượt ngục của các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân... bọn thực dân Pháp đưa 130 người có án tù 15 năm trở lên ra Côn Đảo... Cho đến ngày 22/9/1945, ông cùng trên 2.000 tù chính trị được tàu Phú Quốc và 20 ghe thuyền chở về với đất mẹ... Lần đầu trong đời, ông Quán được biết hương vị vùng đất miền Nam và ít lâu sau, có duyên gặp gỡ với người con gái vào loại ưu tú nhất của vùng đất này.

 

Vì sự “tế nhị”, xin được gọi cô là Hoa, cái tên cũng gần gũi với tên thật của cô. Năm 1940, lúc mới 22 tuổi, cô đã là quyền bí thư tỉnh ủy một tỉnh ở Nam bộ, rồi thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ, bị tù ở khám Chí Hòa, rồi cùng một số chị em vượt ngục tiếp tục hoạt động, khi Nhật đảo chính Pháp...

 

Còn ông, sau một tuần nghỉ ngơi, ngày 30/9/1945, được tổ chức phân công làm Chủ nhiệm chính trị trong Ban tham mưu mặt trận Cần Thơ. Cuối tháng 4/1946, Xứ ủy Nam kỳ chủ trương cho một số cán bộ quê miền Bắc từng bị tù ở Côn Đảo được về thăm gia đình. Cách đi nhanh hơn cả là ngược sông Cửu Long lên Bangkok (Thái Lan), rồi qua Thakhet về Vinh. Trong ngôi chùa Cụ Ba trên đất Thái (Cụ Ba từng tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, khi phong trào bị đàn áp, cụ phải lánh sang Thái rồi vào chùa tu), ông Lê Hữu Quán đã gặp các đồng chí Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Giàu, Trần Công Tường... đang chờ dịp thuận tiện để ra chiến khu Việt Bắc.

 

Ông Quán thì tiếp tục đi lên Na Khon, một tỉnh ở Đông Bắc Thái. Đồng chí Nguyễn Nhu, nguyên là Bí thư Xứ ủy Ai Lao 1944-1945, đưa ông tới một căn nhà sàn của kiều bào ở làng Bạn Mạy. “Duyên kỳ ngộ” bắt đầu từ đây. Một cô gái miền Nam tóc búi tó, mặc áo bà ba đen đón ông bên gốc khế trước sân. Chị là đại biểu ra Hà Nội dự kỳ họp Quốc hội khóa I như các đồng chí mà ông Quán vừa gặp trong chùa Cụ Ba đang bị kẹt chưa đi được. Có thể là “tổ chức” tạo cảnh “vợ chồng giả” để che mắt mật thám, hoặc muốn “ghép đôi” ông với chị Hoa, nên đã bố trí cho hai người ở chung. Hồi đó, nhiều cặp đã nên vợ nên chồng như thế.

 

Chị Hoa là cán bộ đã từng trải nên hai người sau khi tự giới thiệu “lý lịch” là đã có thể chuyện trò tin cậy với nhau; chỉ trên tình đồng chí thôi, còn tình trai gái thì mãi về sau...

 

Qua một tuần, chị Hoa vào Oudon  thăm vợ đồng chí Nguyễn Tạo (về sau làm Bộ trưởng Lao động); khi chị trở lại, từ trên gác nhà sàn nhìn xuống, ông Quán cứ tưởng là một tiểu thư nào! Mái tóc đen nhánh đã uốn cong, bộ bà ba đã được thay bằng áo sơ mi trắng cộc tay và váy đầm, tay xách giỏ, tay cầm dù. Ít lâu sau gặp anh Nguyễn Văn Tạo ở Bangkok, anh ấy cười bảo: “Con Hoa mà chưa chịu lấy chồng thì thanh niên Nam bộ chưa đứa nào lấy vợ!”.

 

Vậy mà ông Quán được “trời” cho ở chung với cô gái đó suốt tuần này sang tuần khác để lo công tác cách mạng. Những ngày này, ông Quán cũng đã thay “lốt”; anh Dung thợ may kiều bào may cho ông bộ đồ mới và mua tặng ông đôi xăng đan. Mỗi lúc đi bên nhau, chị Hoa không ngại ngùng nắm tay ông, có lúc còn khoác tay nhau, cùng che dù cho đỡ nắng, ai thấy cũng trầm trồ khen là đẹp đôi. Đến lúc này thì trái tim “sắt đá” của chàng trai Xô Viết Nghệ Tĩnh đã rung động.

 

Cuối tháng 7/1946, đoàn Nam bộ được lệnh đi theo đường biển để ra Bắc. Ông Quán tiễn chị Hoa vào tới Bangkok. Đêm nghỉ lại nhà ga tỉnh Khorat, hai người đi thuê buồng trọ; ông bảo thuê buồng có hai giường, nhưng chị Hoa cười nói: “Một giường đôi thì sao?”. Hai người đã sống chung mấy tháng bên nhau mà “chẳng sao” thì một đêm trước ngày chia tay, nằm gần nhau trò chuyện có khi lại được giấc ngủ ngon. Quả nhiên, sau khi đi ăn cơm tiệm, dạo phố một lúc, trở về buồng trọ, ông nằm xuống là ngủ ngay. Ông không biết lúc ngủ say có gác chân, gác tay lên chị không, chứ vào quãng 3 giờ sáng, ông thức giấc và chợt thấy một bên chân bị đè nặng. Chị Hoa nắm chặt tay ông và nói:

 

- Thanh niên, có ai như anh...


Trong lòng xao xuyến, nhưng ông vẫn làm bộ cứng cỏi:


- Quả tim tôi cũng máu thịt như ai, nhưng tôi không muốn làm gì tổn thương tới mối tình cao đẹp của chúng ta.

 

Thế rồi tay trong tay, hai người hàn huyên tới lúc mặt trời chiếu qua rèm cửa mới vội vàng dậy để kịp ra ga lên tàu. Ở Bangkok, trước ngày chia tay, hai người trao tặng ảnh kỷ niệm cho nhau, hẹn ngày gặp lại. Những nỗi niềm không nói nên lời được, ông Quán đã viết kín 47 trang cuốn vở tặng chị Hoa. Còn chị thì tặng ông tất cả thuốc men đi đường, cả 800 đồng bạc Đông Dương nữa. Ông từ chối mấy cũng không được, đành phải nhận.

 

Tạm biệt chị Hoa, ông Quán trở lại Đông Bắc Thái. Phong trào kiều bào ngày một phát triển và việc mở mặt trận Lào-Miên sau ngày toàn quốc kháng chiến đã giữ chân ông Lê Hữu Quán trên đất Thái suốt 5 năm. Ông là người đã tổ chức chi đội Trần Phú, sau khi kéo về nước đã đặt tên là tiểu đoàn 307, một đơn vị từng làm giặc Pháp khiếp sợ. Cuối năm 1946, ông được cử làm Bí thư Đặc ủy (Đảng bộ đặc biệt Đảng Cộng sản Đông Dương ở hải ngoại), kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh mặt trận Lào-Miên. Năm 1948, khi tổ chức Việt kiều ở Thái Lan ra công khai đổi tên thành “Hội Việt kiều cứu tế”, ông được bầu làm Chủ tịch hội với tên mới là Trần Văn An...

 

Những hoạt động phong phú, có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cuộc kháng chiến chống Pháp trong nước của mặt trận Lào-Miên với hậu phương trực tiếp là kiều bào ở Thái Lan xứng đáng là đề tài của một cuốn sách. Ngày ông qua đời (đầu năm 2000), câu đối được họ tộc Lê-Hữu ở Hà Nội chọn thêu lên bức trướng là câu đối của bà Thiếu Anh - con gái cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm - người đã thăm ông trong nhà lao Hà Tĩnh năm xưa: “Thời đi học: thường lo dân đói khổ - Sự nghiệp thành: đâu nghĩ đến công danh”. Vậy nên ở đây xin không kể lể công lao của ông trong giai đoạn hoạt động đặc biệt này. Chỉ biết là công việc cuốn hút, ông chẳng có cơ hội để gặp lại “người tình”.

 

Chiến tranh ngày một ác liệt, người con gái thì chỉ một thời xuân. Và thế là tháng 7/1948, từ Oudon, ông Quán nhận được tin chị Hoa đã lấy chồng. Ông cũng hẫng đi một chút, nhưng rồi mừng cho chị đã có được người bạn đời xứng đáng....

 

Không biết là ngẫu nhiên hay “duyên trời” sắp đặt, năm tháng sau, “tổ chức” làm mối cho ông một người trùng tên với chị, lúc đó là cán bộ phụ vận của Hội Việt kiều. Tình cờ, thân mẫu của chị cùng quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) với ông Quán.

 

Chuyến về thăm nhà của ông, mãi đến hơn bốn năm sau mới được thực hiện. Đó là khi ông thay mặt Đảng bộ kiều bào về dự Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng. Theo sự phân công của tổ chức, từ đó ông ở lại miền Bắc làm công tác ngoại giao, những năm trước khi về hưu là đại sứ nước ta tại một số nước ở Đông Âu… Sau ngày đất nước thống nhất, họ đã gặp lại nhau trong tình đồng chí thân thiết. Tuy vậy, dư âm “mối tình cao đẹp” không hề bị tổn thương ngày xưa hẳn cũng thấp thoáng nơi ánh mắt, nụ cười...

 

Theo Nguyễn Khắc Phê (PNO)

.