Lấy quốc gia làm trọng, không nghe lời vợ khuyên truyền ngôi cho người con bất tài, kém đức. Chính vì thế mà Lý Anh Tông được sử sách khen ngợi.

 


Long Xưởng bị phế, Lý Anh Tông chọn con thứ là Long Cán lập làm Thái tử khi mới hơn 1 tuổi. Tháng 7 năm Ất Mùi (1175) Lý Anh Tông mất, Thái tử lên kế vị (tức Lý Cao Tông), mẹ đẻ là Đỗ Thụy Châu được tôn làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu, buông rèm nhiếp chính.

Sử chép, thấy vua còn bé, Thái hậu lại mưu tính phế lập, sợ Tô Hiến Thành không theo, bèn đem vàng đút lót cho vợ ông để mua chuộc… Thái hậu lại vời Hiến Thành đến khuyên dỗ nhiều lần nhưng ông trả lời:

- Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, có lẽ nào hạng trung thần, nghĩa sĩ lại vui lòng mà làm được, huống chi lời tiên đế hãy còn văng vẳng bên tai! Thái hậu chẳng nghe nói về chuyện Y Doãn và Hoắc Quang đấy ư? Tôi đây không dám vâng lời.

Không rõ Thái hậu này là ai, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục suy đoán: “Về việc này sử cũ trên chép là "hoàng hậu" dưới chép là "thái hậu", cùng với "Chiêu Linh thái hậu" đã chép ở năm Trinh Phù thứ 3 (1178) đều không có họ, có lẽ cùng là một người mà sử cũ không chép được kỹ đó thôi”.

Nếu đúng là Chiêu Linh thái hậu thì bà hoàng họ Lê này chính là mẹ của Lý Anh Tông, là bà nội của Lý Cao Tông. Khi Long Trát lên ngôi, Lê Thái hậu được tôn là Thái hoàng Thái hậu Chiêu Linh (có sách chép là Linh Chiếu), bà nhiều lần khuyên các đại thần lập phế Cao Tông để lập Long Xưởng làm vua nhưng triều thần đứng đầu là Tô Hiến Thành đã kiên quyết làm theo di chiếu của Lý Anh Tông.

Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), Thái úy Tô Hiến Thành mất, một quan phụ chính khác là Lý Kính Tu lên thay chức vụ. Đến năm Nhâm Dần (1182) ông này được ban danh hiệu đế sư (thày của vua), sử viết: “Kính Tu trong thì hầu vua ở nơi màn trướng, ngoài thì dạy dân theo đạo trung hiếu. Từ đó, Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm tính chuyện phế lập nữa” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
 

Theo PNO
.