Tờ mờ sáng, anh Cách lọ mọ dậy nấu bữa sáng cho con, giặt giũ đống đồ từ hôm qua để lại và nấu cám cho đàn lợn đang đòi ăn réo rắt trong chuồng.

 
Hơn 10 năm qua, kể từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, anh Bùi Văn Cách ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn (Nghệ An), phải làm thay nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình.
Khoảng 3h sáng, khi các con đang ngủ ngon giấc, một mình anh dậy lọ mọ nhen lửa, nấu cơm, nấu cám lợn rồi giặt giũ đống quần áo từ hôm qua để lại. Đến 5h30, khi các con ngủ dậy, anh lại thúc giục từng đứa vào ăn cơm sáng để đi học còn mình thì thái rau, bưng cám cho đàn lợn đang kêu tru tréo trong nhà.
 
Từ hơn 10 năm nay, anh Cách phải làm thay công việc của một người vợ. Ảnh: Nguyên Khoa.
Từ hơn 10 năm nay, anh Cách phải làm thay công việc của một người vợ. Ảnh: Nguyên Khoa.
Xong xuôi mọi việc trâu bò, lợn gà, người đàn ông hơn 40 tuổi lại vào nhà, bón cơm cho ông bố 80 tuổi mù lòa đang ngồi bất động trong góc nhà lớn.
 
Gia đình khó khăn, nhìn đàn con nheo nhóc không có nơi bấu víu về kinh tế, năm 2002, anh Cách bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Hường quyết tâm vay mượn tiền bạc, sang Đài Loan xuất khẩu lao động với ước mơ vượt nghèo. Bỏ lại cậu con trai út Bùi Văn Tân gần 1 tuổi chưa quên mùi sữa mẹ, chị Hường tạm biệt chồng con, lên đường sang Đài Loan. Ngày đầu tiên xa mẹ, cậu bé Tân khóc réo rắt vì thèm sữa, các anh chị của Tân đứa lên 3, đứa lên 5 cũng bỏ ăn vì nhớ mẹ.
 
Chấp nhận sự trống vắng đến nao lòng, anh Cách cố gắng động viên các con bằng cách vay tiền mua quà bánh rồi nói dối là tối mẹ mới về. "Nhiều hôm đang ngủ, cháu Tân khóc đòi mẹ, tôi phải nói với cháu là sáng mai mẹ về. Đến sáng không thấy mẹ đâu, tôi lại loanh quanh rằng mẹ đã về, mua kẹo cho cu Tân nhưng thấy Tân đang ngủ say nên lại đi rồi", anh Cách tâm sự về những ngày đầu tiên xa vợ.
 
Từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động, một mình anh chạy vạy làm lụng đủ thứ, vừa phải làm bố, vừa làm mẹ cho cho đàn con nheo nhóc. Thấm thoắt cũng hơn 10 năm, cậu bé Tân ngày nào đã trở thành nam sinh lớp 4, Tân và các chị em trong nhà hiểu được nỗi buồn xa mẹ nên cố gắng giúp bố đỡ đần việc nhà cửa.
Cũng như anh Cách, từ gần 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Huyền cũng làm thay việc của người vợ từ chuyện ăn uống, giặt giũ cho 3 đứa con đến việc đồng áng, lợn gà rồi chợ búa, sắm sửa trong nhà. Anh Huyền cho biết hầu như cả làng này nhà nào cũng có người đi xuất khẩu lao động nên việc các ông chồng làm thay việc của vợ là điều đương nhiên.
 
Những ngày thu hoạch lúa mùa, trong khi ở các làng quê khác, đàn ông tuốt lúa, đàn bà rủ rơm, phơi rạ thì ở xã Hồng Long, chỉ rặt bóng đàn ông, người già và trẻ nhỏ.
 
Vừa hì hục đẩy xe bò chở lúa về nhà, cậu bé Nguyễn Ngọc Vinh đã vội đội nón đi chở rơm trên bờ đê. Từ nhỏ, 3 chị em Vinh đã chịu cảnh mồ côi bố. Để có tiền làm lại căn nhà dột nát, mẹ của các em là chị Nguyễn Thị Ngọc đã phải đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, để lại 3 đứa cháu cho bà nội già yếu chăm sóc. Từ ngày con dâu đi làm ăn xa, cụ bà trở thành mẹ bất đắc dĩ cho đàn cháu nhỏ.
 
Trên con đường nhỏ ra bờ đê tả Lam, hàng chục đứa trẻ như Vinh, Tân vừa hăng say làm việc vừa vô tư nô đùa, đứa nào cũng gầy gò, xanh xao, tóc vàng hoe, đôi mắt đượm buồn vì nhớ mẹ.
 
Nhiều ngôi nhà trong làng dù khang trang nhưng vắng bóng phụ nữ. Ảnh: Nguyên Khoa.
Nhiều ngôi nhà trong làng dù khang trang nhưng vắng bóng phụ nữ. Ảnh: Nguyên Khoa.
Theo thống kê, các xóm 3, 4, 5 của xã Hồng Long huyện Nam Đàn (Nghệ An) cứ 3 hộ thì có 2 gia đình có người đi xuất khẩu lao động. Cả 3 xóm có tới 165 phụ nữ đi làm việc ở Đài Loan, Malaysia. Nhiều gia đình có vợ đi từ hơn 10 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, từ chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa đến việc đồng áng đều do đấng mày râu đảm nhận.
Trong làng, thỉnh thoảng lại bắt gặp những kiốt bán hàng tạp hóa do các bà cụ bày bán, đây cũng là địa điểm lui tới thường xuyên của những người đàn ông xa vợ.
"Không có thời gian đi chợ xa, chúng tôi phải tranh thủ mua đồ ăn thức uống và các vật dụng hàng ngày ở những ki ốt này", một người đàn ông vào mua chai nước mắm trò chuyện.
Việc các bà vợ đi xuất khẩu lao động đã khiến Hồng Long thay da đổi thịt từng ngày, những mái nhà ngói mới, cao tầng mọc lên, đường làng, ngõ xóm cũng phong quan hơn trước.
Gia đình anh Bùi Văn Cách, từ mái nhà tranh tre nay cũng đã xây cất được ngôi nhà ngói, nhiều hộ gia đình khác cũng mua sắm được thêm nhiều đồ đạc nhờ tiền vợ gửi về từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ tịch UBND xã Hồng Long cho rằng, địa phương này nằm sát bờ đê sông Lam, thiếu đất sản xuất nên việc chị em phụ nữ đi xuất khẩu lao động từ lâu đã trở thành một hướng đi giảm nghèo trong xã.
Dù xa vợ đằng đẵng cả năm trời nhưng ở Hồng Long không có chuyện gia đình tan vỡ, vợ chồng bỏ nhau. Anh Nguyễn Ngọc Cẩn, trưởng xóm 3 cho biết, từ hơn 10 năm nay ở địa phương này chưa hề xảy ra vụ li hôn nào, các bà vợ đi xuất khẩu đều rất tin tưởng ở chồng mình nên đều đặn gửi tiền về nuôi con, chuyện gái gú, bồ bịch cờ bạc rượu chè cũng chưa từng xuất hiện ở Hồng Long.
Anh Bùi Văn Cách cũng rất tự hào về người vợ tần tảo của mình: "Hi sinh đời bố mẹ để củng cố đời con, mẹ nó đi làm lụng ở xứ người cũng vất vả, cơ cực lắm nên bố con chúng tôi ở nhà cũng phải cố gắng thôi".
 
Ngày mùa, ở làng chỉ có đàn ông và trẻ nhỏ làm việc. Ảnh: Nguyên Khoa.
Ngày mùa, ở làng chỉ có đàn ông và trẻ nhỏ làm việc. Ảnh: Nguyên Khoa.
Nói đến chuyện tế nhị khi xa vợ, những người đàn ông ở Hồng Long chỉ tủm tỉm cười. "Xa vợ lâu quá cũng quen rồi, giờ có internet, điện thoại nên được gặp vợ liên tục. Mỗi khi nhớ vợ quá, anh em trong làng tụ tập nhau lại mần vài chén rượu với củ lạc rang là về nhà ngủ ngon lành", một người đàn ông cười sảng khoái.
Nói về câu chuyện đi xuất khẩu ở làng Hồng Long, một cụ bà trong làng cho biết, dù có tiền thật, làng quê đã đổi mới nhờ tiền ở nước ngoài nhưng làng quê cứ thiêu thiếu một cái gì đó. Nhà cửa khang trang nhưng vẫn không ngăn nắp và thương nhất là những đứa trẻ xa mẹ. "Nhiều người đi xuất khẩu trở về, con không nhận ra mẹ nữa, nhiều cháu nhỏ cứ nửa đêm đang ngủ cũng giật mình thon thót hỏi mẹ bao giờ về", cụ bà thở dài ngao ngán.
 
Theo Nguyên Khoa
VnExpress