Ngày 27/1, Sở VHTT&DL Bắc Ninh đã giới thiệu kế hoạch tổ chức các chương trình Lễ hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2016. Trong đó câu chuyện tiếp tục duy trì hay không nghi lễ “chém lợn” làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) vẫn là điều mà người dân nơi đây rất quan tâm.



Cụ thể, với kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội phường Khắc Niệm năm 2016, UBND TP. Bắc Ninh cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc nội dụng trong công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc quản lý, tổ chức lễ hội Ném Thượng (phường Khắc Niệm), trong đó yêu cầu không thực hiện tục “chém lợn”; thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2015 trong đó có yêu cầu chấm dứt các tập tục không phù hợp như “chém lợn” trong lễ hội. Theo đó, hướng giải quyết hình thức thay thế tục “chém lợn” là đưa lợn vào khu vực riêng để làm cỗ ngọc tế thánh. BTC sẽ phân công nhiệm vụ cho những người vào khu vực này để làm cỗ ngọc…

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh thì việc tuyên truyền để người dân phường Khắc Niệm chấp nhận thay đổi là một vấn đề rất khó và nhạy cảm. Mặc dù đến thời điểm này đa phần người dân phường Khắc Niệm cũng đã đồng thuận với những thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều cụ cao tuổi vẫn chưa thực sự đồng tình. Theo phân tích của các bậc cao niên thì đây là lễ hội truyền thống, gắn liền với đời sống tâm linh. Do đó lãnh đạo UBND TP Bắc Ninh cũng nhận thấy rằng, cần phải có một quá trình để người dân đồng thuận với những quyết định hành chính.

Liên quan đến câu chuyện này, chúng tôi cũng đã từng đề cập nhiều lần tới việc nhà quản lý và cộng đồng chưa thống nhất về việc thực hành nghi lễ truyền thống trong lễ hội văn hóa dân gian. Nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Theo đó cho dù đang có xu hướng “hành chính hóa” lễ hội, thì câu hỏi lớn vẫn đang được đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng. Rằng  gìn giữ nghi lễ truyền thống của hội làng, của lễ hội hay bãi bỏ tục hiến sinh? Đây cũng chính là câu hỏi từng gây tranh cãi ngay cả ở một hội nghị sơ kết cấp Bộ cách nay nửa năm.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng cho rằng những nghi lễ truyền thống vốn gắn với hội làng, gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của một vùng, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng cần được tôn trọng. Tất nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng một số nghi lễ hiến sinh cần tổ chức tế nhị và có văn hóa hơn. Trò chuyện với GS. Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), ông cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức trong lễ hội văn hóa dân gian-  hãy tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa.        

Hôm qua, cũng tại buổi công bố, BTC cũng đã giới thiệu với chủ đề lễ hội năm 2016 tỉnh Bắc Ninh là “Lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Trong đó, những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức các lễ hội  của tỉnh Bắc Ninh. Riêng về quản lý di tích đền Bà Chúa Kho, ông Nguyễn Văn Ảnh- Phó GĐ Sở VHTT&DL Bắc Ninh cam kết là  năm nay sẽ không để dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ở khu vực đền; tuyên truyền vận động du khách hạn chế đốt vàng mã tại đền mà nhập vào kho để tán lộc; sắp xếp lại khu vực nội tự cho thông thoáng hơn; không tiếp nhận đồ cúng tiên không đúng quy định vào di tích”...

Trước một mùa lễ hội mới đang về, hi vọng tất cả những quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa trong mùa lễ hội, cũng như việc gìn giữ trật tự an toàn, văn minh ở những lễ hội đông người trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ được chính quyền, người dân địa phương và du khách thực hiện tốt như mong muốn.   

 

Theo Đại đoàn kết

.