(BVPL) - Từ thành phố Huế, chiếc xe U-oát chở chúng tôi dọc theo tuyến đường 12 băng qua nhiều rừng cây bạt ngàn, cùng những cánh đồi trọc lô nhô, những triền dốc, những cầu vực, góc cua khúc khuỷu. Phải mất gần ba tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được huyện A Lưới, để mở đầu cho một chuyến điền dã hành hương về cội nguồn, về với những kỳ tích lịch sử của một thời oanh liệt trên tuyến Trường Sơn huyền thoại như: đèo Pê Ke, đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi Thịt Băm...
Nhớ Trường Sơn
Chúng tôi đến A Lưới cùng với đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế và cán bộ chiến sỹ đóng quân ở A Lưới trong đợt khảo sát và lập hồ sơ di tích lịch sử của vùng căn cứ kháng chiến xưa. Đây là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận giải phóng Trị Thiên, nơi con đường hành lang chiến lược, con đường thần kỳ Trường Sơn năm xưa nay mang tên Hồ Chí Minh đi qua. Nơi sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc miền núi như: A Nam, Kan Lịch, Hồ Vai…, và cũng là nơi có nhiều địa danh lịch sử với những tên núi, tên sông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi vào lịch sử.
A Lưới là huyện có nhiều dân tộc sống xen kẽ vào nhau như: Tà Ôi, Cờ Tu, Pa Hy, Kinh, Vân Kiều…, nhưng chủ yếu vẫn là dân tộc Tà Ôi. Họ sinh cơ, lập nghiệp lâu đời trên các thung lũng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Họ tự hào về tên gọi Pa Cô thay cho tiếng Tà Ôi của dân tộc mình (Pa có nghĩa là phía, Cô là núi cao). Và một điều nữa cũng rất đáng để họ tự hào, đó là truyền thống đánh giặc trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Chúng tôi theo xe đi dọc đoạn đường Trường Sơn - con đường mang tên Hồ Chí Minh để khảo sát các địa điểm di tích, các tuyến đường mòn 71, 72, 73, 74 mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Nếu không tính tổng chiều dài các nhánh rẽ về đồng bằng của 4 con đường 71, 72, 73, 74 và tuyến đường Tây Trường Sơn từ Lào sang, thì đoạn đường mòn Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn đi qua huyện A Lưới bắt đầu từ cầu Đắc Krông (Quảng Trị) vào đến xã A Đớt (giáp Quảng Nam - Đà Nẵng) có chiều dài gần 90km. Đây là con đường vận chuyển chiến lược bằng cơ giới được mở vào năm 1968 khi Khe Sanh (Quảng Trị) giải phóng. Đi dọc theo tuyến đường này mới thấu hết nỗi nhọc nhằn, những hy sinh, mất mát cùng biết bao mồ hôi, xương máu, công sức của các đồng bào, chiến sỹ ta trên khắp mọi miền của đất nước đã đổ xuống để bảo vệ sự sống còn của con đường. Là chứng tích về một quá khứ hào hùng của dân tộc ta, dám lấy sức mạnh của ý chí, của lòng dũng cảm để đánh đổi với những vũ khí, máy móc hiện đại.
|
Thác A Nôr - trụ sở kháng chiến năm xưa, nay đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. |
Những con đường này ngày trước là vậy và hôm nay vai trò của nó cũng không kém phần quan trọng - là đầu mối giao thông liên lạc giữa huyện miền núi A Lưới về với đồng bằng, giữa đồng bào các dân tộc miền núi, vùng cao về với miền xuôi, từng bước xóa bỏ sự ngăn cách, chênh lệch về văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng để cùng nhau tiến lên trên con đường đổi mới.
Giữ vững biên cương
Từ trung tâm thị trấn A Lưới, chúng tôi đi bộ hơn ba giờ đồng hồ men theo từng lối đường mòn nhỏ xíu, vượt qua những đồi cỏ tranh um tùm để đến địa đạo Động So (nằm ở phía dưới hai ngọn đồi A So và A Túc). Đây là một hệ thống cụm, hầm địa đạo với khoảng 15 cái, phân bố ở 3 khu vực theo 3 con khe nhỏ khác nhau là khe Cứp, khe Chân Chồm và khe Tầng Hối. Trải qua nhiều đợt công kích và mưa bom của kẻ thù, nhưng các địa đạo đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên vẹn.
Rời địa đạo Động So, theo chân đoàn bộ đội Biên phòng, chúng tôi cùng lặn lội leo núi, băng suối, có lúc thì đi dọc theo dòng sông A Sáp để đến sân bay Tà Lụt, đèo Tà Lương, đồn A Sầu, đến hầm địa đạo A Dòn (nơi đặt Đài phát thanh giải phóng đầu tiên của Quân khu Trị Thiên Huế vào năm 1968) rồi đến đồn A Bia, nơi trở thành di chứng trong lịch sử của quân đội viễn chinh Hoa Kỳ mà những người lính Mỹ đã đặt tên cho nó là Đồi Thịt Băm…
Đêm trên vùng núi cao yên tĩnh, những khúc ca về Trường Sơn reo lên trong lúc chúng tôi đi xe văng vẳng mơ màng và những làn gió se lạnh từ núi rừng thổi vào. Chập chờn trong giấc ngủ mơ, chúng tôi như đang nghe thấy âm vang của tiếng cuốc xẻng mở đường Trường Sơn năm nào. Những tiếng động cơ hối hả vận chuyển hàng hóa, vũ khí chạy về phía đồng bằng để phục vụ kịp thời cho bộ đội ta tiến vào giải phóng thành phố. Vẫn văng vẳng đâu đây âm thanh tiếng hát của cô gái mở đường Trường Sơn và hình bóng, dáng dấp của những thiếu nữ Pa Cô đang múa bài Lời ru trên nương…
Ngày cuối của chuyến đi, chúng tôi đến khu vực Thác A Nôr, nơi đặt trụ sở kháng chiến của UBND xã Thượng Hùng trước đây. Và bây giờ, Thác A Nôr đã trở thành một thắng cảnh của A Lưới, đã thu hút rất nhiều thanh niên, học sinh địa phương cũng như nhiều đoàn khách công tác từ đồng bằng mỗi khi lên A Lưới đến tham quan. A Lưới hôm nay đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với sự đổi thay của đất nước. Chia tay A Lưới, chia tay một thung lũng với những tên làng, tên suối, tên sông đã thắm máu biết bao chiến sỹ, đồng bào các dân tộc, đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách trên mảnh đất rừng núi biên cương này, chúng tôi trở về xuôi, trong lòng mang theo bao cảm xúc.
Quốc Toàn