leftcenterrightdel
Tiết mục văn nghệ tái hiện chiến thắng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng.  

Tới dự buổi lễ kỷ niệm có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các lãnh đạo ban ngành địa phương. Lễ kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng năm nay được tổ chức long trọng, quy mô hơn mọi năm. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật sử thi với Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc, giải bơi thuyền chải truyền thống trên dòng sông Bạch Đằng tại khu vực bến đò cổ nhằm gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao những nỗ lực của TX Quảng Yên trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị các di sản lịch sử văn hóa danh thắng trên địa bàn, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Lễ kỷ niệm 1080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, là dịp để mọi người ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước của dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Quảng Yên cần chủ động huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả các tiềm năng của khu di tích để phát triển du lịch, góp phần xây dựng thị xã ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, TX Quảng Yên quan tâm xây dựng chiến lược truyền thông, quảng bá về sự kiện, ý nghĩa và các giá trị to lớn của khu di tích trong nước và quốc tế để các thế hệ người Việt Nam và quốc tế hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa sâu sắc của di tích, từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy mạnh mẽ giá trị di tích.

Bạch Đằng - vùng sông thiêng bậc nhất của Việt Nam, nơi dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Trận thắng đầu tiên vào năm 938, cách đây tròn 1080 năm; lần thứ 2 vào năm 981, Hoàng đế Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống, giữ yên bờ cõi và lần thứ 3 cách đây 730 năm, chỉ trong một ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288, dưới sự lãnh đạo của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hơn 600 chiến thuyền cùng 4 vạn quân giặc đã bị chôn vùi dưới lòng sông Bạch Đằng. Đại thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 được xem là trận thủy chiến lớn nhất và tiêu biểu nhất của quân dân Đại Việt, là khúc khải hoàn ca hùng tráng trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Được biết, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận di tích Bạch Đằng là di tích Quốc gia đặc biệt, đồng thời quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng với tổng kinh phí đầu tư các dự án trên 700 tỷ đồng.

Hoàng Hưng