Nghề luật sư có rất nhiều chuyện vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Trong mắt người này luật sư được tôn vinh như vị cứu tinh song trong mắt người khác lại là những kẻ hắc ám. Giống như hai mặt của cuộc đời, nghề luật sư luôn va đập với những góc sáng – tối của cuộc sống.…
Cần tiền để sống có thể làm nhiều việc, làm luôn cả việc mà người khác chê ít tiền không làm hoặc làm nhiều giờ hơn nhưng giữ mình trong khuôn khổ Pháp luật và đạo đức, trong khi đã trở thành nô lệ của đồng tiền thì có thể bất chấp đạo đức, bất chấp pháp luật miễn có tiền. Thế nên, cần tiền để sống khác với nô lệ của đồng tiền. Tính hai mặt của đồng tiền cũng chính là lằn ranh đạo đức để bất kỳ ai theo nghề luật sư cũng phải đối mặt. Với nghề luật sư, nguyên tắc tối thượng là phải luôn đứng về phía thân chủ của mình. Vì vậy, đối với những người luật sư chân chính, không gì đau lòng hơn là bị thân chủ “nghi ngờ” phản bội.
TÍNH HAI MẶT CỦA LUẬT SƯ
Câu chuyện của một thân chủ kể về hai vị luật sư trong một vụ án đã cho thấy rõ tính hai mặt của nghề luật sư:
Luật sư thứ nhất: Ông đã ngoài 60 tuổi, học luật từ trước giải phóng, hiện là Trưởng một văn phòng Luật sư bề thế, tọa lạc tại một vị trí đắc địa thuộc một Thành phố Biển nổi tiếng cả nước. Ông là bạn thân của bố tôi từ nhỏ, khi bố tôi vướng vào vụ bị kiện đòi chia thừa kế thì ông đã nhận lời bảo vệ quyền lợi với số tiền thù lao kha khá (50 triệu đồng ở cấp sơ thẩm). Mỗi lần bố, mẹ tôi tới văn phòng, ông đều trấn an rằng anh chị không có cửa thua đâu, đừng lo. Vì tin tưởng điều đó mà bố mẹ tôi ung dung chờ ngày ra tòa.
Ngày ra tòa, ông cũng có mặt nhưng lạ thay, ông như không phải ra đó để bảo vệ quyền lợi cho bố, mẹ tôi. Yên vị ở cái bàn dành cho Luật sư, ông thả hồn theo mây bay, gió thoảng ngoài cửa sổ, mặc cho bố, mẹ tôi khổ sở, vất vả với việc truy hỏi của tòa và mặc tòa dẫn dắt tới nỗi đưa ký cả xấp giấy trắng vẫn ký để rồi về sau xấp giấy ấy được biên tập thành biên bản hòa giải thành tại tòa, cơ sở để tòa ra Quyết định công nhận hòa giải, trong khi Quyết định này có hiệu lực ngay mà không được kháng cáo, kháng nghị. Sực tỉnh lại, gia đình tôi cảm thấy ông Luật sư này hình như cũng là một mắt xích trong đường dây hãm hại nhà mình, nhiệm vụ của ông là ru ngủ, trấn an để gia đình tôi không chuẩn bị, không đề phòng gì trước khi ra tòa để dễ dàng bị lừa.
Tới lúc ấy, gia đình tôi mới té ngửa khi chợt nhớ sao ông ta nhận lời bảo vệ, có hợp đồng hẳn hoi mà không khi nào ông ta tới tòa cùng với thân chủ trong thời gian chuẩn bị xét xử, thậm chí đơn từ của bố, mẹ tôi cũng phải tự viết chứ ông ta không thảo cho. Bị đơn có Luật sư từ đầu mà bị tòa triệu tập hòa giải, lấy lời khai từ trước khi tòa thụ lý vẫn không biết gì để khiếu nại. Tệ hại hơn, Luật sư cũng không sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, rõ ràng ông không có động thái gì gọi là bảo vệ thân chủ. Giận dữ, cả nhà kéo tới văn phòng của ông ta để hỏi cho ra lẽ, ông vội vàng cho người trả lại toàn bộ thù lao rồi lánh mặt, biến mất.
Trong vô số nỗi niềm của người bị xử oan, có một nỗi niềm rất cay đắng do vị Luật sư này mang tới cho gia đình tôi. Chỉ riêng chuyện nhanh chóng trả lại thù lao đã chứng minh mọi việc mờ ám, độc địa của vị Luật sư này, nếu làm hết trách nhiệm mà vẫn bị thua kiện thì khoản này Luật sư cũng được hưởng vì là thù lao công sức.
Luật sư thứ hai: Rời phòng làm việc của ông mà tôi chưa hết ngạc nhiên. Tôi lan man kể không đầu không đuôi chuyện nhà cả buổi nhưng ông vẫn chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng cắt lời để hỏi thật rõ một tình tiết nào đó. Ông đề nghị tôi để lại 3 cặp hồ sơ để ông nghiên cứu và sớm có ý kiến chính thức. Điều này tôi mong mỏi ở khá nhiều văn phòng Luật trước đó nhưng không được. Chưa tới một tuần, ông gọi tôi tới và giải thích do bố tôi không thu thập được chứng cứ mình bị lừa nên cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để xem xét lại, trước mắt ông chỉ dẫn gia đình làm vài động thái, nhờ vậy từ chỗ không có một tài liệu gì trong hồ sơ vụ án, gia đình tôi đã có được vài tài liệu rất quý giá, đó là Đơn khởi kiện của nguyên đơn, Biên bản hòa giải thành ngay tại phiên tòa, Biên bản hòa giải không thành ở Phường, cùng vài văn bản trả lời của tòa.
Từ những tài liệu đó, kết hợp với những tài liệu ông sàng lọc được từ trong 3 cặp hồ sơ, bằng lối giải thích rất dễ hiểu, dẫn chứng điều luật quy định cụ thể, ông đã giúp tôi thông suốt và hoàn toàn tin rằng tòa đã làm sai trình tự tố tụng, sai lệch hồ sơ, cái phải có sau thì lại có trước và ngược lại. Vụ việc cũng đã hết thời hiệu yêu cầu về thừa kế và không có di sản. Tuy nhiên, thời hiệu xin kháng nghị giám đốc thẩm vẫn còn. Làm đơn xin thì vẫn làm, nhưng ông gợi ý gia đình tôi cố tìm cho ra một tình tiết hoàn toàn mới để làm cơ sở xin tái thẩm. Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày nhà tôi bị cưỡng chế và bố tôi tự thiêu để phản đối mà mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển ngoài việc hồ sơ vụ án đã được tòa tối cao rút lên nghiên cứu. Một ngày nọ, ông có việc ra thành phố nơi nhà tôi cư trú và ghé qua thắp hương cho bố tôi rồi ngồi nói chuyện.
Tình cờ gia đình tôi cho ông biết ông nội (người mà tòa cho là có di sản để lại) ngoài 1 bà vợ cả, 1 bà vợ thứ còn có vài người đàn bà không chính thức khác nữa. Ông có vẻ chú ý vào tình tiết đó và yêu cầu gia đình cho ông xem tập ảnh chụp đám tang ông nội. Ông chỉ từng người trong ảnh hỏi là ai, qua đó ông mừng rỡ thông báo là đã có tình tiết mới. Số là ông nội có một người con trai ngoài giá thú được mọi người công nhận, trong đám tang ông nội, người này cũng đội mũ rơm, mặc nguyên bộ tang phục, chống gậy, phủ phục bên quan tài, giống y như con trai trưởng là bố tôi, rất nhiều tấm ảnh chụp chung cả bố tôi với chú này cùng các người cô sau này là nguyên đơn kiện bố. Qua sự giải thích của ông, cả nhà tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Người chú này làm đơn gửi tòa tối cao xin xem xét lại vụ án vì ông cũng là con mà bị bỏ ra ngoài, không được chia thừa kế như những người con khác. Vài tháng sau, Tòa án nhân dân tối cao cử cán bộ về tận địa phương xác minh. Mọi người đang hy vọng rồi đây sự công bằng và lẽ phải sẽ được thực thi.
THÂN CHỦ “KIỆN NGƯỢC” LUẬT SƯ
Trong rất nhiều chuyện của nghe luật sư, sợ nhất là chuyện thân chủ từ chỗ tin tưởng quay sang dò xét, “kiện ngược” lại luật sư, thậm chí thuê cả đầu gấu hành hung người đã từng bảo vệ quyền lợi cho mình. Chị D. - Nguyên đơn - tìm tới Luật sư T. khi thời hạn kháng cáo phúc thẩm không còn nhưng bên Bị đơn có kháng cáo, Tòa phúc thẩm đã thụ lý và ra Quyết định tạm đình chỉ để yêu cầu vài cơ quan cung cấp chứng cứ liên quan tới vụ án. Đọc hồ sơ vụ án, Luật sư T. phát hiện có vài vấn đề lẽ ra Nguyên đơn phải kháng cáo như việc tính án phí sai gây thiệt hại cho Nguyên đơn hơn hai chục triệu đồng (tính cả diện tích lộ giới và diện tích toàn bộ khi chị D. chỉ yêu cầu được chia 1/2 thửa đất). Ngoài ra, chị D. còn có chứng cứ rất thuyết phục rằng, ba chồng đã cho 1 miếng đất khác nhưng lại không biết đó là chứng cứ nên không giao nộp cho tòa, khiến tòa buộc chị phải trả cho nhà chồng 30 triệu đồng tiền mua đất còn thiếu.
Hợp đồng ủy quyền được hai bên ký kết. Luật sư T. bắt tay vào việc xin kháng cáo quá hạn, bị tòa phúc thẩm bác, phải khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao nhưng chưa có hồi âm. Dù luật sư T. đã nhiều lần giải thích rằng đây hoàn toàn là lỗi của chị D. không chịu kháng cáo trong thời hạn nhưng chị D. thì cho rằng Luật sư T. làm việc không hiệu quả nên mới bị Tòa bác đơn! Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục "tạm đình chỉ" trong khi chị D. lại muốn tòa xử nhanh để chị ta bán nhà trang trải nợ nần, trong đó có cả khoản vay mượn làm thù lao cho Luật sư theo Hợp đồng ủy quyền. Luật sư T. đã mấy lần thảo đơn cho chị D ký để hối thúc tòa xử nhưng tòa trả lời là vẫn chưa được cung cấp chứng cứ cần thiết để xử, Luật sư T. lại làm đơn khiếu nại hành vi kéo dài việc xử án này nhưng chưa có hồi âm.
Vậy là một lần nữa chị D. lại cho rằng Luật sư T. làm việc không hiệu quả nên bị tòa ngâm, không xử án! Đỉnh điểm là chị D. yêu cầu Luật sư T. hủy hợp đồng ủy quyền và trả lại số tiền thù lao vì chị ta không thể chờ lâu hơn nữa. Luật sư T. đã giải thích là ông không hề vi phạm Hợp đồng ủy quyền, tuy nhiên nếu chị D muốn thì cứ đơn phương hủy hợp đồng nhưng sẽ không được trả lại số tiền thù lao. Thế là chị D. la lối, lớn tiếng, Luật sư T. hướng dẫn nếu thấy như vậy là không thỏa đáng, chị D. có thể khởi kiện Luật sư để đòi lại tiền. Vài ngày sau chị D lại đến, lần này chị ta thay đổi chiến thuật, không la lối lớn tiếng nửa mà khóc bù lu bù loa, than khổ, than nợ nần chồng chất, kiểu ăn vạ... Thế mới hay Luật sư nhiều khi cũng có chuyện buồn từ thân chủ, chuyện luật sư bị quỵt tiền công, bị thân chủ quay lại hù dọa, hành hung, nhắn tin dọa giết cả nhà đã không còn là chuyện lạ.
Vĩnh Thành
Kỳ 3: Nghệ thuật của nghề luật sư