Một điều chắc chắn rằng, đỉnh lũ năm 2017 sẽ cao hơn nhiều so năm 2016 khi đạt từ mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ3. Do vậy, công tác ứng phó lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, nhất là bảo vệ sản xuất vụ thu đông, đòi hỏi phải khẩn trương, nghiêm túc, tính toán trước các kịch bản phức tạp xảy ra.
 
 
Những năm “đói lũ” liên tiếp đã tạo tâm lý chủ quan cho người dân. Dù được cảnh báo về diễn biến phức tạp của mùa lũ năm 2017 nhưng người dân vẫn xuống giống sớm ngoài đê bao 7.488 héc-ta với hy vọng “ăn” trước lũ, tập trung ở Tri Tôn (7.243 héc-ta) và TP. Long Xuyên (245 héc-ta). Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trước diễn biến mực nước lên nhanh, huyện đang cùng người dân tập trung phương án bảo vệ, gia cố đê bao tạm, hợp đồng bơm rút nước…
 
“Tuy nhiên, có khoảng 810 héc-ta ngoài đê bao chắc khó bảo vệ được” - ông Trí thông tin. Ngay vụ lúa hè thu 2017, tình trạng nước lên kết hợp mưa bão liên tục khiến việc thu hoạch của nông dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất.
 
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lưu Văn Ninh cho biết, từ tháng 5 đến tháng 7-2017, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ 350 - 770mm, vượt so với trung bình nhiều năm (TBNN) và so cùng kỳ 2016. Trong số 4 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, ngay trong tháng 7 đã có 2 cơn bão lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
 
“Lượng mưa các tháng 8, 9, 10 năm nay khả năng cao hơn TBNN; các tháng 10, 11 nhiều khả năng xấp xỉ TBNN. Trong tháng 8 có đợt giảm mưa khoảng 5-7 ngày, có nơi 10 ngày. Từ nay đến cuối năm, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm tố, lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ sau các đợt giảm mưa và các đợt gió mạnh khi gió mùa Tây Nam phát triển”- ông Ninh lưu ý.
 
Đề phòng lũ chồng lũ
 
Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2017, có khoảng 6-8 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) có khả năng ảnh hưởng đến An Giang.
 
Về diễn biến lũ, ông Lưu Văn Ninh cho biết, vào tuần đầu và cuối tháng 8-2017, có những đợt nước lên trên sông Cửu Long. Đến tháng 9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần.
 
Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện trong nửa đầu tháng 10-2017, đạt 4,2m tại Tân Châu, 3,8m tại Châu Đốc, cao hơn mức BĐ2 (BĐ2 tại Tân Châu 4m, Châu Đốc 3,5m), xấp xỉ đỉnh lũ TBNN. Đối với khu vực nội đồng TGLX, đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện giữa tháng 10, đạt mức 3,6m tại Xuân Tô, 2,5m tại Tri Tôn, cao hơn mức BĐ2 (BĐ2 tại Xuân Tô 3,5m, Tri Tôn 2,4m). Ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, triều cường sẽ lên cao vào tháng 10, 11-2017, đỉnh triều cường tại các trạm hầu hết cao hơn TBNN. Mực nước cao nhất năm trên rạch ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức 2,9m, xấp xỉ BĐ3, trên sông Hậu tại trạm Long Xuyên ở mức 2,6m, cao hơn BĐ3 (BĐ3 tại Chợ Mới 3m, Long Xuyên 2,5m).
 
“Tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2017 diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm lốc, sét và đặc biệt là bão, lũ lớn, triều cường ở mức cao... ảnh hưởng đến tỉnh An Giang” - ông Ninh cảnh báo.
 
Trước diễn biến lũ lớn hơn các năm trước, tỉnh đề ra kế hoạch xả lũ 26 tiểu vùng, diện tích 21.190 héc-ta (Tri Tôn 6.580 héc-ta, Châu Phú 2.006 héc-ta, Tân Châu 3.316 héc-ta, Tịnh Biên 1.281 héc-ta, Phú Tân 8.007 héc-ta). Đối với vụ thu đông 2017, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 415/441 tiểu vùng kiểm soát lũ, đạt diện tích 172.241 héc-ta (lúa 159.405 héc-ta, màu 12.836 héc-ta). Đây là diện tích được tập trung bảo vệ năm 2017.
 
Theo Chi cục Thủy lợi An Giang, đến nay, toàn tỉnh có 1.811 trạm bơm (1.546 trạm có công suất vừa, 265 trạm có công sức nhỏ) với tổng công suất gần 4,54 triệu m3/giờ, phục vụ khoảng 192.461 héc-ta, trong đó tưới khoảng 70.000 héc-ta, tiêu 185.500 héc-ta, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất vụ thu đông.
 
Dù dự báo đỉnh lũ năm nay thấp hơn 0,5m so năm lũ lớn 2011 nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho rằng, cần phải chủ động phòng, chống lũ như kịch bản năm 2011, thậm chí là đề phòng kịch bản năm 2000. “Cần tính thêm khả năng khi lượng nước nhiều, các đập thủy điện vùng thượng nguồn sông Mê Kông tích đủ nước sẽ xả nước trong mùa lũ, khiến nước lên nhanh” - ông Thi lưu ý.
 
Theo Ngô Chuẩn (Báo An Giang)
.