Dân mơ hồ, phường kêu… khó
Những ngày qua, thông tin về hoạt động chặn bắt, xử phạt và tiêu hủy chó thả rông nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo đó, từ ngày 15/9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, dù Hà Nội chuẩn bị áp dụng quy định này nhưng trên các đường phố hoặc các không gian công cộng như công viên, đường phố vẫn xuất hiện những chú chó được chủ vô tư thả rông mà không hề được rọ mõm. Trong khi đó, nhiều chủ nuôi chó khi nghe hỏi chuyện vẫn tỏ ra mơ hồ về thông tin này và biện minh rằng, dù thả rông chó nhưng vẫn luôn giám sát từ xa (?).
Cũng theo Nghị định 90/2017, Chủ tịch UBND cấp xã - phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo UBND phường tại Hà Nội phân trần, hằng ngày ở cấp phường vốn có rất nhiều việc cần phải giải quyết mà các quy định nào khi ra đời đều giao về cấp phường thực hiện nên rất khó xử lý.
“Phường không có lực lượng chuyên trách, không đủ chuyên môn để xử lý. Ví dụ, với việc phạt thả rông chó, nếu không xác định được chủ thì phải bắt chó đi tiêu hủy nhưng gặp phải chó dữ thì sao bắt được? Chưa kể bị chó tấn công ngược lại thì sẽ nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Do đó, cần có lực lượng chuyên trách để xử phạt chó thả rông, còn địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền”, một lãnh đạo phường tâm tư.
|
Chó vẫn thả rông, không rọ mõm nhan nhản tại đường phố Hà Nội trước ngày Nghị định xử phạt có hiệu lực. Ảnh: Cao Tuân |
Quyết tâm tiêu hủy chó thả rông sau 72 giờ
Đáng chú ý, trước khi có Nghị định này, Chi cục Thú y TPHCM đã thành lập Đội săn bắt chó thả rông và trang bị xe tải nhỏ chuyên dụng. Khi phát hiện có chó chạy rông ngoài đường, không đeo rọ, các cán bộ của đội sẽ dùng vợt sắt để bắt lại, lôi lên nhốt trong lồng sắt của xe tải.
Khi bị bắt, những chú chó này sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại trụ sở để chờ chủ đến nộp phạt. Theo quy định, nếu chủ con chó bị bắt không lên nhận lại thì nó sẽ thuộc vào trường hợp vô chủ, buộc tiêu hủy. Chó sẽ bị lập biên bản và tiêm thuốc chết, tưới hóa chất và đem đi thiêu hủy ở bãi rác hoặc cung cấp chó cho các trường đại học có chuyên ngành Thú y, phục vụ việc học khám nghiệm.
Còn tại Hà Nội, Chi cục Thú y Hà Nội vừa có đề xuất trình UBND TP Hà Nội về việc xử lý chó thả rông bị bắt sau 72 giờ mà không có người tới nhận. Trao đổi với PV Báo Gia đinh & Xã hội, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội cho biết, trong đề xuất vừa gửi đi, Chi cục Thú y cũng đã đề nghị Hà Nội thành lập các tổ chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên đài truyền thanh xã về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận…
Đối với đội chuyên trách, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Trạm Thú y cấp quận, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông; tổ chức tiêm phòng vắcxin phòng bệnh dại cho thành viên đội chuyên trách theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với chủ vật nuôi, dự thảo yêu cầu phải đăng ký việc nuôi chó, mèo đối với UBND cấp phường, xã; phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên nhà; đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh; chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine cho vật nuôi. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó có người dắt.
Người đứng đầu Chi cục Thú y Hà Nội cũng khẳng định, trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí kể cả cho việc nuôi dưỡng hay tiêu huỷ chó. Nếu chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo Nghị định số 167 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội… “Quan điểm của chúng tôi là sẽ triển khai đồng bộ và quyết liệt. Tất cả người dân nuôi chó phải có khai báo đến lực lượng chức năng để theo dõi. Trong trường hợp tổ công tác bắt được chó thả rông, sau 72 giờ mà chủ vật nuôi không đến nhận sẽ tổ chức tiêu hủy (có thể chôn hoặc đốt) và có lực lượng thú y giám sát”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chấp hành thay vì tìm cách đối phó
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam chia sẻ: Chó là loài động vật rất gần gũi với con người, tuy nhiên, dù gần gũi đến đâu thì khó tránh khỏi việc bị chó cắn, nhất là đối với các loại chó hung dữ. Chính vì thế người dân nuôi chó cũng nên chấp hành các quy định về việc rọ mõm cùng đăng ký, tiêm phòng dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho mình cũng như người dân.
GS Huỳnh cũng lưu ý, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, nếu chỉ tập trung vào việc đặt ra mức phạt hoặc tăng mức phạt thì chưa đủ mà quan trọng nhất là khâu thực thi. Vì vậy, trước tiên cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân quy định pháp luật, từ đó giúp nâng cao ý thức, góp phần vào việc họ sẽ tự giác chấp hành pháp luật thay vì tìm cách đối phó.
|
Theo Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội