Khi phê phán biến thành... thảm họa!?
Cập nhật lúc 23:43, Thứ hai, 23/11/2015 (GMT+7)
Gần đây, liên tiếp có một số vụ việc phê phán các tác phẩm trong một số cuốn sách gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, do không hiểu đúng vấn đề, hoặc sự thiếu hiểu biết cần thiết của người phê phán nên đã gây nên những bức xúc không đáng có trong dư luận. (bài thơ “Nam quốc sơn hà”, phê phán, bản dịch, cuốn sách)
Gần đây, liên tiếp có một số vụ việc phê phán các tác phẩm trong một số cuốn sách gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, do không hiểu đúng vấn đề, hoặc sự thiếu hiểu biết cần thiết của người phê phán nên đã gây nên những bức xúc không đáng có trong dư luận.
Vì thế, một số người “giãy nảy” lên với những ngôn từ đao to búa lớn khi cho rằng, đó là “thảm họa dịch”, rằng “dư luận bức xúc”, rồi bài thơ bị “bôi nhọ”, “tuyên ngôn mà bị tam sao thất bản” vv… Có vẻ như, những người phản ứng dữ dội đó không hề biết rằng, bản dịch mới xuất hiện là của hai nhà Hán học Lê Thước - Nam Trân và từng được in trong cuốn Thơ văn Lý Trần (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội) từ năm 1977.
Những người có kiến thức biết đều biết rằng, một bài thơ chữ Hán xưa nay luôn có rất nhiều bản dịch khác nhau của nhiều người và ở nhiều thời kỳ, nên xuất hiện một bản dịch khác là quá bình thường. Đương nhiên, có bản dịch hay, bản dịch chưa hay, chứ không thể coi là “thảm họa” cho được, vì thế, có gì phải ầm ĩ?
Khi còn là sinh viên, học về “Kinh thi”, chúng tôi đã được các thầy giáo ở đại học giới thiệu nhiều bản dịch, kể cả bản dịch của chính các thầy. Có bản dịch hay cả về nghĩa và thơ, có bản dịch thơ hay nhưng nghĩa chưa sát, có bản chỉ dịch sát nghĩa. Và như vậy, chúng tôi đều có những kiến thức nhất định để tiếp cận các bản dịch, chứ không phải chỉ đóng đinh với một bản mà mình biết, rồi cho rằng, những bản dịch khác là “tam sao thất bản”.
Theo PGS. TS Đoàn Lê Giang, bài “Nam quốc sơn hà” có ít nhất 35 dị bản. Mà, hầu hết những người đã dịch chữ Hán tên tuổi, đều là những người am hiểu cả về ngôn ngữ, văn học và lịch sử. Khi những bài thơ dịch đã được đưa vào cuốn sách, lại thường được các nhà Hán học có uy tín thẩm định. Chúng ta, thế hệ đã gần như không còn chút kiến thức nào về Hán học, khi đứng cạnh họ liệu có là gì mà vội kêu như thể bản dịch lần đầu ta biết đến đó làm hỏng cả nền văn thơ nước Việt?
Một số bài báo khi viết về bức tranh làm bìa sách Truyện Thúy Kiều của Công ty Sách Nhã Nam cho rằng “dư luận chỉ trích vì “lõa lồ”, rồi“phản cảm”, dung tục, không xứng tầm với tác phẩm của Nguyễn Du…” Nhưng, liệu có thể nói thế với một tác phẩm nghệ thuật của một trong những họa sĩ hàng đầu từng là thủ khoa khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, họa sĩ Lê Văn Đệ? Hơn nữa, theo Nhã Nam thì “bức vẽ này từng được in trong cuốn “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Trị - Huế, với sự hỗ trợ của Hội Khai trí Tiến Đức và hội Khuyến học vào dịp ngày giỗ Nguyễn Du xuất bản năm 1942”.
Dưới con mắt của các nhà chuyên môn, thì đây là” một bức tranh đẹp, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn”, dùng minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm. Họa sĩ, nhất là một họa sĩ có tiếng, khi sáng tác đều có ý tưởng nghệ thuật. Khi xuất bản, tác phẩm cũng đều được các nhà chuyên môn lựa chọn, như ở đây là học giả Đào Duy Anh, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và danh họa Tô Ngọc Vân, thì không lẽ lại để lọt một tác phẩm kém chất lượng?
Theo Công an nhân dân
.