Năm 2013 được xem là năm “bùng nổ” thảm họa của các MC truyền hình. Lý do đơn giản, họ có thể nói hay, pha trò giỏi, nhưng đặt mình sai vị trí và bị phân tán tư tưởng, hoặc bông lơn quá đà, thành ra vô tình là “nhân vật ngô nghê của năm”.

Mùa này sang mùa khác, các cuộc thi vẫn vinh danh người được giải, và cho ra những lớp MC kế tục, tuy nhiên phần đào tạo chuyên sâu thì gần như bỏ ngỏ.

 


Sau cuộc thi đã thành “sao”

Hầu hết các thí sinh đều từ các nghề khác chuyển sang dự thi “Người dẫn chương trình truyền hình”, sau khi có giải tự khắc trở thành MC cho nhiều đài. Khan hiếm MC, đặc biệt là gương mặt mới cho nhiều gameshow là điều có thật. Tuy nhiên, vì dễ dãi trong nghề mà nhiều MC xuất hiện trên sóng với tần suất cao, mà đổi lại, mắc lỗi nhiều không kém.

Một trong những thí sinh năm nào của “Người dẫn chương trình truyền hình” nay trở thành top MC đắt khách nhất hiện nay - Trấn Thành, thường gây nhiều tranh cãi trong các phần dẫn của mình. Anh tung hứng, tiếp chiêu của các nhân vật khách mời, cao hứng lại hay nói hớ, nhưng vẫn được nhiều khán giả thích vì có duyên hài trên sân khấu. Tuy nhiên, vì trở thành “sao” quá nhanh, Trấn Thành không tiết chế được lời nói của mình, với lối bông đùa tùy tiện, anh dần mất điểm trong lòng khán giả.

Một MC khác, trong bản tin an toàn giao thông đã chúc quý vị khán giả “có một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn”, khiến nhà đài phải một phen “hết hồn” xin lỗi người xem. Hay cô MC trẻ khác trong một chương trình giải trí đã ngây ngô kêu gọi khán giả vỗ tay… chia sẻ tình cảm với đồng bào sau cơn bão Hải Yến. Một MC chuyên nghiệp nữa làm người ta há hốc khi pha trò về việc các bà vợ chỉ mong ông chồng khi trở về nhà “nòng súng vẫn vươn lên trời cao”.

Những “sao” được trui rèn qua một cuộc thi dù sao cũng còn có nghề hơn là những “bình hoa di động” bỗng một ngày đẹp trời lên sóng trực tiếp. Những người đẹp như Jennifer Phạm, Hoàng My, Thu Thủy, hay những ca sĩ, diễn viên rẽ ngang như Nguyên Vũ, Huy Khánh, Anh Khoa… đều từng mất duyên ăn nói trước công chúng. Chưa kể dạo này, các danh hài đều đắt khách khi chuyển sang làm MC, và đôi khi, họ cũng không kiềm chế nổi lối diễn tấu hài dông dài, thay vì dẫn chương trình.

Tăng giải thưởng, bỏ quên giá trị văn hóa?

Nhận thấy lực lượng MC bổ sung có phần thiếu hụt về kiến thức tổng quát, nhiều cuộc thi của một số đài truyền hình được tổ chức để rèn giũa thí sinh trong vài tháng. Việc đào tạo cấp tốc này cũng chỉ tuyển ra những thí sinh khá nhất, nhưng không có nghĩa họ đã có thể lên sóng sau đó. Tuy nhiên, sau mỗi danh hiệu của cuộc thi, lại có sức nóng của tên tuổi, thành ra đa số thí sinh cầm chịch các chương trình ngay mà không được đào luyện từ từ.

Rút kinh nghiệm sau 10 năm tổ chức cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình”, năm 2014, ở cuộc thi thứ 11, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh đã có một số thay đổi. Cụ thể, tăng thí sinh vào chung kết, tăng số đêm thi truyền hình trực tiếp, tập huấn ở nước ngoài. Ngoài ra, ban tổ chức còn phối hợp với Học viện John Robert Powers Việt Nam để hỗ trợ các thí sinh, giúp họ xây dựng sự tự tin, thanh lịch trong giao tiếp. Điều đáng nói nữa là tổng giải thưởng của “Người dẫn chương trình 2014” tăng lên hơn 200 triệu đồng (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó giải nhất trị giá 100 triệu đồng.

Những thay đổi nói trên rất đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa giải quyết phần gốc của vấn đề, khi các thế hệ MC mới ngày càng ít bản lĩnh về trình độ, tri thức và văn hóa. Điều đó cho thấy, những cuộc thi thôi chưa đủ, sau cuộc thi, các MC còn phải trải qua quá trình rèn luyện kỹ hơn, cọ xát thực tế nhiều hơn và quan trọng là biết mình là ai, thay vì tự đắc và tự tung như diễn viên hài ngớ ngẩn trên sóng truyền hình.
 

Theo Lao động

.