Câu chuyện hy hữu tưởng đùa nhưng là có thật, một bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Thành Chương được đánh tráo, xóa tên và thay bằng một tên họa sĩ nổi tiếng khác: Tạ Tỵ. Bức tranh đánh tráo tên tác giả được chính Thành Chương phát hiện trong triển lãm mang tên “Những bức tranh trở về từ châu Âu”.

Thành Chương và Tạ Tỵ đều là những họa sĩ tên tuổi trong hội họa hiện đại Việt Nam. Tạ Tỵ thì đã mất. Và tranh của ông trên thị trường được bán với giá rất đắt. Thành Chương cho rằng lý do để người ta tráo tên họa sĩ Tạ Tỵ vào bức tranh của ông đơn giản là vì tiền. Vì tranh của Tạ Tỵ thì bán đắt hơn tranh của Thành Chương.

Liên quan đến câu chuyện này, sẽ phải mất thêm thời gian để tìm ra sự thật, rằng ai là người đã sửa tên tác giả bức tranh này, chủ nhân bộ sưu tập hay Hãng Christies Hong Kong, hãng đấu giá tranh được xem là có uy tín trên thế giới.

Diễn biến mới nhất, đại diện của Hãng Christies Hong Kong, ông Jean-Francois Hubert, là chuyên gia thẩm định tranh, đã cung cấp cho truyền thông một bức ảnh chụp các văn nghệ sĩ, trí thức Nguyễn Bá Đạm, Thái Bá Vân, Bùi Xuân Phái và Trần Quý Thịnh tại Hà Nội năm 1972 và trong ảnh có bức tranh của họa sĩ Tạ Tỵ được treo trên cánh cửa.

 

 Họa sĩ Thành Chương khẳng định bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ký tên Tạ Tỵ là của ông.
Họa sĩ Thành Chương khẳng định bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ký tên Tạ Tỵ là của ông.


Ngay sau khi bức ảnh được công bố, giới nhiếp ảnh đã phát hiện ra đây là bức ảnh bị chỉnh sửa photoshop. Bức ảnh gốc đó được họa sĩ Lê Huy Tiếp cung cấp, thì không có bức tranh nào treo trên cánh cửa. Như vậy rõ ràng có một sự gian lận ở đây. Sự gian lận không hẳn đã đến từ người trong nước, mà rất có thể là các nhà buôn tranh quốc tế đã cố tình làm sai lạc tác phẩm, tên tuổi họa sĩ để kiếm tiền, để trục lợi.

Cho đến thời điểm này, chủ nhân bộ sưu tập các bức tranh trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vẫn chưa đưa ra một phát ngôn nào.

Liệu có hay không một đường dây buôn tranh giả tầm cỡ quốc tế? Chắc chắn rằng đây không phải là câu chuyện nhỏ nữa, mà nếu không có lời giải đáp sớm, cơ quan an ninh có thể sẽ vào cuộc. Việc làm giả các bức tranh của các họa sĩ tên tuổi không chỉ đơn thuần giống như việc làm một món hàng giả, mà nó còn là hệ lụy đến cả một nền văn hóa.

Nghệ thuật là văn hóa, là đại diện cho gương mặt văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Những giá trị nghệ thuật được sáng tạo ra bao giờ cũng gắn với tên tuổi từng các nhân nghệ sĩ. Mỗi người nghệ sĩ là một giá trị riêng biệt. Sự đánh tráo các giá trị nghệ thuật để trục lợi là hành vi thiếu văn hóa, đáng lên án và cần phải được làm sáng tỏ, minh bạch.

Họa sĩ Thành Chương cho hay: “Phải nói là tôi đã “dựng tóc gáy” khi thấy bức tranh của mình mang tên Tạ Tỵ trong triển lãm. Tôi khẳng định bức tranh đó được vẽ năm khoảng năm 1970-1971 và nhớ rõ hoàn cảnh sáng tác. Thậm chí, người mẫu trong bức tranh hiện vẫn còn sống. Phác thảo của bức tranh vẫn còn. Tôi chỉ không thể nhớ đã bán bức tranh này cho ai. Nhưng sự thật không thể tưởng tượng được lại có sự đánh tráo trắng trợn như vậy”.

 

Qua sự việc này có thể thấy, công tác xét duyệt tranh triển lãm ở ta còn thiếu chặt chẽ, nhất là với các bức tranh từ nước ngoài mang về. Giấy chứng nhận tranh thật mà nhà sưu tập đưa ra từ các công ty đấu giá tranh dù có uy tín đi nữa cũng vẫn cần được xác minh thêm từ phía các chuyên gia trong nước.

Thị trường tranh giả trong nước và quốc tế hỗn loạn và còn nhiều bất cập. Việc lập ra các hội đồng thẩm định trước khi đồng ý cho triển lãm là cần thiết, không nên chỉ dựa vào giấy chứng nhận từ phía các công ty kinh doanh tranh. Giới hội họa trong nước đang chờ đợi kết quả từ các cơ quan chức năng xung quanh câu chuyện này.

Vấn đề không chỉ đòi lại công bằng cho cá nhân họa sĩ Thành Chương, mà là góp phần làm sạch thị trường tranh giả trong nước đang có xu hướng tràn lan. Ai cũng biết những bức tranh của các danh họa thì giá tiền ngất ngưởng thế nào. Nếu làm không chặt chẽ, thì hiện tượng tráo đổi các giá trị nghệ thuật sẽ dẫn đến sai hỏng, lệch lạc cả một nền hội họa Việt vốn có rất nhiều tên tuổi sáng giá để tự hào trước thế giới.

 

Theo Cảnh sát toàn cầu

.