Sau 180 phút làm bài, hơn 637.000 thí sinh cả nước dự thi đại học ở 3 khối A, A1 và V vừa hoàn thành bài thi môn Toán. Chiều nay, các thí sinh tiếp tục dự thi môn Vật Lý.

 
 
Đề thi không quá dài và quá khó
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Rút kinh nghiệm năm trước, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các tổ ra đề thi ra đề không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh để thí sinh trung bình cũng có thể làm được. Đề có tính phân loại cao, nghĩa là với phổ điểm rải đều và điểm cực đại của phổ điểm phải nằm trong vùng điểm trung bình để các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau. Năm ngoái, môn Ngữ văn, Địa, Sinh học có phổ điểm tốt. Năm nay, sẽ cố gắng tất cả các đề thi đều có phổ điểm đẹp như vậy để công tác phân loại thí sinh đạt kết quả tốt.
 
Năm nay, Bộ GD-ĐT cho các trường xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, thí sinh có thể nộp nhiều trường để xét tuyển nếu đạt điểm sàn trở lên. Vì vậy, thí sinh đạt điểm trên sàn là có thể tham gia xét tuyển và tìm được chỗ học phù hợp.
Điểm mới năm nay là thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
 
Thí sinh không được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh và thiết bị mà người sử dụng có thể nghe được âm thanh, xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ hoặc có thể truyền thông tin ra ngoài phòng thi.
 
Thí sinh đi thi sớm, tranh thủ ôn bài.
 
Đây là điều lo lắng nhất của các Hội đồng coi thi hiện nay vì sợ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự phòng thi.
 
Để giảm thiểu những rắc rối xảy ra trong phòng thi, Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam đã yêu cầu cán bộ coi thi khi gọi thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi thông báo và yêu cầu từng thí sinh khai báo và trình các thiết bị, vật dụng mang vào phòng thi để CBCT kiểm tra; Chỉ cho thí sinh mang các thiết bị, vật dụng theo quy định vào phòng thi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu CBCT không xác định được chủng loại của thiết bị, vật dụng trong khi thí sinh vẫn có nhu cầu mang vào phòng thi, thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan về tính phù hợp của loại thiết bị, vật dụng đó.
 
Trong quá trình coi thi, nếu CBCT phát hiện thí sinh mang thiết bị, vật dụng vào phòng thi (như quy định trên) mà không khai báo từ đầu, thì CBCT phải kiểm tra vật dụng, thiết bị đó và xử lý theo 2 cách: Nếu thiết bị, vật dụng đó trái với quy định, thì lập biên bản xử lý thí sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Nếu thiết bị, vật dụng đó phù hợp với quy định, thì yêu cầu thí sinh làm giấy cam đoan và tiếp tục cho thí sinh làm bài.
PGS.TS Trần Hữu Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những thí sinh thuộc diện phải làm giấy cam đoan ở trên chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết thời gian làm bài. Nếu những thí sinh này muốn ra khỏi khu vực thi thì phải niêm phong thiết bị, vật dụng đó và gửi cho trưởng cụm thi cất giữ, đến khi hết thời gian làm bài mới được nhận lại thiết bị, vật dụng. Việc giao nhận thiết bị, vật dụng phải có biên bản ký xác nhận giữa thí sinh và Trưởng cụm thi”.
 
Theo Hồng Hạnh
Dân trí
.