Hồi sinh từ những lần trắng tay

Xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình. Gần như năm nào, Đức Hóa cũng ngập chìm trong lũ dữ ít nhất một vài tháng. Cứ sau mưa bão là Đức Hóa bị cô lập. Tổn thất, đau thương của đất và người nơi đây khó lời nào có thể tả hết được. Thế nhưng, thời gian đã xóa nhòa đi tất thảy những cơn giận dữ của thiên nhiên. Không còn những hình ảnh nhà nhà ngập nước, tốc mái, cây cối ngả rạp…, trước mắt chúng tôi giờ đây là những mái ngói đỏ tươi, những cánh đồng lúa xanh mướt, những vạt ngô mơn mởn, tít tắp. Đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp không khí rộn ràng, tất bật cho công việc những ngày cuối năm. Đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp tinh tươm, đâu đó tiếng trẻ thơ vui đùa bên lớp học...

leftcenterrightdel
Làng quê Đức Hóa bên bờ sông Gianh đã trù phú trở lại sau những cơn lũ dữ.

Thoăn thoắt đôi bàn tay vun những gốc ngô, anh Phạm Văn Tuyên ở thôn 4, Đức Hóa cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, đã thế, mỗi độ lũ về là dường như mọi vật dụng trong gia đình, lương thực, thực phẩm bị cuốn trôi hết, cây trồng, vật nuôi cũng theo đó mà không còn gì nữa... Nhưng tự nhủ mình phải vượt lên tất cả. Năm nay, gia đình tôi sẽ đón một cái Tết ấm no hạnh phúc, bởi hậu quả của thiên tai chúng tôi đã khắc phục xong cả rồi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: “Với sự giúp đỡ của Nhà nước, từ một phần ngân sách hiện có, đồng thời huy động sức người từ quần chúng nhân dân thì hiện nay, những hậu quả của bão lũ đã được địa phương khắc phục, các công trình thủy lợi, phúc lợi ở địa phương đã hoạt động trở lại. Công việc gieo trồng vụ Đông Xuân đã cơ bản hoàn thành, đời sống của bà con đã tương đối ổn định để yên tâm công tác, sản xuất và đón một cái Tết an lành, hạnh phúc”.

Trở về với thôn Đồng Lâm, chúng tôi gặp lại chị Trương Thị Tình (36 tuổi), người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chồng chị đã mất cách đây gần 1 năm. Chị cùng 2 con nhỏ sống trong căn nhà ọp ẹp. Trải qua cơn lũ dữ, căn nhà ọp ẹp của mẹ con chị cũng bị cuốn trôi, khiến chị và 2 con phải đứng trước cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng nay, với sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện và nhiều mạnh thường quân, chị đã mạnh dạn vay mượn thêm để xây lại căn nhà mới khang trang hơn. “Dù bão lũ đã cuốn đi của gia đình tôi tất cả, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, các tổ chức từ thiện mà gia đình tôi đã có căn nhà mới khang trang. Tết này mẹ con tôi chắc chắn sẽ ấm áp hơn”- chị Tình phấn khởi chia sẻ.

Tìm về những ngôi làng ven sông Gianh (huyện Tuyên Hóa), những cảm nhận của chúng tôi về sự hồi sinh sau lũ dữ của người dân nơi đây càng rõ rệt. Những mái chèo đã nhịp nhàng khua nhanh trên những con sóng, những mẻ lưới nặng cá, những nhát chài đã “bung hoa” trên chính con sông hung dữ nhất mỗi khi lũ về.

Mầm non bắt đá nở hoa

Nằm ngay dưới chân đập Thủy điện Hố Hô, người dân xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) gần như năm nào cũng phải “chạy lũ”. Lũ ở Hương Trạch không chỉ đến từ những cơn mưa thịnh nộ của thiên nhiên, mà còn đến từ chính những lần Thủy điện Hố Hô xả lũ. Với những lần đó, gần như người dân xã Hương Trạch “trở tay không kịp” để rồi nhà trôi, vườn tược bị cuốn sạch theo dòng Ngàn Sâu. Đây là vùng đất thâm canh nhiều nhất giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng, và cũng chính là nơi bị mất mát nhiều nhất mỗi khi lũ về, với hàng trăm ha bưởi ngã rạp theo lũ.

Hơn một năm trở lại đây, cảnh tan hoang, tiêu điều trong trận lũ lịch sử năm 2016 của Hương Trạch không còn nữa, mà giờ đây là sự trù phú, ấm no với bạt ngàn bưởi, cam và cây gió trầm vào kỳ khai thác.

leftcenterrightdel
Những lẵng hoa pha lê nở trên rốn lũ Hương Trạch. 

Bà Nguyễn Thị Lai, người từng có hơn 1.000 gốc bưởi bị lũ cuốn ngã rạp năm nào, nay vui vẻ, hồ hởi chỉ ra những đồi bưởi xanh ngút tầm mắt, bắt đầu trĩu quả: “Chú xem, với sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông, cũng như nỗ lực của gia đình, nhà tôi đã vực dậy được vườn bưởi, giờ đã bắt đầu cho trái và thu hoạch tốt đó chú”.

Trước đó, trong một lần trò chuyện, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết những kế hoạch, dự định trong việc hồi sinh những rốn lũ Hương Trạch, Phương Mỹ… Trong đó, đáng chú ý là dự án phục hồi bưởi Phúc Trạch, đến nay toàn huyện đã hồi phục gần 1.200ha bưởi đặc sản, đem lại sự phát triển kinh tế bền vững cho người dân nơi rốn lũ.

leftcenterrightdel
Làng quê yên bình sau lũ ở Quảng Bình. 

Tiếp câu chuyện, ông Lê Ngọc Huấn kể luôn về một điển hình hồi sinh sau lũ là tập thể Trường Mầm non Hương Trạch, nơi có 4 điểm trường đều tan hoang sau lũ, đồ dùng, đồ chơi của trẻ bị lũ cuốn trôi, nhưng nay đã có một diện mạo mới từ chính những đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo nơi đây. Nói một cách ví von là “Mầm non bắt đá nở hoa”.

Đá nở hoa thật! Chúng tôi không kìm được lòng mình, thốt lên, khi nhìn những lẵng hoa bằng đá pha lê được kết lại trông còn đẹp hơn cả hoa thật. Cả một rừng hoa khoe sắc trong phòng Hội đồng, trong các lớp học. Đi đâu cũng gặp không khí cô, trò vui học cùng nhau, cùng gắn kết những vật liệu đá pha lê, cánh hoa pha lê… thành những lẵng hoa rực rỡ.

Cô Lê Thị Hải Yến - Hiệu trưởng cho biết, Trường mầm non Hương Trạch có 17 nhóm lớp với hơn 600 học sinh ở 4 điểm trường, là trường có số lớp, số học sinh đông nhất của huyện. Nằm bên sông Ngàn Sâu nên năm nào các điểm trường cũng bị ngập lụt, cơ sở vật chất xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi trang bị được cái nào, hư hỏng cái đó vì nước lũ, trong lúc ngân sách khó khăn. Quyết không để cô, trò thiếu dụng cụ học tập, đồ chơi trực quan sinh động, tập thể các cô giáo đã bàn nhau mua các vật liệu làm hoa đá pha lê về kết thành các lẵng hoa. Hoạt động này giúp các cô, trò vừa học vừa chơi, nhưng cũng giúp nhà trường tăng thêm ngân quỹ, phụ thêm vào bữa ăn, hộp sữa cho các cháu, khi rất nhiều lẵng hoa đẹp được các doanh nghiệp, cá nhân đặt mua để chưng Tết.

Ngắm nhìn những khuôn mặt trẻ thơ chăm chú dõi theo bàn tay các cô giáo đang thoăn thoắt kết hoa trong giờ chơi, chúng tôi thấy niềm vui sáng bừng lên trong ánh mắt các cháu. Nhiều cháu lớp lớn cũng rất hào hứng vào ngồi kết hoa cùng các cô. Những bàn tay bé xinh đang “bắt đá nở hoa”, kết lên những niềm vui từ rốn lũ. Nơi đây, cô và trò đã khuất phục được sức tàn phá của thiên nhiên, bằng chính bàn tay, khối óc của mình.

Kết

Sông Gianh, Ngàn Sâu… đã xanh trở lại, những gợn sóng hiền hòa êm ả, những nụ cười hạnh phúc lại hiện hữu trên khuôn mặt của những người dân nơi đây... Tất cả báo hiệu một cái Tết ấm no, an lành, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, ở nơi mà lũ dữ đã từng quần nát và cuốn đi tất cả. Ý chí, sức người ở những nơi bão, lũ đi qua đã chiến thắng sự nghèo đói, biến “không” thành “có”. Đất và người nơi đây đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong sáng Xuân nay!

Bùi Tiến