Không phải ngẫu nhiên, nhà nhà thi hoa hậu, người người thi nữ hoàng. Nhiều cô gái cho rằng đi thi trước sau kiểu gì sẽ có một danh hiệu để bước vào showbiz hoặc với không ít người đẹp nó còn là cơ hội gặp gỡ các đại gia. Không ít người “gai mắt” đã phải thốt lên rằng, các cuộc thi sắc đẹp đang trở thành trò hề, danh hiệu đối với một số thí sinh là trò mua bán rẻ tiền…
Cuộc thi có 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi?
Chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” vừa diễn ra ngày 19/6/2016 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh với nhiều “bi hài”. Đêm thi chung kết có sự tham gia của 50 thí sinh mà có tới 33 doanh nhân “ẵm” 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi.
Để hợp thức hóa các danh xưng ấy, ban tổ chức “đẻ” ra rất nhiều danh hiệu khiến khán giả ai nấy đều thấy “chối tỷ” như: Hoa khôi công sở, hoa khôi có gương mặt khả ái, Hoa khôi triển vọng, Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi thể thao, Hoa khôi du lịch, Hoa khôi có nét đẹp qua ảnh, Hoa khôi tự tin, tỏa sáng, Hoa khôi có vẻ đẹp vượt thời gian….
Nhiều Hoa khôi, á khôi tới nỗi, MC đọc “trẹo quai hàm” mà không hết danh hiệu. Trước “bi hài” ấy, ngày 27/6, ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở VH&TT TP.HCM yêu cầu giải trình.
Trong vòng 10 năm nay, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều cuộc thi hoa hậu, nữ hoàng, người đẹp nhiều nhất thế giới. Các cuộc thi hoa hậu từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh liên tục diễn ra. Tên cuộc thi nào cũng oai, cũng kêu như chuông, cũng “lừng lẫy” quốc gia đủ thể loại trên trời dưới biển:
Hoa hậu VN, Hoa hậu hoàn vũ VN, Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu Mekong, Hoa hậu đại dương, Nữ hoàng biển, Nữ hoàng trang sức, Hoa khôi xứ dừa, Người đẹp xứ trà, Nữ hoàng cà phê, Hoa khôi thể thao, Hoa hậu miền đất võ, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu các dân tộc, Người đẹp vùng Kinh Bắc, Hoa hậu Quốc tế Việt Nam, Hoa khôi sinh viên, Miss teen, Miss Ngôi Sao, Miss Sunplay...
Các cuộc thi nối tiếp nhau liên tục, nữ hoàng, hoa hậu, người đẹp bước ra cuộc thi nhiều như lá mùa thu. Nhiều tới nỗi, chẳng ai buồn nhận ra cô gái đó là hoa hậu gì, ở cuộc thi nào.
Không phải ngẫu nhiên, nhà nhà thi hoa hậu, người người thi nữ hoàng. Nhiều cô gái cho rằng đi thi trước sau kiểu gì sẽ có một danh hiệu nào đó để bước vào showbiz hoặc với không ít người đẹp là thêm cơ hội gặp gỡ các đại gia.
Người đẹp K. A tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam chẳng ngại ngần nói: “Ai vào đây mà chẳng muốn thi có tí danh để kiếm đại gia!”. Dường như, đích đến các cuộc thi sắc đẹp không phải tìm ra những cô gái hội tụ chân- thiện mỹ mà thu nạp những cô gái có “toan tính” hơn người.
Có cầu ắt có cung, dường như quá hiểu mục đích của các cô gái, những “ông bà bầu” đã chộp ngay cơ hội tổ chức các cuộc thi rầm rộ. Chính họ với “mặt nạ” là ban tổ chức tự cho mình “ngồi ghế nóng” cầm cân nảy mực tôn vinh sắc đẹp.
Danh hiệu Hoa hậu, Nữ hoàng, Nguời đẹp không căn cứ vào số đo hình thể, trí thức, vẻ đẹp tâm hồn mà qua những khoản tiền mà các thí sinh hay đại gia đằng sau “tài trợ” nhiều hay ít. Càng đóng nhiều “tài trợ”, thí sinh đó càng có cơ hội ẵm giải thưởng.
Các “ông bà bầu” bán giải thưởng cho những cô nàng sẵn sàng bỏ tiền (hay đại gia bỏ tiền) ra mua. Họ chẳng quan tâm các cô nàng sau khi đoạt giải sẽ đi từ thiện thế nào, cống hiến xã hội ra sao mà chỉ quan tâm sau cuộc thi ấy, họ thu về được bao nhiêu tiền.
Chả thế có chuyện, thí sinh Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam đã tố trưởng ban tổ chức rao bán giải nhất với giá 350 triệu đồng. "Tôi đã nói với anh ấy rằng đây là cuộc thi nhỏ nên sẽ chỉ đưa anh ấy 40 triệu đồng gọi là tiền tài trợ thôi. Phạm Tuân đồng ý và chúng tôi đã làm giấy cam kết”.
Cô gái này khẳng định đến nay vẫn giữ bản cam kết "giao dịch giải thưởng" giữa cô với ông Phạm Tuân. Hay thí sinh cuộc thi Hoa hậu phu nhân thế giới người Việt 2012 Diễm Kyly tố cáo Minh Chánh (người tổ chức cuộc thi này) bán gạ gẫm bán giải.
|
50 người vào vòng chung kết, 33 người là Hoa khôi, Á khôi. |
Hoa hậu, hoa khôi hay “xe rác thập cẩm”
Việc trao giải thưởng “không giống ai”này đã biến các cuộc thi sắc đẹp thành trò hề, thành những “thùng rác” mà thí sinh ném “rác” vào. Danh hiệu đối với một số thí sinh là trò mua bán rẻ tiền. Thích thì dùng không thích thì ném.
Đó thí sinh cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Trần Ngọc Bích đã “khoe” lên trang Facebook của mình tấm hình gây sốc: danh hiệu “Người đẹp hình thể” của cô nằm chỏng chơ trong... xe rác, kèm theo lời bình luận tố cuộc thi chỉ ở cấp “ao làng” và ban tổ chức không chuyên nghiệp.
Rồi Hoa hậu các Dân tộc- Triệu Thị Hà cũng đòi trả vương miện vì những khuất tất đằng sau giải thưởng. Sau khi tố ban tổ chức, tất nhiên các cô nàng cũng không quên đánh bóng tên tuổi mình với bàn dân thiên hạ với “nick name”: “Người đẹp xe rác” hay “hoa hậu ngán vương miện”.
Các cuộc thi trở nên lộn xộn với vô số scandal kiểu như hoa hậu ăn nói nhảm nhí, rồi lộ chuyện hoa hậu có chồng, chuyện chạy giải, chuyện thí sinh không có hồ sơ nhưng vẫn đi thi. Những người đẹp từng “thác loạn” như Julia Hồ, Ngọc Trinh hay đánh người như Quế Vân…cũng trở thành những hoa hậu, á hậu!
Còn nhớ, Mỹ Xuân – Hoa hậu Nam Mekong dùng chính danh hiệu mình có được để tham gia vào đường dây mại dâm cao cấp có giá 2.500USD. Vừa trực tiếp “hành nghề”, Mỹ Xuân vừa “chăn dắt” đàn em là những người mẫu, diễn viên, ca sỹ phòng trà có nhan sắc tham gia vào những lần đi khách. Mới cách đây vài ngày, Trish Trâm Bùi - Hoa hậu Phu nhân Việt Nam Toàn cầu 2012 bị bắt tại Mỹ vì tội trồng và buôn bán cần sa.
Các cuộc thi Hoa hậu, Nữ hoàng, Hoa khôi, Người đẹp không khác một “xe rác” thập cẩm với những hình ảnh lộn xộn, chộp giật. Ngỡ ngàng vì một cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc “Hoa hậu Đại Dương” lại có sân khấu ở một bãi đất trống ngay khu vực quảng trường thành phố Phan Thiết, khá khiêm tốn và tạm bợ như thế, với các khán đài tạm trông không khác gì các show diễn đại nhạc hội ở tỉnh.
Hậu trường cho cả gần trăm người gồm thí sinh, trang điểm, làm tóc, trợ lý… là một cái nhà lều dã chiến được chia làm hai ngăn, nóng nực và tạm bợ trên một nền đất khá lởm chởm đá vụn. Đến mức người ta phải lót mấy miếng ván ép làm lối đi cho thí sinh ra sau sân khấu và đây là một thử thách cho các cô gái mang giày cao 2 tấc bước trên những tấm ván khá dập dềnh ấy.
Trước đêm chung kết, người viết được chứng kiến cảnh hậu trường lục đục giữa thành viên ban tổ chức và ê kíp tạo mẫu tóc đã trở thành mâu thuẫn khiến các nhà làm tóc cho các người đẹp đã “bãi công” bỏ về Sài Gòn ngay trong đêm.
Hay trong đêm chung kết Nữ hoàng sắc đẹp, do sân khấu được thiết kế quá nhỏ hẹp, các thí sinh lại đang khoác trên mình những bộ trang phục dạ hội hết sức đồ sộ và rườm rà nên để đủ chỗ, các thí sinh buộc phải chen chúc nhau. Một vài thí sinh không ngại “văng tục” hoặc tranh cãi ngay trên sân khấu để giành chỗ “mặt tiền”.
Các thí sinh tiếp theo của Top 7 lần lượt được công bố và trong lúc chờ MC công bố nốt những thí sinh còn lại, các thí sinh đứng trên sân khấu thản nhiên tạo đủ các kiểu dáng như: chu mỏ, giơ tay chữ V, xoay trái, xoay phải, chống cằm, ưỡn ngực… để người nhà ở dưới tranh thủ chụp ảnh. Cảnh tượng trên sân khấu lúc bấy giờ chẳng khác nào một vở xiếc bị lỗi kịch bản.
Chứng kiến những cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam, dư luận than: “Hoa hậu, nữ hoàng… thời rẻ rúng”!
Theo Pháp luật VN