Hàng ngày, mọi người đưa lên mạng vô số ảnh con trẻ, để khoe nó xinh xắn, học giỏi, chăm ngoan, nhưng cũng vô tình đẩy chúng vào những mối nguy hại mà họ không ý thức được.

 

 Khoe ảnh con trên Facebook sẽ để lại nhiều hệ lụy
Khoe ảnh con trên Facebook sẽ để lại nhiều hệ lụy


Mới rồi, “làng Facebook” Việt xôn xao chia sẻ thông tin ở Pháp, người ta có thể phạt đến hàng chục nghìn euro với những bậc cha mẹ khoe ảnh con cái trên mạng xã hội. Không ít những đánh giá, bình luận cho rằng, đấy là một hành động quá đà, không cần thiết.

Nhưng những người sống ở bên này thì hoàn toàn nghĩ khác và chẳng ai ngạc nhiên. Trong một xã hội văn minh mà những quyền của con người được đòi hỏi sự tôn trọng, những vấn đề liên quan đến tự do cá nhân là rất cơ bản. Quyền tự do cá nhân của những đứa trẻ chưa đến tuổi công dân và chưa thể tự bảo vệ mình trong cả đời sống thực lẫn đời sống ảo, tóm lại là vẫn luôn cần đến cha mẹ hoặc người giám hộ, lại càng phải được tôn trọng.

Ngăn cản cha mẹ đưa ảnh con cái còn nhỏ lên Facebook trên thực tế là một cách nhắc nhở phụ huynh trước tiên cần phải bảo vệ đứa trẻ từ trong gia đình, trước những mối họa rình rập đứa trẻ trong cuộc sống. Mà những rủi ro đến với chúng không chỉ ngoài đường, trong lớp, từ những người xung quanh mà còn từ những đôi mắt rình mò của kẻ bệnh hoạn, những cái mồm dèm pha và ghen tị trên thế giới ảo.

Những người bạn Ý của tôi ở bên này có Facebook, nhưng không mấy khi đưa lên ảnh con cái họ. Một ông bố có con gái 11 tuổi nói với tôi, “tôi không muốn người khác nhìn thấy và biết rõ gia đình tôi làm gì, ở đâu. Tôi cũng không muốn vô tình đặt con gái mình trước những cặp mắt theo dõi của bọn ấu dâm hoặc những kẻ tội phạm bắt cóc trẻ con”.

Một phụ nữ Ý rất thân với gia đình tôi lại có một cách nhìn khác: “Nếu tôi post ảnh con lên Facebook cá nhân, đến một lúc nào đó, khi lớn lên, có thể nó sẽ xem lại được tấm ảnh đó và thốt lên: “Mẹ! sao mẹ đưa cái ảnh này lên, lúc con trông xấu như thế, mẹ không thấy làm thế khiến con xấu hổ sao?”.

Tôi không thể post ảnh con gái lên Facebook của mình, nếu không hỏi ý kiến nó, hoặc nó không đồng ý. Ngay cả việc chụp ảnh lưu niệm cho lớp mỗi năm học để sau đó đưa vào kỉ yếu, nhà trường cũng gửi một thư tay cho từng phụ huynh, thông báo về việc này và đề nghị cha mẹ kí nhận để biết về sự kiện đó, đồng thời có mục cho phép cha mẹ đồng ý hoặc khước từ cho con cái tham gia.

Hình ảnh của một đứa trẻ trước công chúng cần được chính bố mẹ và xã hội bảo vệ. Những bức ảnh có trẻ con trên báo đều được làm mờ phần mặt. Những vi phạm liên quan đến việc lạm dụng một đứa trẻ theo góc độ hình ảnh đều có thể bị trừng phạt rất nặng.

Điều ấy chưa thấy ở ta, vì người VN hầu như vô thức về những mối đe dọa ấy. Hàng ngày, mọi người đưa lên mạng vô số ảnh con trẻ, để khoe nó xinh xắn, học giỏi, chăm ngoan, nhưng cũng vô tình đẩy chúng vào những mối nguy hại mà họ không ý thức được. Khi xã hội đang thay đổi chóng mặt, thì Facebook trở thành một mỏ thông tin “bằng vàng” cho những kẻ bệnh hoạn.

Nhưng ngay cả khi chúng chưa làm gì con bạn, thì việc khoe con có thể tạo ra cho chính các bậc phụ huynh và bản thân đứa trẻ một áp lực vô hình về việc đua tranh với những phụ huynh, những đứa trẻ khác xung quanh thông tin mà họ đưa lên.

Mới rồi, có chuyện ảnh cậu bé mới sinh của bạn tôi bị một thanh niên biến thành avatar cá nhân trên facebook và kèm theo đó là cả những bình luận rất thiếu văn hóa của bạn bè cậu ta. Bạn tôi đã bị sốc. Cô không thể tin nổi, đứa trẻ mấy tháng tuổi lại có thể xuất hiện trên “tường” nhà người khác và trở thành đối tượng bình phẩm của một nhóm thanh niên được ăn học đầy đủ và không ít trong số đó đang học ở nước ngoài.

Bạn có muốn những đứa con mình cũng bị xâm hại theo cách đó không?

 

Theo Báo giao thông

.