Cùng với các sinh hoạt văn hóa như múa Xoè, hát khắp, Hạn Khuống... đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
 


Khu vực Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là vùng đất hội tụ của 13 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Dân tộc Thái, Tày là những người cư trú trên địa bàn từ lâu đời. Hiện Mường Lò - trung tâm đầu tiên của người Thái ở Việt Nam - có hơn 40.000 người Thái sinh sống, chiếm hơn 22% dân số trong vùng.

Theo Nghệ nhân người Thái, Lò Văn Biến ở thị xã Nghĩa Lộ thì "Hạn" tiếng Thái Đen có nghĩa là tre, nứa; "Khuống" là sân, đất trong bản. Như vậy, Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời.

Đây là một sinh hoạt văn hóa cổ xưa có hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai mang tính đại chúng, làm cho mỗi người yêu, say cuộc sống hơn. Sàn Hạn Khuống cao từ 1-1,2m, mặt sàn có diện tích từ 16 đến 24 m2. Sàn được lát bằng dát tre hoặc phên nứa... Giữa sàn có 1 bếp lửa (rộng, hẹp tùy kích thước của Hạn Khuống).

Đặc trưng nhất của Hạn Khuống là có 5 cây "lắc xay". Có thể ví lắc xay như cây Nêu ngày Tết. "Lắc xay" được làm bằng cây bương hay tre dài từ gốc đến ngọn, tỉa hết cành nhánh. Trên ngọn chóp để nguyên chùm lá treo lủng lẳng những hình con ve, chim, hoa quả, xúc xích được đan bằng lạt xanh, đỏ trông thật rực rỡ.

"Lắc xay cốc" tức là tổn khuống cốc (Gốc sàn) cao đẹp nhất dựng ở giữa sàn cạnh bếp lửa. 4 cây còn lại dựng ở 4 góc sàn biểu hiện của 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, cây ở giữa biểu tượng trụ của đỉnh trời.

Mỗi Hạn Khuống thường có 5-10 tổ viên gái chính thức, gọi là "Xao lắc xay". Mỗi Hạn Khuống cử một thiếu nữ xinh đẹp, có đức, có tài hát ứng đối và được gọi là “Xao tổn khuống.” Khi bếp lửa trên sàn được nhóm lên, ngọn lửa cháy rực cả góc bản cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi dăng ngang lối lên xuống, vừa kéo sợi vừa ra vế đối với các chàng trai.

Vậy là cuộc thi tài bắt đầu! Các chàng trai muốn lên được sàn hoa, phải thắng trong cuộc hát đối đáp với các cô chủ Hạn Khuống. Các lời hát đối đáp thường lấy trong truyện thơ của người Thái như “Xống chụ xon xao,” “Tản chụ xống xương,” “Tản chụ xiết xương...”

Cũng có khi lời đối đáp là lời ứng tác giữa hai bên. Khi đã cảm phục tài của các chàng trai trong đối đáp, các cô gái thả thang xuống mời các bạn trai lên. Lên Hạn Khuống rồi, bên gái không cho ghế, bên trai lại "khắp" (hát) xin ghế ngồi. Khi được ghế lại xin điếu thuốc...

Sau một loạt bài khắp đối đáp, các chàng trai vượt qua được thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui. Lúc này các chàng trai và cô gái nào thấy có cảm tình thì đến bên nhau. Cô gái thêu thùa kéo sợi, cán bông..., còn chàng trai đan giỏ, đan hom, thổi sáo tâm tình.

Mọi người già, trẻ lúc này đều có thể lên được Hạn Khuống, có việc gì làm việc nấy, vừa hát, vừa trò chuyện đầm ấm quanh bếp lửa. Đêm về khuya, những người có tuổi và trẻ em lần lượt ra về. Các thanh niên nam, nữ vai kề vai bên bếp lửa tâm sự thâu đêm. Càng về khuya lửa tình duyên càng thêm nồng thắm.

Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày với phong phú hình thức vui chơi giải trí như Tung còn, múa xòe... Nhưng đêm đến, sinh hoạt chủ yếu của Hạn Khuống là hát giao duyên.

Cùng với hát đối đáp, đám đông nhiều khi cất tiếng hò phụ họa làm cho không khí vô cùng náo nhiệt. Hạn Khuống tan là lúc cô Tổn khuống hát bài chia tay. Mọi người tắt bếp lửa mang dụng cụ ra về. Cô Tổn khuống cất thang, cuộc sinh hoạt Hạn Khuống tạm dừng nhưng những dư âm còn theo mãi.

“Hạn Khuống” là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người Thái Đen vùng Mường Lò. Hạn Khuống thường được tổ chức vào mỗi độ hoa ban đua nở trắng đất trời Tây Bắc, là lúc xuân về.

Sàn diễn dân gian “Hạn Khuống” kết thúc để người dân bước vào vụ mới, song dư âm ngày hội khúc tình ca bay bổng bốn phương trời. Cách đây không lâu, bản Thái nào cũng có từ dăm ba đến hàng chục "Hạn Khuống."

"Hạn Khuống" là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự no ấm, phồn vinh của xã hội Thái. Hình thức sinh hoạt văn hóa, vui chơi độc đáo này đang được tỉnh Yên Bái phục dựng, bảo tồn và phát triển trên vùng đất Mường Lò, vùng quê tổ của tộc người Thái đen.

Hạn Khuống đem lại một giá trị tinh thần to lớn cho đời sống, tình cảm của mỗi người, là hoạt động văn hóa cổ truyền, tinh hoa, độc đáo và là nét đẹp văn hóa mang bản sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò./.
 

Theo TTXVN

.