Hai trường hợp vẫn được tín nhiệm nhưng xin từ chức đó là ông Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học (bộ GD&ĐT) và ông Lê Huy Ngọ (Bộ trưởng bộ NN&PTNT).
Cấp dưới sai phạm, người thân lạm dụng vị trí của quan chức để thu vén lợi ích cá nhân khiến “quan chức ngoại” nửa đường “ngã ngựa” khá nhiều. Những scandal kiểu như vậy, ở ta không phải không có, nhưng chẳng ai dại gì vì trọng danh dự cá nhân mà từ nhiệm. Thực tế, những người xin từ chức chẳng qua chỉ muốn... chối bỏ trách nhiệm.
|
Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt. |
Người trọng danh dự không nhiều
Hàng loạt Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ xin từ chức vì con của họ có “dính” vào tham nhũng. Thậm chí, có Bộ trưởng còn kêu gọi Thủ tướng nên từ chức. Ở đây sự từ nhiệm vì “con dại cái mang” hoàn toàn vì sự tự trọng cá nhân vụ việc đang gây rúng động dư luận thế giới. Ở nước ta cũng đã ghi nhận những trường hợp từ chức nhưng đó là sự nặng nề, sự tính toán... cực chẳng đã.
Nhìn nhận thực tế từ chức, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Tôi biết có hai trường hợp vẫn được tín nhiệm nhưng xin từ chức đó là ông Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học (bộ GD&ĐT) và ông Lê Huy Ngọ (Bộ trưởng bộ NN&PTNT). Ở trường hợp của ông Hào, Vụ trưởng vụ Tiểu học, ông đang làm việc rất tốt nhưng xin từ chức vì kiến nghị của ông không được nghe. Như vậy là không chỉ thế giới mới có từ chức, Việt Nam cũng có nhưng hơi hiếm”.
Trường hợp chủ động từ chức (từ trước đến nay) không bị một sức ép nào từ dư luận hay cấp trên đó là ông Vụ trưởng vụ Tiểu học. Vì không chấp nhận thái độ của lãnh đạo Bộ nên ông đã từ chức. Sau đó ông này có những phát biểu thẳng thắn trước công luận nói rõ lý do vì sao mình từ chức. Việc từ chức này là tự trọng cá nhân, vì những đóng góp, những sáng kiến của mình không được xem xét đúng đắn. “Trường hợp này, tôi rất ủng hộ và tôi cho là đúng. Điều này cũng phù hợp và rõ ràng với nhiều nước trên thế giới”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận thực tế của nước ngoài và bình luận hai trường hợp trọng danh dự mà từ chức ở Việt Nam, ĐBQH Dương Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ, việc từ chức tuỳ thuộc vào cách hành xử và quan điểm của mỗi người. Thực tế, hiện nay nếu ai đó thích từ chức đều được cả, chẳng ai giữ đâu. Bây giờ, người ta xếp hàng để tranh chức thì có gì khó khăn trong việc giải quyết từ chức đâu. Tôi cho rằng, những con người làm được như hai vị đã từ chức vì danh dự cũng là cách hành xử tốt. Điều này sẽ dần dần tạo ra quan điểm xã hội và chính những người đó sẽ được dân trân trọng hơn. Đến lúc nào đó, những việc làm như vậy sẽ thuyết phục được xã hội thì tôi cho rằng việc từ chức là bình thường”.
Tuy nhiên, ở nước ta thường thì việc từ chức nhiều khi là sự tính toán để chối bỏ trách nhiệm đối với những hậu quả mình gây ra trong thời gian quản lý. Ngay như đối với Bộ trưởng bộ Y tế, trong thời gian qua có quá nhiều những vấn đề “nóng” khiến dư luận bức xúc, cộng đồng mạng kêu gọi bà từ chức. Tuy nhiên, bà Bộ trưởng vẫn chọn con đường tại vị (mặc dù kết quả phiếu tín nhiệm của bà này không cao) và hứa sẽ có những cải cách ngành y trong thời gian tới tốt hơn. Không ít ĐBQH khi được phóng viên hỏi về vấn đề này đều nói: “Cũng phải xem xét những vấn đề còn tồn tại của ngành y có từ trước hay mới xuất hiện trong thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để đánh giá cho khách quan. Không phải có tồn tại, yếu kém mà hối thúc từ chức và phải từ chức ngay. Vấn đề đặt ra hãy để cho Bộ trưởng có cơ hội làm tốt hơn như đã hứa và đấy là thước đo cho lần xem xét lần sau”.
Bị sức ép và trốn tránh trách nhiệm
Ngoài sự hiếm hoi từ chức vì trọng danh dự với hai trường hợp không có lỗi, vẫn có tín nhiệm thực tế, chúng ta cũng ghi nhận một số trường hợp xin từ chức khác. Thực chất đây là những trường hợp bị ép, hoặc lẩn tránh trách nhiệm vì sự quản lý yếu kém của mình. Đó là chuyện cách đây vài năm khi một thứ trưởng, hay một vị cục trưởng xin từ chức. Họ đều đã gây thất thoát của Nhà nước nhiều tỷ đồng, nên xin từ chức để tránh vướng vòng lao lý. GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Trong trường hợp này không phải cá nhân xin từ chức hay đề nghị từ chức mà cần có cơ chế xử lý. Nghĩa là không từ chức không được. Khi người ta chưa tự giác thì phải có ràng buộc pháp luật buộc phải từ chức. Và khi đã có cơ chế, cứ soi vào đó người ta không muốn từ chức cũng phải từ chức. Bởi từ chức sớm còn đỡ xấu hổ hơn khi bị pháp luật xử lý”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Dương Trung Quốc nói: “Lỗi do chính bản thân mình gây ra không thể từ chức được. Chẳng hạn như ông bộ trưởng nước ngoài để xảy ra tàu đổ xin từ chức – dù ông không trực tiếp gây ra điều đó. Chứ còn anh mắc lỗi, có tội thì không thể từ chức được. Anh đã có tội lỗi thì phải chịu kỷ luật chứ không thể từ chức, ở đây phải là bãi, miễn chức”.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: “Khi từ chức là phải tự nguyện chứ không phải bị kỷ luật mà từ chức. Còn khi làm thất thoát tiền, tài sản nghĩa là đã xảy ra việc liên quan trực tiếp đến mình thì không thể từ chức mà phải chịu sự phán quyết của pháp luật. Đã gây hậu quả mà từ chức thì dễ quá, đó là chối bỏ trách nhiệm. Pháp luật cũng cần quy định, ai được phép từ chức chứ? Nếu anh đã có yếu tố để cơ quan điều tra vào cuộc thì không thể từ chức được”.
Trước thực tế có những trường hợp, việc cụ thể liên quan đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khiến dư luận bức xúc, nhiều luồng ý kiến đã kêu gọi từ chức nhưng không có ai nhận trách nhiệm và chẳng có ai từ chức. “Ở nước ngoài những chuyện như vậy mà xin từ chức là chuyện bình thường. Nhưng ở mình người ta chỉ cần viện cớ “trách nhiệm tập thể” để không từ chức. Người có liêm sỉ thì họ đã từ chức, nhưng liêm sỉ giờ được cho là cái gì đó... xa xỉ”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Cũng theo ông Quốc, việc từ chức trước hết người đó tự thấy mình không xứng đáng. Sự “tự thấy” ấy còn dựa trên hệ thống những quan điểm xã hội. “Ở đây, tôi không bàn đến vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà cơ chế xã hội hiện nay cái gì cũng nói là lãnh đạo tập thể, số phận con người gắn bó với quyết định của tập thể, quyết định tập thể quan trọng hơn quyết định của cá nhân. Có người bảo, tôi không dời nhiệm vụ (cái ghế của mình) vì tôi hoàn thành nhiệm vụ cá nhân, tôi phấn đấu đến hơi thở cuối cùng. Họ đưa ra quan niệm ấy và có lớp người nghĩ thế thật, nhưng nghĩ gì cũng được nhưng quan trọng vẫn phải là giá trị, quan điểm xã hội. Ở đây, tôi không nói nhiều đến mặt trái của bộ máy quan chức, người ta nói rất nhiều đến chuyện “mua quan, bán chức”. Bởi khi đã mua-bán thì họ phải tính đến chuyện hạch toán kinh tế, tính đến chuyện lỗ lãi. Vậy nên chẳng ai dại gì mà từ chức khi chưa thu được “vốn””, ông Quốc nói.
Quyền gắn với lợi nên không ai từ chức
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Thời nào cũng vậy, quan chức gắn với trách nhiệm. Có người chức càng to thì hy sinh càng lớn, đứng mũi chịu sào nhưng bây giờ quan chức trong thời đại này có hai mặt: Có quyền hành và quyền lợi. Điều này, ngăn cản quan chức trong quyết định có từ chức hay không từ chức. Hiện nay, họ luôn dựa vào, họ nằm trong một tổ chức họ chỉ tuân thủ quyết định của tổ chức mà thôi”.
|
Theo ĐS&PL