Ngày 21/10, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử, văn hóa đình Chử Xá - Định hướng tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị,” với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhằm tìm phương hướng tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Quốc gia này.

 


Tám năm qua, huyện Gia Lâm vẫn loay hoay, chưa tìm ra phương án tu bổ hợp lý.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa chưa có sự thống nhất cao với phương án tu bổ ban đầu được công ty tư vấn đưa ra vì nó thể hiện cách làm mới công trình di sản văn hóa, chưa đưa ra được phương án giải quyết những công trình cần tháo dỡ…

Chủ tịch Hội di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội Lưu Minh Trị đề xuất địa phương và đơn vị tư vấn cần khảo sát lại thực tế, dung hòa những công trình chính và các công trình phụ cận.

Còn Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài mong muốn xây dựng một quy hoạch chung cho di tích trước khi tiến hành tu bổ; để công tác tu bổ diễn ra tổng thể không theo kiểu manh mún từng hạng mục như hiện nay.

Tại hội thảo, ông Lý Duy Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm khẳng định sẽ còn rất nhiều công việc phải làm như báo cáo tính cấp thiết của công tác tu bổ, thực trạng di tích, cơ sở nguồn vốn đầu tư… để dự án có thể được phê duyệt. Huyện cũng sẽ khẩn trương thực hiện các công việc tiếp theo để di tích sớm được tu bổ, tôn tạo.

Đình Chử Xá, nơi phụng thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử, được khởi dựng từ khoảng thế kỷ thứ XVII, mang nhiều nét độc đáo, khác biệt so với những kiến trúc di tích hiện nay. Trải qua thời gian dài, do vị trí nằm ngoài đê sông Hồng, mưa bão, mối mọt làm hư hỏng các cấu kiện kiến trúc của di tích.

Tuy nhiên, công tác tu bổ, tôn tạo của địa phương thời gian qua chỉ mang tính chắp vá, hỏng đến đâu sửa đến đó, chưa thực hiện tu bổ một cách tổng thể.

Công tác phát huy giá trị chỉ dừng ở việc tổ chức lễ hội truyền thống. Chính lẽ đó, mảnh đất Văn Đức vốn xuất tích là quê hương của Đức Thánh Chử Đồng Tử, ngôi đình thờ (vốn được cho là ngôi nhà của ông, nơi ông sinh ra và lớn lên được dân làng dựng làm đền thờ sau khi ông mất) ít được du khách thập phương biết đến.

Huyện Gia Lâm mong muốn sau khi đình Chử Xá được tu bổ, tôn tạo sẽ mở ra cơ hội kết nối cụm di tích đình Chử Xá, Lăng Chử Cù Vân (nơi thờ tự thân phụ và thân mẫu của Đức Thánh Chử Đồng Tử), cùng với tuyến giao thông đường thủy ven sông Hồng tạo thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.