Chiến thắng ngày 7-1-1979 đã giải thoát người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, đồng thời đó cũng là minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam-Campuchia.

Đã 35 năm trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu chiến binh Việt Nam

Thảm họa diệt chủng

Ngày 17-4-1975, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, nhân dân Campuchia chưa kịp vui mừng thì ngay ngày hôm sau, Pôl Pốt đã thực hiện chính sách hết sức dã man và tàn ác: chúng đuổi nhân dân, giết hại đồng bào, lập trại lính, sử dụng các hình thức giết hại nhân dân Campuchia... Đối với nhân dân Việt Nam, tập đoàn phản động Pôl Pốt-Iêng Xary cũng đã có những hành động tàn bạo, cướp bóc tài sản, giết hại và xua đuổi 500.000 Việt kiều về nước. Ngày 4-5-1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc. 6 ngày sau, quân Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu…
 

Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp đánh địch (Ảnh tư liệu)
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp đánh địch (Ảnh tư liệu)

 
Trước sự tàn bạo, man rợ của tập đoàn phản động Pôl Pốt-Iêng Xary, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia đã ra lời kêu gọi các nước: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”. Trước sự kêu gọi khẩn thiết của chính quyền, người dân Campuchia, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia tình nguyện Việt Nam có mặt tại Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thiện (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thời tiết ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia vô cùng khắc nghiệt, mùa khô thì sông suối cạn kiệt, cây cối khô héo; mùa mưa nhiều vùng bị cô lập, đường sá không thể đi lại; lương thực của bộ đội chủ yếu là lương khô và bo bo. Không ít cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đã hy sinh. Dù vậy, tất cả những người lính tình nguyện đều được quán triệt nghiêm khắc, không được lấy dù là cây kim sợi chỉ của người dân Campuchia”. Ông Thiện tiếp lời: “Chúng bắt, giết phụ nữ xong còn lột hết đồ đạc và phơi thây; nếu chúng bắt được người lính tình nguyện Việt Nam, sau khi giết chúng còn cài lựu đạn vào lưng xác chết (vì chúng biết sẽ có người đến lấy xác-P.V)…”. Không chỉ giết người, phơi thây, bọn Pôl Pốt còn vứt xác chết xuống các giếng nước nhằm triệt luôn nguồn nước uống của người dân-nhất là trong mùa khô.

Ký ức của những cựu binh
 

Ông Lâm Huế (bên phải) trong những năm tháng ở Campuchia (Ảnh chụp lại)
Ông Lâm Huế (bên phải) trong những năm tháng ở Campuchia (Ảnh chụp lại)


Chúng tôi tìm đến nhà ông Lâm Huế (57 Nguyễn Đức Cảnh, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vào một buổi chiều muộn. Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, song ký ức về những năm tháng cùng kề vai sát cánh với chính quyền, nhân dân Campuchia vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Ông nhớ lại: “Trước khi tổng tấn công giải phóng Campuchia, đồng chí Lê Đức Thọ đã vào phổ biến nhiệm vụ, động viên các lực lượng Mặt trận 1978 đúng giờ G toàn tuyến biên giới từ Bắc-Nam tổng tấn công về phía bên kia. Trong ngày 7-1-1979, tôi (lúc đó là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-P.V) chỉ huy mặt trận tham gia cùng chủ lực Quân khu và Mặt trận 1978 đánh thẳng vào giải phóng Ban Lung (thủ phủ của tỉnh Rattanakiri).

Sau đó, lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai tiếp tục đánh lên Pô Keo và phối hợp cùng một số tiểu đoàn quản lý khu vực mình đã giải phóng, đồng thời dẫn đường cho chủ lực đánh lên tỉnh Stung Treng. Mình đánh đến đâu, địch bỏ chạy đến đó. Nhưng có một nguy hiểm đó là bọn Pôl Pốt chúng gài mìn ở khắp nơi khiến nhiều anh em đi trinh sát địa hình bị dính mìn; hoạt động lẻ tẻ của bọn tàn quân Pôl Pốt cũng khiến lực lượng của ta thương vong nhiều”.

Có mặt trên đất nước chùa Tháp ngay từ những năm 1970, cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu (74 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã có rất nhiều kỷ niệm với đất nước này. Tháng 5-1970, khi đó ông Sáu là lính của Đoàn 2211 đặc công Bộ Tư lệnh 305 (Bộ Quốc phòng), có nhiệm vụ sang giúp chính quyền Campuchia chống lại bọn phản động đang muốn lật đổ Xihanuc, đồng thời giải phóng 3 tỉnh: Pret Vihear, Rattananiki, Munđunkiri. Sau khi giải phóng thành công 3 tỉnh Đông Bắc và giúp bạn ổn định, giữ vững 3 tỉnh, đến tháng 11-1970 đơn vị nhận lệnh rút quân về nước. Gần 7 năm sau, ông Sáu-lúc bấy giờ là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25 (Bộ Chỉ huy Quân sự Đak Lak) tham gia đánh địch lấn chiếm, khu vực biên giới giữa Đak Lak với tỉnh Munđunkiri.

Nói về trận đánh đáng nhớ nhất trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế, ông Sáu kể: 11 giờ, ngày 30-12-1984, Tư lệnh Quân khu 5 lệnh cho các đơn vị: Sư đoàn 2, Trung đoàn 95 (Sư 307) và Sư đoàn 315 tấn công vào khu vực tỉnh Pép Úm của Thái Lan. Đây là nơi Pôl Pốt, FULRO và thổ phỉ đóng quân. Lúc này, bọn Pôl Pốt đã được chi viện hàng ngàn tấn súng đạn với ý định là tiếp tục dùng số vũ khí đó để giải phóng các tỉnh Đông Bắc. Sau khi tập kích vào khu vực Pép Úm, quân ta giải phóng toàn bộ khu vực ngã ba biên giới, tiêu diệt hàng trăm tên địch và thu hàng ngàn tấn súng đạn.
 

Theo Báo Gia Lai

.